Jeju – Thiên đường nắng và gió

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Dù không đẹp mê hồn như trong phim ảnh hay lời quảng cáo du lịch, nhưng ai đã một lần đến Jeju đều cảm nhận được sức hấp dẫn kỳ lạ của “thiên đường du lịch” hay “hòn đảo tình yêu”… mà người Hàn Quốc và du khách đặt cho hòn đảo này.

 Quà tặng của thiên nhiên

Chúng tôi đến Jeju vào những ngày đầu Hè, thời tiết nơi đây khá dễ chịu. Trời không quá nóng, buổi sáng và chiều tối có cảm giác se lạnh như Hà Nội những ngày cuối Thu đầu Đông. Đi dọc bờ biển Jeju khi ban mai vừa ló rạng mang lại cho chúng tôi cảm giác thật yên bình. Biển Jeju biếc xanh như tấm gương khổng lồ sáng lên theo ánh bình minh. Dọc con đường chạy men bờ biển được quy hoạch và xây dựng rất cẩn thận là những bờ tường bằng hoa nhiều màu rực rỡ. Dường như, những bức tường hoa đó vừa trang điểm thêm vẻ đẹp cho đường phố, vừa tạo sự thân thiện với du khách khi đến Jeju.
Gềnh đá đĩa Jusangjeolli.
Gềnh đá đĩa Jusangjeolli.
Nhìn những bờ tường hoa ấy, tôi sực nhớ danh hiệu “ba có, ba không có” của Jeju mà Minh Hiếu - cô hướng dẫn viên người Hàn gốc Việt giới thiệu khi chúng tôi đặt chân đến hòn đảo này. Theo lời Hiếu, “ba có” là có nhiều gió, có nhiều đá và có nhiều phụ nữ, “ba không có” là cổng nhà không có cửa, không có ăn xin và không có trộm cắp. Những bức tường hoa và cổng nhà không có cửa ấy như một lời mời gọi du khách đến với Jeju, thiên đường của nắng và gió, của những mối tình lãng mạn.

Món quà lớn nhất mà thiên nhiên ban tặng cho Jeju chính là đá đen. Bất cứ nơi đâu trên đảo Jeju bạn cũng có thể bắt gặp đá đen. Ðá đen được xếp hàng hàng lớp lớp, đá chồng lên đá, dọc những con dốc quanh co, đá làm cổng, dựng thành nhà, xếp thành hàng rào bao quanh những vườn cam trĩu quả. Đặc biệt, đá dùng để tạc tượng, mà nhiều nhất là tượng hai vị thần đuổi ma quỷ, mang lại tài lộc và may mắn. Bức tượng đá ấy cũng chính là biểu tượng của đảo Jeju nên có thể bắt gặp bất cứ nơi đâu trên hòn đảo xinh đẹp này. Những bức tượng đó cũng đem lại cho người dân Jeju một nguồn thu nhập rất lớn. Bởi khách du lịch chỉ có thể mua những tượng thần núi ở Jeju chứ không thể mua được ở bất cứ nơi nào khác.

Mỗi người dân là một đại sứ du lịch

Jeju có diện tích tự nhiên gần 1.850 km2, với số dân hơn 550.000 người, nhưng mỗi năm hòn đảo này đón từ 8 - 10 triệu khách du lịch quốc tế, một con số mơ ước với ngành du lịch Việt Nam. Vì thế, sân bay và bến cảng Jeju là một trong những trung tâm hàng không, hàng hải bận rộn nhất khu vực. Cứ nhìn những chuyến bay tấp nập lên xuống Sân bay quốc tế Jeju 5 phút/lần hay những chuyến tàu từ đất liền hay Thượng Hải liên tục cập cảng là đủ thấy du khách mê đắm hòn đảo này thế nào.
Giới thiệu nghề truyền thống của làng dân tộc Seongeup.
Giới thiệu nghề truyền thống của làng dân tộc Seongeup.
Với 70% dân số hưởng lợi và làm giàu nhờ ngành công nghiệp không khói nên mỗi người dân nơi đây rất có ý thức làm du lịch và đã làm thì rất chuyên nghiệp. Nói một cách không ngoa rằng, chính mỗi người dân thân thiện, hồn hậu, mến khách của Jeju là một đại sứ du lịch. Ở làng cổ Seongeup, nơi nàng Dea Jang-geum nổi tiếng cả trong lịch sử và phim ảnh của Hàn Quốc bị đi đày, mỗi người dân đều có cách giới thiệu một cách say sưa, hấp dẫn cho du khách nghe về truyền thuyết của từng ngọn núi, từng câu chuyện bộ tộc Cheongeup. Nhiều người giới thiệu hay và hấp dẫn đến nỗi, du khách nào cũng sẵn lòng chi tiền để mua những vật phẩm lưu niệm mang về làm quà.

