Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Kể chuyện nghề qua mô hình Bảo tàng sinh thái Làng cổ Bát Tràng

Khắc Kiên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Câu chuyện làng nghề qua từng cái bát, chiếc cốc ... là mong muốn được tái hiện tại Tọa đàm “Bảo tàng sinh thái Làng cổ Bát Tràng – những cơ hội của tương lai” diễn ra ngày 11/5, tại Gia Lâm, Hà Nội.

Sự kiện do Ban Đại diện Nhân dân làng Bát Tràng phối hợp với Trung tâm Tinh hoa Làng nghề Việt tổ chức.

Mô hình Bảo tàng sinh thái Làng cổ Bát Tràng hứa hẹn là nơi lưu giữ di sản và hút du khách.

Theo Chủ tịch Hiệp hội Thủ công Mỹ nghệ và làng nghề Hà Nội Hà Thị Vinh - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Doanh nghiệp xã hội Tinh hoa Làng nghề Việt, Giám đốc Công ty TNHH Gốm Sứ Quang Vinh, Bát Tràng là một làng cổ bên tả ngạn sông Hồng, có quá trình gắn bó lâu dài với Thăng Long - Hà Nội. Trải qua thời gian, cộng đồng và Nhân dân làng Bát Tràng với các dòng họ đã hình thành, bồi đắp nên bề dày truyền thống văn hóa, lịch sử và di sản văn hóa quý báu.

Tọa đàm đã có nhiều chia sẻ, gợi mở để gìn giữ bản sắc văn hóa, qua đó phát triển kinh tế. Ảnh: Khắc Kiên
Tọa đàm đã có nhiều chia sẻ, gợi mở để gìn giữ bản sắc văn hóa, qua đó phát triển kinh tế. Ảnh: Khắc Kiên

Đến nay, làng gốm Bát Tràng đã trở thành biểu tượng văn hóa nghề truyền thống của Hà Nội và là niềm tự hào của người dân Hà thành. Gốm Bát Tràng đã trở thành thương hiệu, là địa chỉ hàng hóa đã được khẳng định chất lượng trên thị trường trong nước và quốc tế.

Không chỉ nổi tiếng với nghề gốm truyền thống - di sản văn hoá phi vật thể trong Danh mục quốc gia, Bát Tràng còn được biết đến như một ngôi làng mang những giá trị văn hoá, lịch sử đặc sắc, ẩn chứa qua các công trình kiến trúc đồ sộ, hoành tráng, những lễ hội và nghệ thuật ẩm thực độc đáo… của một ngôi làng gần ngàn năm tuổi.

Những năm gần đây, được sự quan tâm của lãnh đạo và chính quyền các cấp, hoạt động bảo vệ, phát huy di sản văn hoá của Bát Tràng đã bước đầu khởi sắc. Năm 2019, Bát Tràng được công nhận Điểm du lịch của TP Hà Nội. Năm 2022, nghề truyền thống gốm làng Bát Tràng được đưa vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia.

Bảo tàng sinh thái Làng cổ Bát Tràng được thiết lập sẽ là bảo tàng ngoài công lập, theo hình thức sở hữu tập thể là cộng đồng người dân Bát Tràng. Chính quyền và cơ quan quản lý Nhà nước các cấp sẽ hướng dẫn và kiểm soát hoạt động của Bảo tàng sinh thái Làng cổ Bát Tràng theo đúng quy định của luật pháp; Các nhà khoa học đóng vai trò tư vấn và hướng dẫn nghiệp vụ chuyên môn.

"Là con của đất Bát Tràng, tôi tin tưởng người dân Bát Tràng sẽ thành công với mô hình Bảo tàng sinh thái nhờ sự chung tay của các nghệ nhân, doanh nghiệp... Qua đó sẽ lưu giữ cho thế hệ mai sau những giá trị tốt đẹp, cũng như góp phần phát triển kinh tế, gắn văn hóa với du lịch làng nghề..." - bà Hà Thị Vinh nhấn mạnh.

