Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Iran sẵn sàng ký hiệp ước không xâm lược với các nước láng giềng tại Vịnh Ba Tư

Nguyễn Phương (Theo Sputnik)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Iran hoan nghênh sáng kiến ​​của Nga về an ninh Vịnh Ba Tư và sẵn sàng ký hiệp ước không xâm lược với các nước láng giềng trong khu vực.

Tuyên bố trên được Ngoại trưởng Mohammad Javad Zarif đưa ra hôm 2/9 sau cuộc hội đàm với Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov tại Moscow.
Iran hoan nghênh đề xuất về Khái niệm an ninh tập thể tại Vịnh Ba Tư của Nga.
"Đối với vấn đề đảm bảo an ninh tại Vịnh Ba Tư, lập trường của chúng tôi rất gần với lập trường của Nga. Tôi tin rằng an ninh trong khu vực này chỉ có thể được đảm bảo thông qua việc hợp tác, chúng tôi rất quan tâm đến sáng kiến ​​của Nga về an ninh khu vực. Chúng tôi cũng sẵn sàng ký một thỏa thuận có liên quan, một hiệp ước không xâm lược với các nước láng giềng ở Vịnh Ba Tư. Vì vậy, chúng tôi hoan nghênh Khái niệm an ninh tập thể tại Vịnh Ba Tư của Nga... và kêu gọi đồng minh Moscow hỗ trợ chúng tôi thực hiện vấn đề này", Ngoại trưởng Zarif nói sau cuộc hội đàm với Ngoại trưởng Sergei Lavrov hôm 2/9.
Về phần mình, Bộ trưởng Lavrov nhấn mạnh rằng cả Moscow và Tehran đều quan tâm đến việc chứng kiến ​​các nước tại Vịnh Ba Tư cùng hợp tác bình đẳng với nhau để ổn định tình hình trong khu vực.
Trước đó, hồi tháng 7, Nga đã công bố Khái niệm An ninh Tập thể tại vịnh Ba Tư, trong đó nêu rõ nỗ lực kiểm soát vũ khí, chống khủng bố và từ bỏ sự hiện diện quân sự nước ngoài chính là những điều kiện quan trọng để khu vực này được ổn định.
Thứ trưởng Ngoại giao Nga Mikhail Bogdanov hôm 23/7 đã giới thiệu Khái niệm An ninh tập thể tại khu vực Vịnh Ba Tư cho các nhà ngoại giao nước ngoài tại Moscow.
Trong một thông cáo báo chí, Bộ Ngoại giao Nga nêu rõ: "Các nguyên tắc chính làm cơ sở cho khái niệm này là cách tiếp cận từng bước một, chủ nghĩa đa phương và sự tuân thủ nghiêm ngặt luật pháp quốc tế. Nhiệm vụ chiến lược tương lai được vạch ra trong tài liệu này là thiết lập một cơ chế hợp tác và an ninh tập thể tại khu vực Vịnh Ba Tư bao hàm nền tảng cân bằng giữa mọi quốc gia trong khu vực".
Moscow tin rằng việc tạo ra một cơ chế an ninh tập thể và hợp tác tại Vịnh Ba Tư, với sự tham gia bình đẳng của tất cả các nước trong khu vực, sẽ là câu trả lời thỏa đáng cho những thách thức trên.
Quan hệ giữa Washington và Tehran đã xấu đi kể từ khi Tổng thống Donald Trump đơn phương rút Mỹ khỏi Thỏa thuận Hạt nhân Iran, còn được gọi là Kế hoạch hành động toàn diện chung (JCPOA) hồi tháng 5/2018, và tái lập lệnh trừng phạt chống lại Cộng hòa Hồi giáo.

Sau 1 năm Mỹ rút khỏi JCPOA, Iran đã đáp trả bằng cách đình chỉ một số nghĩa vụ theo thỏa thuận này và tuyên bố sẽ tiến hành từ bỏ các cam kết theo hiệp ước cứ sau 60 ngày.
Trong khi đó, Mỹ cũng đã triển khai thêm quân đội gần biên giới Iran và tạo ra một liên minh hàng hải để hộ tống các tàu gần Eo biển Hormuz.