Iran hoan nghênh châu Âu lập cơ chế thương mại đặc biệt "né" trừng phạt Mỹ

Nguyễn Phương (Theo Presstv)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 31/1, Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif nói rằng quyết định mới này của Đức, Anh và Pháp là bước đi đầu tiên trong nỗ lực cứu thỏa thuận hạt nhân Iran.

Các siêu cường châu Âu, gồm Đức, Pháp và Anh cùng tham gia Thỏa thuận hạt nhân Iran ký hồi năm 2015 vừa chính thức tuyên bố khởi động một cơ chế thanh toán trực tiếp với Iran nhằm bảo vệ  quan hệ thương mại của họ với Tehran trước các lệnh trừng phạt "cứng rắn nhất từ ​​trước đến nay" của Mỹ.
Sau nhiều tháng chuẩn bị, tại hội nghị thượng đỉnh ở Bucharest hôm 31/1, các ngoại trưởng Đức, Pháp và Anh đã chính thức thông báo thành lập Phương tiện Phục vụ mục đích đặc biệt (SPV) nhằm hỗ trợ cho trao đổi thương mại không sử dụng đồng USD với Iran đồng thời tránh các biện pháp trừng phạt của Mỹ.
 Ngoại trưởng các nước Anh, Pháp và Đức đã hoan nghênh cơ chế mới nhằm tạo thuận lợi cho trao đổi thương mại với Iran, bất chấp các lệnh trừng phạt của Mỹ.

Theo Đài Phát thanh và truyền hình NDR của Đức, công cụ mới này của châu Âu sẽ được đặt tên là INSTEX nhằm hỗ trợ hoạt động trao đổi thương mại để “né” các lệnh trừng phạt nghiêm ngặt mà Mỹ áp đặt đối với Iran từ năm ngoái sau khi Washington chính thức rời khỏi Thỏa thuận hạt nhân Iran, còn được gọi là Kế hoạch hành động toàn diện chung (JCPOA).
Theo AFP và truyền thông Đức, các nước châu Âu gồm Pháp, Đức và Anh là những cổ đông ban đầu của cơ chế INSTEX để giao dịch với Iran, được đăng ký hoạt động tại thủ đô Paris của Pháp, với số vốn ban đầu khoảng 3.000 euro và sẽ được điều hành bởi một chuyên gia ngân hàng Đức.
Cơ chế này sẽ được sử dụng trong các giao dịch nhỏ với Iran liên quan tới lương thực, dược phẩm và nhân đạo, không sử dụng trong các giao dịch liên quan tới dầu mỏ - lĩnh vực của Iran vốn chịu nhiều thiệt hại do các biện pháp trừng phạt của Mỹ gây ra. 
Mặc dù, cơ chế này không thể giúp khôi phục thương mại với Iran, song một nhà ngoại giao châu Âu nhận định đây là một thông điệp chính trị quan trọng tới Iran rằng châu Âu quyết tâm cứu JCPOA và tới Mỹ rằng châu Âu bảo vệ lợi ích của mình bất chấp việc Mỹ áp đặt trừng phạt Iran.
Trong một phản ứng đầu tiên, Iran đã hoan nghênh quyết định mới này của Đức, Anh và Pháp, cho rằng đây là bước đi đầu tiên của Liên minh châu Âu (EU) trong việc thực hiện các cam kết của liên minh đối với thỏa thuận hạt nhân giữa Iran và các cường quốc thế giới.
Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif nhấn mạnh: “Chúng tôi  sẵn sàng cùng châu Âu tham gia cơ chế mang tính xây dựng trên cơ sở bình đẳng và tôn trọng lẫn nhau".
Trong tuyên bố ủng hộ việc thiết lập INSTEX, bà Federica Mogherini – Phụ trách chính sách đối ngoại của EU, nói rằng đây là “khuôn khổ để thực hiện thương mại hợp pháp với Iran".
Sau cuộc gặp với những người đồng cấp EU tại Bucharest, Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian nói: "Đó là một hành động mang tính chính trị. Đó là một hành động nhằm bảo vệ các doanh nghiệp châu Âu".
Trong khi đó, Ngoại trưởng Anh Jeremy Hunt nhấn mạnh 3 nước nêu trên đã phối hợp chặt chẽ với Tehran để hoàn tất công tác chuẩn bị để tạo thuận lợi cho việc giao thương các mặt hàng dược phẩm, nông nghiệp, tiêu dùng cũng như hoạt động nhân đạo. Ngoại trưởng Hunt nói: "Việc đăng ký là một bước đi lớn, song vẫn còn nhiều việc phải làm".