Đồng thời cho rằng, Bảo tàng sinh thái được thiết lập tại Bát Tràng sẽ giúp cho các nét văn hóa đặc sắc của Bát Tràng tiếp tục “sống” trong môi trường văn hóa làng cổ, cộng đồng chủ thể được hưởng lợi, kinh tế - xã hội của địa phương được nâng cao. Đó là những lợi ích hiện hữu trước mắt. Hơn thế, hình ảnh Bát Tràng nói riêng và Hà Nội được tôn vinh, văn hóa địa phương và quốc gia được bảo tồn, phát huy và mở rộng hội nhập bằng kênh du lịch văn hóa. Đó là những lợi ích lớn hơn nhiều và khó đong đếm.

Nhiều sản phẩm được trưng bày trong Trung tâm Tinh hoa Làng nghề Việt và mong muốn sẽ trở thành Bảo tàng sinh thái. Ảnh: Khắc Kiên
Nhiều sản phẩm được trưng bày trong Trung tâm Tinh hoa Làng nghề Việt và mong muốn sẽ trở thành Bảo tàng sinh thái. Ảnh: Khắc Kiên

Tại tọa đàm, TS Nguyễn Thị Thu Trang - chuyên gia về bảo tàng sinh thái khẳng định, Bát Tràng hội đủ điều kiện để triển khai mô hình Bảo tàng sinh thái. Đó là, khu vực cụ thể với cộng đông sở hữu di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu; Có sự tham gia đồng thuận, tự nguyện của cộng đông chủ thể nắm giữ di sản văn hóa phi vật thể;

Có sự phối hợp giữa chính quyền, cơ quan quản lý văn hóa, các nhà nghiên cứu, cộng đồng chủ thể, khách thể trong việc vận hành bảo tàng sinh thái; Có cơ sở hạ tầng đáp ứng đủ phát triển du lịch đề phát huy hiệu quả giá trị di sản văn hóa phi vật thể, phục vụ phát triển cộng động và phát triển kinh tế - xã hội địa phương. "Trong mô hình này, cộng đồng cư dân làng Bát Tràng với tư cách là chủ thể văn hóa - chủ sở hữu di sản văn hóa và cũng là chủ sở hữu, tổ chức và vận hành Bảo tàng sinh thái Làng cổ Bát Tràng" - bà Thu Trang cho hay.

Trong khi đó, TS Phạm Dũng - người khởi xướng thành lập Hội cổ vật Thăng Long nêu ý kiến: Làng cổ Bát Tràng là nơi chứa đựng nhiều yếu tố văn hóa thuần Việt, nơi chứa đựng rất nhiều giá trị văn hóa, lịch sử, cội nguồn. Nhiều nghệ nhân làm gốm ở đây phải được coi là bảo vật quốc gia. Việc xây dựng Bảo tàng sinh thái Làng cổ Bát Tràng là rất cần thiết và đây là mô hình kiểu mẫu để có thể nhân rộng.

"Nếu không lưu giữ thì ngay cả người Bát Tràng cũng không hiểu hết chứ nói gì đến nơi khác, nhất là du khách quốc tế. Các nghệ nhân ở đây là những báu vật, nguyên khí quốc gia. Bảo tàng sinh thái đối với bất cứ quốc gia nào cũng cần, đây là ý tưởng trở thành mô hình điểm nên có" - vị này nói.

Họa sĩ Thành Chương cho rằng, bản thân Bát Tràng đã là một hệ sinh thái, cái chính là ứng xử và gìn giữ ra sao để nâng tầm giá trị. Trau truốt phải sáng tạo đòi hỏi sự chung tay của các cấp các ngành, toàn xã hội vào cuộc yêu mến qua từng cái chén, cái cốc... mang dáng vóc và tâm hồn Việt.