K+ đang lỗ gần 2.000 tỷ đồng vì VTV không có vai trò điều hành?

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chỉ tính riêng trong năm 2015, số lỗ của đài truyền hình này đã lên tới 83 tỷ đồng.

Theo một báo cáo về tình hình quản lý vốn và tài sản Nhà nước tại Công ty TNHH Truyền hình số Vệ tinh Việt Nam (VSTV, đơn vị sở hữu thương hiệu K+) được Đài Truyền hình Việt Nam (VTV) gửi tới Văn phòng Chính phủ, đơn vị này đang có khoản lỗ lũy kế tính tới hết năm 2015 là 1.979 tỷ đồng. 

Báo cáo cho biết, số lượng thuê bao mà K+ đang sở hữu tính đến hết 2015 là hơn 800.000, tăng mạnh từ mốc hơn 95.000 ở giai đoạn khởi điểm 2009. Cũng trong giai đoạn này doanh thu của K+ tăng từ 24 tỷ đồng lên 1.269 tỷ đồng nhưng đến hết năm 2015 vẫn lỗ 83 tỷ đồng. Tổng nộp ngân sách năm 2015 là hơn 173 tỷ đồng.

 
Mặc dù từng đưa ra tuyên bố đã hòa vốn hồi tháng 6/2015 nhưng tới hết năm K+ vẫn lỗ tới 83 tỷ đồng
Mặc dù từng đưa ra tuyên bố đã hòa vốn hồi tháng 6/2015 nhưng tới hết năm K+ vẫn lỗ tới 83 tỷ đồng
Được biết, ở thời điểm ban đầu, số vốn được VTV góp vào K+ là bằng tài sản quy đổi với giá trị 10,2 triệu USD, còn tập đoàn Canal+ (Pháp) góp 20,1 triệu USD. Tính tới nay, theo báo cáo của VTV, phần vốn Nhà nước tại K+ vẫn không có gì thay đổi. Vốn bổ sung cho hoạt động kinh doanh của K+ từ trước tới nay chủ yếu bằng nguồn vốn vay do Canal+ bảo lãnh. Ước tính số tiền này lên tới 66 triệu USD và mỗi năm K+ phải trả lãi hơn 100 tỷ đồng.

Lý giải tình trạng thua lỗ của K+, VTV cho rằng bên cạnh nhiều nguyên nhân khách quan như đối thủ trong lĩnh vực truyền hình trả tiền cạnh tranh gay gắt, vốn vay chiếm tỷ trọng lớn, vi phạm bản quyền ... thì nguyên nhân chủ quan đến từ việc đài truyền hình này có mức giá thuê bao cao, không phù hợp với với thị trường Việt Nam. Đồng thời VTV cũng khẳng định không có vai trò điều hành trong K+, việc này phụ thuộc hoàn toàn vào Canal+ theo đúng cam kết hợp tác.

VTV cũng đưa ra tính toán, dự kiến năm 2016, K+ sẽ lỗ hơn 260 tỉ đồng và năm 2017 cũng có tình hình tương tự nhưng con số giảm xuống còn 120 tỉ đồng. 

Để tránh rủi ro và giảm thiểu thiệt hại đối với phần vốn nhà nước tại K+, VTV cho biết sẽ đàm phán với Canal+ một số giải pháp nhằm tăng thu, giảm chi, đảm bảo kinh doanh có hiệu quả cũng như giảm lỗ. Nếu áp dụng mọi biện pháp nhưng vẫn không đạt được mục tiêu trên, VTV sẽ đề nghị thoái vốn Nhà nước khỏi K+, báo cáo của Đài Truyền hình Việt Nam khẳng định. 

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần