Saturday, 10:04 15/02/2014
Italia đối mặt với thử thách mới
Kinhtedothi - Ngày 14/2, chỉ ít giờ sau khi Ban lãnh đạo Đảng Dân chủ tuyên bố sẽ thành lập một nội các nhằm thúc đẩy cải cách, đơn xin từ chức của Thủ tướng Italia Enrico Letta đã được Tổng thống Giorgio Napolitano chấp thuận.
Diễn biến này có thể gây ra một giai đoạn bất ổn chính trị mới và khiến những nỗ lực lấy lại đà tăng trưởng của Italia trở nên khó khăn hơn. Nhậm chức Thủ tướng Italia từ tháng 4 năm ngoái, sau các cuộc bầu cử "phức tạp" vào tháng 2/2013, ông Enrico Letta đã phải đối mặt với rất nhiều khó khăn. Tuy nhiên, cách chèo lái con thuyền Italia đang chòng chành bởi khủng hoảng chính trị và suy thoái kinh tế kéo dài của Thủ tướng Letta được đánh giá cao, giúp ông vượt qua cuộc bỏ phiếu tín nhiệm cam go hồi tháng 10/2013 khi cựu Thủ tướng Berlusconi rút 5 Bộ trưởng khỏi chính phủ. Tuy nhiên, việc ông Matteo Renzi giành chiến thắng áp đảo trong cuộc bầu chọn Tổng Thư ký Đảng Dân chủ vào tháng 12/2013, trong khi Thủ tướng Letta đối mặt với nhiều chỉ trích liên quan đến việc thực hiện các cải cách kinh tế đã tạo ra diễn biến mang tính bước ngoặt trên chính trường Italia. Ông Matteo Renzi đã tiến hành nhiều hoạt động gây sức ép buộc Thủ tướng Letta từ chức và muốn thành lập một nội các mới với các đảng trung dung và trung hữu từng tán thành quan điểm cho rằng, liên minh với ông Letta chứa đựng những nguy cơ cho Chính phủ.
![]() Thủ tướng Letta từ chức khiến chính trường Italia đối mặt với nhiều bất ổn. Ảnh: AFP
|
Ngay sau khi Tổng thống Giorgio Napolitano tuyên bố sẽ chỉ định ông Matteo Renzi đứng ra thành lập Chính phủ mới, người đứng đầu đảng Dân chủ đã kêu gọi sự ủng hộ của những đối tác hiện nay của liên minh nhằm duy trì một quốc hội ổn định cho tới năm 2018. Ông cho rằng với một thành phần ổn định, không cần phải tổ chức một cuộc bầu cử lập pháp trước thời hạn bởi điều đó chỉ tạo ra một quốc hội trì trệ, giống như năm trước. Dù quan điểm trên của ông Matteo Renzi được giới tài chính và nhà đầu tư tán thưởng nhưng người dân Italia lại cho rằng, đây là một thảm họa đối với đất nước vì nó sẽ gây ra những xáo trộn nhất định thậm chí là đẩy quốc gia này rơi vào tình trạng bất ổn.
Trong bối cảnh ổn định chính trị là điều "quan trọng sống còn" để Italia tiếp tục thực hiện những cải cách kinh tế nhằm vượt qua cuộc suy thoái kinh tế được cho là kéo dài nhất trong 20 năm qua, những xáo trộn trên chính trường sẽ phủ bóng đen lên những nỗ lực phục hồi kinh tế. Các biện pháp cải cách quan trọng mà chính phủ tiền nhiệm đã ban hành có nguy cơ bị đình trệ và chi phí vay mượn sẽ tăng lên nhiều trong thời gian tới, khiến tình trạng nợ công thêm trầm trọng. Hậu quả là không chỉ có Italia - nền kinh tế lớn thứ 3 trong khu vực đồng tiền chung Eurozone mà cả châu Âu sẽ chịu tác động tiêu cực, ảnh hưởng đến mục tiêu ổn định và lấy lại đà tăng trưởng của "lục địa già".