IRRI hỗ trợ Việt Nam tái cơ cấu ngành lúa gạo

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 27/11, tại Hà Nội, Bộ NN&PTNT phối hợp với Viện Nghiên cứu Lúa quốc tế (IRRI) tổ chức hội nghị cấp cao với chủ đề "Tái cấu trúc ngành lúa gạo Việt Nam theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững phục vụ xây dựng nông thôn mới".

Lễ ký kết thỏa thuận thành lập Văn phòng IRRI tại Việt Nam.
Lễ ký kết thỏa thuận thành lập Văn phòng IRRI tại Việt Nam.
Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát và Viện trưởng IRRI Robert Zeigler đã ký kết thỏa thuận thành lập Văn phòng IRRI tại Việt Nam, nhằm tạo điều kiện cho việc hỗ trợ Việt Nam thực hiện công cuộc tái cơ cấu ngành lúa gạo.

Theo Trung tâm Nghiên cứu nông nghiệp Úc, trong những năm qua, các giống lúa và việc phát triển giống lúa của IRRI đã góp phần giúp nâng cao sản lượng lúa lên 50% mỗi năm tại miền Nam Việt Nam. Việc sử dụng các giống lúa mới giúp tăng thêm thu nhập cho nông dân Việt Nam khoảng 127 USD/ha. Từ năm 1963 đến nay IRRI đã giúp đỡ, hỗ trợ đào tạo cho Việt Nam hơn 700 chuyên gia về lúa gạo thông qua các lớp tập huấn do IRRI tổ chức thực hiện.

Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Cao Đức Phát bày tỏ sự cám ơn sự giúp đỡ của IRRI suốt nhiều năm qua đối ngành nông nghiệp Việt Nam. Hiện nay, hơn 80% giống lúa được gieo trồng tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long có nguồn gốc từ các nghiên cứu và chọn lựa của IRRI.

Việt Nam hiện có 10 triệu hộ nông dân sinh sống ở khu vực nông thôn, khoảng 70% dân số tham gia sản xuất nông nghiệp. Ngành lúa gạo hiện nay chiếm gần một nửa giá trị trong ngành. Tái cấu trúc ngành lúa gạo theo hướng gia tăng giá trị có ý nghĩa rất lớn trong cải thiện thu nhập của người trồng lúa, nâng cao giá trị gia tăng của ngành nông nghiệp.

Do đó, Bộ trưởng Cao Đức Phát bày tỏ mong muốn, trong thời gian tới, IRRI sẽ tiếp tục giúp đỡ, hỗ trợ ngành nông nghiệp Việt Nam thực hiện thành công việc tái cơ cấu ngành lúa gạo.

Trước đó, ngày 26/11, các chuyên gia của Bộ NN&PTNT và đối tác IRRI đã thỏa thuận về đề xuất gói hỗ trợ kỹ thuật của IRRI với các nội dụng chính: Phát triển lúa giống chất lượng cao, sản xuất lúa đặc sản phục vụ tiêu dùng nội địa và xuất khẩu, quảng bá thương hiệu lúa cho gạo Việt Nam, giảm tỷ lệ thất thoát sau thu hoạch, các biện pháp canh tác lúa thích ứng với biến đổi khí hậu…

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần