Kamala Harris thăm DMZ sau vụ thử tên lửa của Triều Tiên

Thu Hà
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris đang có chuyến đi 4 ngày đến châu Á với điểm dừng tại Khu phi quân sự - DMZ chia cắt Bán đảo Triều Tiên khi bà cố gắng thể hiện cam kết của Mỹ đối với an ninh của các đồng minh châu Á.

Trước khi dừng chân tại DMZ, bà Kamala Harris có cuộc gặp với Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol.

Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris đến căn cứ Không quân Osan ở Pyeongtaek vào ngày 29/9/2022. Ảnh: Reuters
Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris đến căn cứ Không quân Osan ở Pyeongtaek vào ngày 29/9/2022. Ảnh: Reuters

Chuyến thăm hôm 29/9 diễn ra sau vụ phóng tên lửa mới nhất của Triều Tiên và trong bối cảnh lo ngại rằng nước này có thể tiến hành một vụ thử hạt nhân. Đến thăm DMZ đã trở thành một nghi thức đối với các nhà lãnh đạo Mỹ với hy vọng thể hiện quyết tâm thực hiện cam kết về an ninh đối với đồng minh Hàn Quốc.

Triều Tiên đã bắn hai tên lửa đạn đạo tầm ngắn vào 28/9, trong khi bà Kamala Harris đang ở Nhật Bản và trước đó đã bắn một tên lửa trước khi bà rời Washington hôm 25/9. Các vụ phóng góp phần vào mức độ thử nghiệm tên lửa kỷ lục trong năm nay của Triều Tiên.

Phó Tổng thống Mỹ đã đến Seoul sau 3 ngày ở Tokyo, nơi bà tố cáo “chương trình vũ khí bất hợp pháp” của Triều Tiên trong bài phát biểu về một tàu khu trục Mỹ tại một căn cứ hải quân. Bà đã có mặt tại Tokyo để tham dự lễ tang cấp nhà nước của cựu Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe.

Một vụ thử hạt nhân của Triều Tiên có thể diễn ra trước khi Mỹ tổ chức cuộc bầu cử giữa kỳ vào ngày 8/11, theo Cơ quan Tình báo Quốc gia Hàn Quốc (NIS) nhận định.

Tại Washington, Thư ký báo chí Nhà Trắng Karine Jean-Pierre cho biết các vụ thử tên lửa mới nhất sẽ không ngăn cản được Kamala Harris đến DMZ và bà muốn thể hiện “cam kết vững chắc” của Mỹ đối với an ninh khu vực.

Trước khi dừng chân tại DMZ, Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris đã có cuộc gặp với Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol, người mới nhậm chức vào tháng 5. Bất chấp mối quan hệ đồng minh chặt chẽ giữa Mỹ và Hàn Quốc, mối quan hệ gần đây đã bị đánh dấu bởi sự căng thẳng.

Một luật mới do Tổng thống Joe Biden ký ngăn cản những chiếc ô tô điện được sản xuất bên ngoài Bắc Mỹ đủ điều kiện nhận trợ cấp của Chính phủ Mỹ, làm suy yếu khả năng cạnh tranh của các nhà sản xuất ô tô như Hyundai có trụ sở tại Seoul.

Theo giới phân tích, Triều Tiên đã lợi dụng xung đột của Nga với Ukraine để đẩy nhanh quá trình phát triển vũ khí của mình. Nước này đã thử nghiệm hàng chục loại vũ khí, bao gồm cả tên lửa tầm xa đầu tiên kể từ năm 2017, khai thác sự chia rẽ trong Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc, nơi Moscow và Bắc Kinh ngăn chặn nỗ lực của Washington nhằm thắt chặt các lệnh trừng phạt đối với Bình Nhưỡng.

Hàn Quốc và Mỹ trong năm nay đã nối lại các cuộc tập trận quân sự kết hợp quy mô lớn đã bị cắt giảm hoặc đình chỉ dưới thời Tổng thống Donald Trump khi ông chủ trương chính sách ngoại giao hạt nhân với Triều Tiên.

Các quan chức cấp cao của Mỹ và Hàn Quốc đã gặp nhau tại Washington trong tháng này để thảo luận về việc cải thiện các chiến lược răn đe của các đồng minh, nhưng một số chuyên gia cho biết cuộc họp không tạo ra được điều gì mới và cho thấy thiếu ý tưởng về cách đối phó với mối đe dọa đang gia tăng của Triều Tiên.

Một số người Hàn Quốc đã bày tỏ sự quan tâm đến việc tái triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật của Mỹ sau khi họ loại bỏ khỏi Hàn Quốc vào những năm 1990 và thậm chí để nước này theo đuổi chương trình vũ khí hạt nhân của riêng mình.

Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol, trong một cuộc họp báo vào tháng 8 năm nay, cho biết chính phủ của ông không có kế hoạch theo đuổi biện pháp răn đe của riêng mình và kêu gọi Triều Tiên quay trở lại chính sách ngoại giao hạt nhân đã có trước đó.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần