Trước đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump từng tuyên bố sẽ rút khỏi Thỏa thuận hạt nhân Iran vào ngày 12/5, trừ khi các đồng minh châu Âu sửa chữa "sai sót" trong thỏa thuận với Tehran. “Chúng tôi có kế hoạch chống lại bất kỳ quyết định nào của ông Trump về thỏa thuận hạt nhân”, ông Rouhani nói trong một bài phát biểu trực tiếp trên truyền hình nhà nước.
“Yêu cầu đã được đưa ra với các tổ chức năng lượng nguyên tử… và lĩnh vực kinh tế để chặn đứng hành động chống lại Iran của Mỹ”, ông Rouhani nói thêm, nhấn mạnh, Mỹ sẽ sai lầm nếu từ bỏ thỏa thuận.
Anh, Pháp, Đức vẫn cam kết thực thi thỏa thuận và trong một nỗ lực nhằm giữ chân Mỹ, 3 nước này mong muốn mở ra các cuộc đối thoại về chương trình tên lửa đạn đạo và hoạt động hạt nhân của Iran đến năm 2025 và vai trò của nước này trong khủng hoảng Trung Đông như Syria và Yemen.
“Chúng tôi sẽ không đàm phán với bất kỳ ai về vũ khí và phòng thủ của chúng tôi, chúng tôi sẽ sản xuất và lưu trữ vũ khí, tên lửa như chúng tôi cần”, Tổng thống Iran phát biểu.
Lãnh đạo đảng Cộng hòa của Ủy ban Vũ trang tại Hạ viện cũng đưa ra lời khuyên, Tổng thống Trump không nên rời bỏ thỏa thuận hạt nhân Iran.
Ông Thornberry cho rằng, mặc dù ông phản đối thỏa thuận này khi nó được chính quyền Tổng thống Obama ký kết vào năm 2015, việc thoát khỏi thỏa thuận này sẽ làm xói mòn ảnh hưởng của Washington trong việc chống lại Tehran.
“Liệu Iran có loại ra những thanh tra viên để Mỹ không thể tiếp tục giám sát vấn đề hạt nhân nếu chúng ta rút khỏi thỏa thuận hay không?”, ông Thornberry nói.
Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố, ông có thể xé bỏ thỏa thuận năm 2015 và tái áp đặt lệnh trừng phạt vào cuối tháng này. Các quan chức chính quyền Tổng thống Trump cho rằng hiệp ước hạt nhân không giải quyết được chương trình tên lửa đạn đạo của Iran và sẽ cho phép Tehran xây dựng lại chương trình hạt nhân sau khi một số điều khoản hết hạn.