Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Kê biên hàng chục bất động sản, "xế hộp" vụ án cựu Chủ tịch An Giang

Theo VOV.VN
Chia sẻ Zalo

Hàng chục bất động sản, "xế hộp" hạng sang như Mercedes G63, Lexus ES 250, Mercedes Benz S450... đã được cơ quan điều tra kê biên, phong toả tài sản trong vụ án liên quan cựu Chủ tịch An Giang Nguyễn Thanh Bình.

Cơ quan điều tra Bộ Công an vừa ra kết luận điều tra, đề nghị truy tố 44 bị can trong vụ án xảy ra tại Công ty Đầu tư Trung Hậu 68, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh An Giang và các đơn vị liên quan. Trong số các bị can, ông Nguyễn Thanh Bình, cựu Chủ tịch UBND tỉnh An Giang bị đề nghị truy tố về tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ". Cùng bị đề nghị truy tố với ông Bình về tội danh này còn có 8 bị can khác.

Chủ tịch công ty Trung Hậu 68 Lê Quang Bình bị đề nghị truy tố về các tội "Đưa hối lộ"; Vi phạm quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên" và "Rửa tiền".

Cựu Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình (trái) và cựu Phó Chủ tịch tỉnh Trần Anh Thư
Cựu Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình (trái) và cựu Phó Chủ tịch tỉnh Trần Anh Thư

Cựu Phó chủ tịch UBND tỉnh An Giang - Trần Anh Thư và cựu Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) tỉnh An Giang là Nguyễn Việt Trí bị đề nghị truy tố tội "Nhận hối lộ".

Trong vụ án, Cơ quan điều tra đã tiến hành phong toả, kê biên nhiều tài sản có giá trị, trong đó có hàng chục bất động sản, "xế hộp" hạng sang của các bị can. Về khắc phục hậu quả vụ án, 22 bị can và một số người liên quan đã nộp tổng cộng hơn 47 tỷ đồng và 70.000 USD. 

Cụ thể, Cơ quan điều tra phong tỏa tài khoản của 6 bị can với tổng số tiền 4,4 tỷ đồng. Với bất động sản, nhà chức trách kê biên 7 thửa đất của bị can Hoàng Hải Thụy (Phó tổng giám đốc Công ty Trung Hậu 68). Những bất động sản này phần lớn ở TP Long Xuyên và chỉ có một bất động sản ở huyện Thoại Sơn (An Giang).

Cơ quan điều tra ngăn chặn giao dịch đối với một số bất động sản có liên quan tới những cá nhân là nhân viên Công ty Trung Hậu 68, người nhà và bản thân bị can Lê Quang Bình đã mua bán nhưng chưa hoàn thành thủ tục pháp lý. Trong số này có thửa đất ở quận 7 diện tích hơn 4.900m2, một thửa đất ở huyện Bình Chánh (TP.HCM) diện tích hơn 3.700m2.

Bị can Phạm Quốc Văn (Giám đốc Công ty TNHH MTV Xây dựng thương mại Văn Anh) bị kê biên 33 bất động sản. Những bất động sản này đều đứng tên vợ bị can nằm ở các tỉnh Hậu Giang, Kiên Giang và TP Cần Thơ.

Khi khám xét khẩn cấp tại mỏ cát của Công ty Trung Hậu 68, nhà chức trách đã tạm giữ 46 phương tiện thủy nội địa và sau đó có quyết định ngăn chặn giao dịch.

Cơ quan điều tra cũng kê biên 15 ô tô của Công ty Trung Hậu 68, trong đó có một số xe do các cá nhân đứng tên chủ sở hữu hộ Lê Quang Bình như xe Mercedes Benz S450, Lexus ES 250 và cả những mẫu xe như Lexus LX 570, G63.

Ngoài ra, Công ty Kiên Giang Sài Gòn do bị can Lê Quang Bình làm Chủ tịch HĐQT, kiêm người đại diện theo pháp luật cũng bị kê biên 8 xe ô tô.

Kết luận điều tra xác định, với vai trò là Chủ tịch UBND tỉnh An Giang, ông Nguyễn Thanh Bình chịu trách nhiệm chỉ đạo chung toàn diện mọi hoạt động của UBND tỉnh An Giang, trong đó có lĩnh vực tài nguyên, khoáng sản.

Đầu năm 2020, UBND tỉnh An Giang chuẩn bị cấp mỏ cát tại huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang để cung cấp cho Dự án tuyển nối Quốc lộ 91 và tuyến tránh thành phố Long Xuyên.

Biết việc này, Chủ tịch công ty Trung Hậu 68 Lê Quang Bình đến gặp, đề nghị và được Nguyễn Thanh Bình, lúc đó là Chủ tịch UBND tỉnh An Giang; Trần Anh Thư, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang; Nguyễn Việt Trí, lúc đó là Giám đốc Sở TN&MT và Nguyễn Bảo Trung, lúc đó là Chánh Văn phòng UBND tỉnh An Giang tạo điều kiện cho công ty Trung Hậu 68 được cấp phép thăm dò, khai thác mỏ cát trên.

Cơ quan điều tra xác định: Theo đề nghị của Lê Quang Bình, Nguyễn Thanh Bình đã chỉ đạo Trần Anh Thư và Nguyễn Việt Trí tạo điều kiện cho công ty Trung Hậu 68 được cấp phép khảo sát, thăm dò mỏ cát theo hình thức chỉ định không thông qua đấu giá.

Đồng thời, ông Nguyễn Thanh Bình chỉ đạo Trần Anh Thư ký giấy phép khai thác khoáng sản cho Công ty Trung Hậu 68 để cung cấp cát cho Dự án cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ không đúng với chủ trương, mục tiêu ban đầu của dự án, tạo điều kiện cho công ty Trung Hậu 68 được phép khai thác cát mà không phải trả lại mỏ cho UBND tỉnh An Giang.

Kết luận điều tra xác định, ông Nguyễn Thanh Bình cho phép điều chỉnh công suất khai thác để công ty Trung Hậu 68 cung cấp cát cho công trình tuyến nối Quốc lộ 91 và tuyến tránh thành phố Long Xuyên khi Công ty Trung Hậu không đáp ứng tiêu chí về hợp đồng ký kết với các nhà thầu thi công, không đúng với tiêu chí UBND tỉnh An Giang đã ban hành.

Đồng thời, ông Bình chỉ đạo Trần Anh Thư, Nguyễn Việt Trí tạo điều kiện cho công ty Trung Hậu 68 được nâng công suất khai thác, mặc dù biết độ sâu đáy sông khu vực mỏ cát đã vượt mức cho phép. Qua đó, ông Nguyễn Thanh Bình đã nhận 300.000 USD tiền "cảm ơn" của Lê Quang Bình, nhưng đã chủ động trả lại 250.000 USD. Còn lại 50.000 USD ông Nguyễn Thanh Bình tự nguyện nộp khắc phục khi làm việc với Cơ quan điều tra.

Cơ quan điều tra xác định, từ ngày 24/12/2021 đến ngày 29/7/2023, Công ty Trung Hậu 68 khai thác hơn 5 triệu m3 cát nhưng cấp vào công trình theo giấy phép hơn 1,3 triệu m3; còn lại bán ra ngoài và thu lợi bất chính gần 294 tỷ đồng.