Israel bị chỉ trích "xoá sổ" Gaza: cơn giận dữ lan khắp thế giới Ả Rập
Kinhtedothi - Trong bối cảnh căng thẳng leo thang tại Dải Gaza, lãnh đạo các nước Ả Rập đã cùng đưa ra tiếng nói mạnh mẽ kêu gọi chấm dứt xung đột và cam kết hỗ trợ tái thiết vùng lãnh thổ bị tàn phá tại Hội nghị thượng đỉnh của Liên đoàn Ả Rập ở Baghdad (Iraq) diễn ra hôm 17/5 vừa qua.
Hội nghị, với sự tham dự của những nhân vật quyền lực như Quốc vương Qatar Sheikh Tamim bin Hamad Al Thani, Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah el-Sissi, Thủ tướng Iraq Mohammed Shia al-Sudani và Tổng thư ký Liên Hợp Quốc António Guterres, đã trở thành diễn đàn quan trọng để các quốc gia Ả Rập thể hiện sự đoàn kết trước cuộc khủng hoảng nhân đạo ngày càng trầm trọng tại Gaza.

Trong bối cảnh Israel tăng cường các chiến dịch ném bom vào Gaza, khiến hàng trăm người Palestine thiệt mạng chỉ trong vài ngày sau khi lệnh ngừng bắn với phong trào Hamas sụp đổ vào tháng 3/2025, lãnh đạo các nước Ả Rập đã không ngần ngại sử dụng những ngôn từ gay gắt để lên án hành động quân sự của Israel. Tổng thống Ai Cập el-Sissi nhấn mạnh các hành động quân sự của Israel tại Gaza là “tội ác có hệ thống” nhằm “xóa sổ và tiêu diệt” người dân Palestine. Ông kêu gọi cộng đồng quốc tế tăng cường áp lực để đạt được lệnh ngừng bắn vĩnh viễn, đồng thời khẳng định Ai Cập sẽ tiếp tục đóng vai trò trung gian cùng Qatar và Mỹ trong các nỗ lực hòa giải.
Thủ tướng Iraq Mohammed Shia al-Sudani cũng mô tả tình hình tại Gaza là "cuộc diệt chủng đạt đến mức độ xấu xí chưa từng có trong lịch sử". Trong khi đó, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc António Guterres lên án việc trừng phạt tập thể người dân Gaza và yêu cầu Israel dỡ bỏ phong tỏa để viện trợ nhân đạo có thể tiếp cận vùng lãnh thổ này. Ông Guterres nhấn mạnh sự cần thiết của một giải pháp hai nhà nước để đảm bảo hòa bình lâu dài tại khu vực Trung Đông.
Tuy nhiên, Hội nghị thượng đỉnh không chỉ dừng lại ở những lời lên án. Lãnh đạo các nước Ả Rập đã đưa ra những cam kết cụ thể để hỗ trợ tái thiết Dải Gaza - khu vực đã chịu thiệt hại nặng nề với hơn 53.000 người thiệt mạng và gần như toàn bộ 2,3 triệu dân thường bị mất nhà cửa, theo số liệu từ cơ quan y tế Gaza do Hamas điều hành. Thủ tướng Iraq al-Sudani công bố sáng kiến thành lập một quỹ Ả Rập để tái thiết khu vực, với khoản đóng góp ban đầu 20 triệu USD cho Gaza và một số tiền tương tự cho Lebanon, nơi cũng đang chịu ảnh hưởng từ xung đột với Israel.
Kế hoạch này được xây dựng dựa trên một đề xuất đã được thông qua tại hội nghị thượng đỉnh khẩn cấp ở Cairo (Ai Cập) vào tháng 3/2025, nhấn mạnh việc tái thiết Gaza mà không di dời khoảng 2,4 triệu cư dân, nhằm đối phó với ý tưởng của Tổng thống Mỹ Donald Trump về việc biến Gaza thành "khu nghỉ dưỡng ven biển".
ĐỌC NGAY: Đối phó với ông Trump, khối Ả-rập ấp ủ kế hoạch tỷ USD tái thiết Gaza
Tuyên bố chung cuối cùng của hội nghị, được Bộ trưởng Ngoại giao Iraq Fouad Hussein công bố, nhấn mạnh yêu cầu Israel chấm dứt ngay lập tức các động thái quân sự và cho phép viện trợ nhân đạo vào Dải Gaza vô điều kiện. Tuyên bố cũng phản đối mọi nỗ lực di dời cưỡng bức người Palestine, xem đó là “tội ác chống lại loài người” và hành động “thanh trừng sắc tộc”.
Tuyên bố chung còn nhấn mạnh sự ủng hộ đối với lời kêu gọi của Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas về một hội nghị hòa bình quốc tế, hướng tới giải pháp hai nhà nước dựa trên các nghị quyết hợp pháp của Liên Hợp Quốc. Dù vậy, Tổng thống Abbas cũng kêu gọi Hamas từ bỏ quyền kiểm soát Dải Gaza, giao nộp vũ khí cho chính quyền Palestine ở Bờ Tây và chấm dứt sự chia rẽ kéo dài từ năm 2007, khi Hamas giành quyền kiểm soát khu vực này.
Hội nghị thượng đỉnh của Liên đoàn Ả Rập tại Baghdad diễn ra ngay sau chuyến công du Trung Đông của Tổng thống Trump, người đã gây tranh cãi khi lặp lại ý định “chiếm” Gaza và biến khu vực này thành “Riviera của Trung Đông”. Đề xuất này không chỉ bị Liên đoàn Ả Rập bác bỏ mà còn làm gia tăng quyết tâm của lãnh đạo các nước Ả Rập trong việc đưa ra một kế hoạch thay thế để tái thiết Gaza theo cách tôn trọng quyền lợi của người dân Palestine.
Ngoài Gaza, hội nghị cũng đề cập đến tình hình Syria, nơi vừa trải qua sự chuyển giao quyền lực kể từ sau sự sụp đổ của chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad vào tháng 12/2024. Lãnh đạo các nước Ả Rập bày tỏ ủng hộ đối với quá trình thống nhất của Syria và hoan nghênh kế hoạch của Tổng thống Trump trong việc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt đối với quốc gia này. Tuy nhiên, sự vắng mặt của lãnh đạo lâm thời Syria Ahmad al-Sharaa tại hội nghị, do phản đối từ một số lực lượng chính trị của Iraq, đã phần nào làm lu mờ các thảo luận trên.

Thủ tướng Israel nêu điều kiện đàm phán chấm dứt xung đột tại Dải Gaza
Kinhtedothi - Thủ tướng Israel Netanyahu khẳng định gia tăng áp lực với lực lượng Hamas là cách duy nhất để giải cứu con tin.

Hamas sẵn sàng trao trả toàn bộ con tin để chấm dứt chiến tranh Gaza
Kinhtedothi - Hamas tuyên bố sẵn sàng trao trả toàn bộ con tin còn lại để đổi lấy việc chấm dứt hoàn toàn xung đột tại Gaza, đồng thời bác bỏ thỏa thuận ngừng bắn tạm thời.

Nguy cơ khủng hoảng nhân đạo gia tăng khi Gaza thiếu viện trợ trầm trọng
Kinhtedothi - Dữ liệu từ chính các đơn vị an ninh Israel cho thấy tình trạng thiếu lương thực và dịch vụ thiết yếu tại Gaza đang trở nên nghiêm trọng. Trong khi các phương án viện trợ còn vướng nhiều tranh cãi, lo ngại về một cuộc khủng hoảng nhân đạo quy mô lớn ngày càng gia tăng.