Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Kẻ ăn không hết, người lần chẳng ra

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Có nhiều loại hình hợp tác làm ăn giữa DN và lái xe taxi, nhưng kết quả cuối cùng thì cái lợi bao giờ cũng nghiêng về phía DN. Lực lượng lái xe, cùng với hành khách phải chia nhau gánh những "cái khó" mà DN vẫn kêu ca hàng ngày.

Chênh lệch ăn chia, “kinh doanh” giấy phép

Có 2 loại hình hợp tác tiêu biểu cho mối quan hệ kinh tế ngặt nghèo giữa DN và lái xe taxi: Ăn chia doanh thu nếu xe là của DN; thu - nộp quản lý phí nếu xe là vốn góp của người lái. Anh Đinh Văn Tú - một lái xe taxi đã buộc phải bỏ nghề tâm sự: "Do không có điều kiện mua xe, tôi phải chạy xe của công ty. Hồi đầu thì doanh thu chia 47 - 53%, tôi nhận 47%, xăng phải tự đổ, hóa đơn viết cho công ty, va quệt xây xước thì tôi phải sửa đền. Sau kêu quá thì tỷ lệ chia 50 - 50%. Cuối cùng, công ty đã khoán trắng cho lái xe, cụ thể cứ sau 3 ngày phải nộp một triệu đồng tiền lệnh, xăng vẫn tự đổ".

Hay như hãng taxi Thủ Đô Sao, với khoảng 500 đầu xe, thời điểm hiện tại hầu hết là vốn góp của lái xe. Các lái xe phải nộp khoảng 1,4 triệu đồng/tháng cho DN, mọi loại chi phí đầu vào, lái xe đều tự chi trả. Dù giá nhiên liệu lên hay xuống, dù có khách hay không, lỗ - lãi vẫn chỉ là chuyện của người lái xe. Đây thực chất là một hình thức kinh doanh giấy phép với lợi nhuận khổng lồ của các DN taxi.
Taxi hoạt động trên đường Nguyễn Chí Thanh, Hà Nội. Ảnh: Chiến Công
Taxi hoạt động trên đường Nguyễn Chí Thanh, Hà Nội. Ảnh: Chiến Công
Thực tế này cho thấy, giá xăng có cao đến đâu, DN cũng không bao giờ phải chịu lỗ, người chịu lỗ chỉ có lái xe và hành khách. Đa phần lái xe taxi phải lao động cật lực, thậm chí mạo hiểm với nghề để trang trải các loại "quản lý phí" và kiếm sống, trong điều kiện ấy họ chỉ còn cách trút bớt gánh nặng lên khách hàng bằng muôn kiểu luồn lách, gian lận. Doanh nghiệp thúc ép lái xe, lái xe "bịt mắt" khách hàng, và điều tất yếu là người chịu thiệt cuối cùng, nhiều nhất bao giờ cũng là khách hàng. Chị Lê Thị Thúy - làm việc tại TP Hồ Chí Minh tâm sự: "Mỗi lần bay ra Hà Nội, tôi thường đi taxi từ sân bay Nội Bài về quê nhà tôi, khoảng hơn 30km. Theo bảng giá niêm yết thì tính ra có hơn 300.000 đồng nhưng lần nào cũng thấy đồng hồ báo hơn 400.000 đồng. Chịu không hiểu nổi!".

Một số nhà quản lý cho rằng, với cách thức không phải bỏ tiền mua nhiên liệu vẫn nhận được hóa đơn xăng, dầu để khấu trừ thuế, hành khách trả phí cầu đường, bến bãi,… nhưng chi phí vẫn tính cho DN, các DN đã tha hồ trục lợi trong suốt những năm qua. Chưa kể đến việc đa phần hành khách đi taxi không có thói quen lấy hóa đơn thanh toán, đó chính là kẽ hở để cả DN lẫn lái xe lách qua các nghĩa vụ thuế với Nhà nước.

Lợi nhuận của doanh nghiệp, gánh nặng của xã hội

Trong vô vàn các lý do gây ùn tắc, mất trật tự ATGT trên địa bàn Thủ đô, có một hiện tượng thường thấy, đó là việc các xe taxi phóng nhanh, vượt ẩu, dừng đỗ bừa bãi hoặc bất thình lình rẽ ngoặt vào lề đường đón khách. Anh Lê Hữu Đại - lái xe taxi tại khu vực Hà Đông tâm sự: "Khách ít, xe nhiều, mỗi lần "đóng địa chỉ" là như chạy đua. Vẫn biết nguy hiểm nhưng không chạy thì không được. Ngày nào không đủ chỉ tiêu sẽ bị công ty phạt".

Anh Trần Minh Huy - một lái xe taxi "dù" trước cổng Bệnh viện 103 cho biết: "Vào công ty nhận khoán không chịu nổi đành ra ngoài rủ bạn mua chung cái xe cũ. Chạy bữa đực, bữa cái, đen đủi còn bị công an, Thanh tra Sở GTVT bắt. Nhưng chạy được bao nhiêu ăn bấy nhiêu, không phải nơm nớp lo bị phạt, bị nợ doanh số".

Vẫn biết không phải toàn bộ tiền thu được từ lái xe đều được bỏ vào túi riêng của DN, nhưng việc áp đặt một hạn mức khắc nghiệt lên những người lao động vô hình trung trở thành nguyên nhân thúc đẩy họ phải phạm luật, phá luật, gây những ảnh hưởng tiêu cực đến xã hội, đến trật tự, ATGT. Có không ít trường hợp xe taxi trong khi chạy đua "đóng địa chỉ" đã gây tai nạn thảm khốc, hay những trường hợp lái xe taxi chống đối người thi hành công vụ ở mức nguy hiểm. Cùng với đó còn hàng tá chiêu trò gian lận mà các lái xe vẫn rỉ tai nhau thực hiện vừa để móc túi khách hàng, vừa để đối phó với "luật chơi" bất công của DN.

Nên chăng đã tới lúc các cơ quan chức năng cần vào cuộc rà soát, tìm hiểu tường tận các tồn tại, xung đột nằm ngay chính trong nội bộ các DN taxi. Chỉ có sự công bằng tài chính cho người lao động mới có thể giải quyết dứt điểm nỗi bức xúc về giá cước taxi của hành khách. Cũng chỉ cách đó mới triệt để chấm dứt tình trạng gian lận cước, tình trạng xe taxi hoạt động kéo theo hàng loạt vấn đề giao thông, trật tự xã hội.