Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Iran triệu tập Đại sứ Anh sau vụ bắt giữ “trái phép” siêu tàu chở dầu sang Syria

Nguyễn Phương (Theo Presstv)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau vụ Hải quân Anh can thiệp trái phép một tàu dầu của Iran ở eo biển Gibraltar, đại sứ nước này tại Tehran đã bị triệu tập đến Bộ Ngoại giao Iran.

Iran lên án “sự can thiệp phi pháp” của Anh khi bắt giữ tàu dầu ở Gibraltar vì nghi ngờ tàu này đang vận chuyển dầu thô cho Syria vi phạm các lệnh cấm vận của Liên minh châu Âu (EU).
Iran lên án sự can thiệp phi pháp của Anh khi bắt giữ tàu dầu ở Gibraltar.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran Abbas Moussavi ngày 4/7 cho biết, Đại sứ Anh tại Tehran Rob Macaire đã được triệu tập lên Bộ Ngoại giao chỉ vài giờ sau khi có tin siêu tàu chở dầu của Iran đã bị lực lượng Thủy quân lục chiến Hoàng gia Anh tạm giữ ở eo biển Gibraltar, vùng lãnh thổ hải ngoại của Anh ở cực nam bán đảo Iberian.
Trả lời phỏng vấn hãng tin Cộng hòa Hồi giáo Iran (IRIB) hôm 4/7, người phát ngôn Moussavi nói: "Chúng tôi khẳng định với Đại sứ rằng việc bắt giữ này là hành động bất thường và kỳ lạ, bởi các lệnh trừng phạt mà họ tuyên bố không dựa trên nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc và nước Cộng hòa Hồi giáo Iran không chấp nhận biện pháp bắt giữ tàu chở dầu".
Nhà ngoại giao Iran tuyên bố thêm, Bộ Ngoại giao Tây Ban Nha đã xác nhận việc bắt giữ tàu chở dầu của Iran được thực hiện theo yêu cầu của phía Mỹ và hành động này dựa vào các biện pháp trừng phạt ngoài lãnh thổ mặc dù EU đã chống lại những lệnh cấm đó.
Ông Moussavi nói rằng, Iran tố cáo vụ bắt giữ là "một bước phá hoại", góp  phần leo thang thêm tình hình căng thẳng tại khu vực Trung Đông.
Trích dẫn một nguồn tin của Tây Ban Nha, hãng tin France 24 ngày 4/7 báo cáo trước đó rằng tàu chở dầu của Iran đã bị Anh bắt giữ theo yêu cầu của Mỹ. Cùng ngày, Bộ trưởng Ngoại giao Tây Ban Nha Josep Borrell cho biết, Gibraltar đã bắt giữ siêu tàu Grace 1 sau khi Mỹ đưa ra yêu cầu với phía Anh.
Reuters trích dẫn phát biểu của Ngoại trưởng Borrell nói rằng Tây Ban Nha đang xem xét việc chiếm giữ con tàu và nó có thể ảnh hưởng đến chủ quyền của Tây Ban Nha như thế nào khi nó xảy ra ở vùng biển Tây Ban Nha.
Được biết, Tây Ban Nha không công nhận vùng biển xung quanh Gibraltar là của Anh.
Hiện, Bộ Ngoại giao Anh chưa có phản ứng với tuyên bố trên.
EU áp đặt các lệnh trừng phạt đối với Syria kể từ năm 2011 sau khi cáo buộc các quan chức chính phủ “đàn áp bạo lực” đối với người dân, dù chính quyền Damascus luôn bác bỏ các cáo buộc.
Vụ bắt giữ Grace 1, siêu tàu chở dầu với chiều dài 330m, hôm 4/7 được tiến hành vào thời điểm nhạy cảm trong quan hệ giữa Iran với EU.
Tehran đang muốn các nước châu Âu can thiệp nhằm bảo vệ lợi ích trước các lệnh cấm vận của Mỹ, đồng thời đe dọa sẽ rút khỏi Thỏa thuận hạt nhân Iran ký năm 2015.