Không chỉ có tượng thần núi, thương hiệu độc quyền của Jeju còn có những vườn cam xanh mướt, quả vàng nặng trĩu, đẫm sương mai với vị ngọt rất riêng của vùng đất, của núi lửa phong hóa. Từ cam, người Jeju chế ra hàng chục mặt hàng độc đáo, như các thức quà bánh, kẹo, mứt hay socola vị cam cho trẻ em, hay các loại thuốc vitamin cam cho ông bà, người thân trong gia đình. Đặc biệt, những nữ du khách yêu làm đẹp, trót “phải lòng” các sản phẩm làm đẹp của Hàn Quốc sẽ không thể rời Jeju mà thiếu các loại xà phòng - sản xuất thủ công bằng cam, tinh chất làm đẹp hay mặt nạ cam. Nói thế để thấy, người Jeju biết cách chiều lòng du khách như thế nào.
Một góc Jeju nhìn từ đỉnh núi Songsan.
Một góc Jeju nhìn từ đỉnh núi Songsan.
Ngoài cam, những món đặc sản mang thương hiệu riêng của Hàn Quốc như linh chi, mật ong, cao ngựa… tại Jeju được chế biến rất khéo, có phong vị rất riêng, làm du khách không thể kiềm lòng mà khệ nệ mua về. Không chỉ nổi tiếng là thiên đường của nắng, gió, đá và các sản vật, Jeju còn được biết tới với những địa danh được cả thế giới công nhận, đó là đỉnh núi lửa Songsan, ghềnh đá đĩa Jusangjeolli, làng dân tộc Seongeup, Thác nước Cheonjlyon… Mỗi địa danh đều gắn với mỗi truyền thuyết hoặc câu chuyện khác nhau, nhưng đều có sự hấp dẫn du khách đến mê hồn. Chính vì lẽ đó, người ta vẫn coi chưa đến Jeju là chưa đến Hàn Quốc. Ngay những người Hàn Quốc cũng ao ước một lần trong đời được đặt chân đến Jeju. Rất nhiều cặp vợ chồng trẻ ở xứ Hàn và các nước trong khu vực châu Á đã chọn Jeju là nơi chia sẻ những giây phút hạnh phút, ngọt ngào của tuần trăng mật. Nhờ cách làm du lịch chuyên nghiệp như vậy nên Jeju mới là “con gà đẻ trứng vàng” cho xứ sở kim chi.

Giấc mơ cho du lịch Việt

Thực ra, khi tận mắt ngắm nhìn cảnh sắc của Jeju, tôi vẫn thấy hụt hẫng vì nó không giống những gì mình đã kỳ vọng về hòn đảo tình yêu vẫn thấy trên phim ảnh. Nhiều cảnh vật thiên nhiên nơi đây thua xa những thắng cảnh ở Việt Nam. Ngoài đỉnh núi lửa Songsan được UNESCO công nhận là khu vực bảo tồn môi trường sinh học năm 2002 và Di sản thế giới năm 2007,… thì phần nhiều các điểm tham quan nổi tiếng khác, từ ghềnh đá đĩa Jusangjeolli, Thác nước Cheonjlyon, khu làng dân tộc được bảo tồn đến vườn cam trĩu quả hay các bức tượng thần núi… đều thua xa nhiều thắng cảnh hay sản vật ở Việt Nam. Nhưng để trở thành thiên đường du lịch, là điểm đến mà hầu hết du khách châu Á đều muốn đặt chân một lần trong đời thì phải cần đến nghệ thuật làm du lịch mà chỉ riêng người Hàn mới có. Các nhà sản xuất phim truyền hình Hàn Quốc đã khéo léo đưa vào những bộ phim của mình những địa danh nổi tiếng của Hàn Quốc mà hầu như trong phim nào cũng có cảnh được thực hiện tại Jeju. Chính thiên nhiên thơ mộng, và nét độc đáo trong văn hóa Hàn Quốc trong các bộ phim “gây bão” tại châu Á đã lôi cuốn khách du lịch đến với quốc gia này.

Chia tay Jeju trong cái gió lồng lộng của biển xanh, mây trắng, trong nụ cười tươi rói của những người dân đảo mà lòng tôi vẫn ngổn ngang. Vừa có chút luyến tiếc khi phải chia tay với cảnh sắc yên bình, với những con người hồn hậu nơi đây. Vừa băn khoăn với câu hỏi bao giờ người Việt mới có thể làm du lịch được như Jeju, biến núi non, trời biển và sản vật thành vàng, thành sứ giả của truyền thống và văn hóa.