Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Italy bỏ chính quyền cấp tỉnh

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Với 260 phiếu thuận, 158 phiếu chống và 7 phiếu trắng, Hạ viện Italy đã thông qua dự luật bãi bỏ chính quyền cấp tỉnh.

Đây được coi là một trong những bước quan trọng nhằm đơn giản hóa hành chính công và cắt giảm chi phí của hệ thống chính trị.

Dự luật này sẽ trở thành luật sau khi được hai viện Quốc hội phê chuẩn và có hiệu lực hợp hiến sau khi dự luật cải cách Hiến pháp được thông qua dự kiến vào năm tới.

Theo đó, quyền lực của chính quyền các tỉnh sẽ được chuyển giao cho chính quyền cấp vùng và thành phố trực thuộc với mục đích giảm bớt lực lượng nhân sự đã quá lớn, thiếu hiệu quả và luôn trong tình trạng lạm chi của chính quyền địa phương.

Với đạo luật mới này, kể từ ngày 1/1/2015, chính quyền 10 thành phố lớn nhất nước, trong đó thủ đô Rome, vừa đóng vai trò quản lý thành phố, vừa quản lý tỉnh cùng tên. Điều này sẽ tạo ra các siêu thành phố, với chức năng và quyền hạn lớn hơn trong việc quản lý.

Các cơ quan cấp tỉnh theo cơ chế cũ sẽ được điều chỉnh thành cơ quan quản lý cấp 2 theo một cơ cấu mới phù hợp với các chính sách của chính phủ là tăng cường cắt giảm ngân sách.

Đặc biệt, từ nay đến tháng 9/2014, hơn 2.000 quan chức cấp tỉnh về hưu sẽ không được thay thế nhằm giúp Italy tiết kiệm khoảng 120 triệu euro trong năm nay.

Mặc dù dự luật đã được thông qua nhưng các cuộc tranh cãi liên quan vẫn chưa kết thúc. Phe đối lập cho rằng, biện pháp này có thể làm tăng thêm chi phí hành chính công thay vì cắt giảm. Trong khi đó, Đảng Forza Italia của cựu Thủ tướng Silvio Berlusconi lại cho rằng cuộc bỏ phiếu ở Hạ viện này là một cuộc "đảo chính".