Thực tế, những phiên giao dịch gần đây luôn có chỉ số khởi sắc, song nhiều CTCK sẽ không có thưởng cho nhân viên.Nói đến chuyện thưởng Tết của giới CTCK có thể chia thành 3 nhóm chính. Thứ nhất, khối thuộc top 10 CTCK chiếm thị phần môi giới lớn nhất. Ở nhóm công ty này, nhân viên được hưởng ít nhất một tháng lương, mức thưởng lớn phụ thuộc vào kết quả cống hiến của cá nhân mỗi người cho hoạt động của doanh nghiệp (DN).
Một cán bộ CTCK HSC (TP Hồ Chí Minh) cho biết, Công ty luôn có chính sách lương thưởng để khuyến khích nhân viên và có công cụ đo lường hiệu quả làm việc rất chính xác. Bởi vậy, dù DN lãi nhiều cũng không có chuyện “cào bằng” trong thưởng Tết. Năm ngoái, nhờ lãi suất cho vay cao, khoản mục kinh doanh vốn đem lại lợi nhuận lớn cho DN nên nhân viên phần lớn được thưởng khá, năm nay lợi nhuận của công ty thấp hơn nhiều nên thưởng Tết sẽ chỉ bằng 2/3.
Tương tự, thông tin của CTCK FPTS, thưởng Tết chắc chắn có, thậm chí ngay cả năm chứng khoán khó khăn nhất như 2011, nhân viên vẫn được thưởng Tết. Năm 2012, lợi nhuận DN đạt hơn 100 tỷ đồng nên thưởng Tết nhiều hơn. Tuy nhiên, năm nay lợi nhuận của công ty chỉ bằng ½ so với năm ngoái nên chi tiêu sẽ được thắt chặt hơn.
Tại CTCK Sài Gòn - Hà Nội (SHS), ông Hoàng Đình Lợi - Tổng Giám đốc cho biết, chứng khoán chưa thoát khỏi khó khăn, năm 2013 khó khăn, năm 2014 thậm chí còn được nhận định khó khăn hơn. Bởi vậy, cân nhắc chuyện thưởng Tết là vấn đề không dễ đối với lãnh đạo Công ty. Theo chính sách tiết kiệm chi tiêu, năm 2013, SHS đã không tổ chức nghỉ mát cho người lao động. Bởi vậy Tết này, Công ty đang dự kiến trình xin ý kiến HĐQT về việc sẽ thưởng tháng lương thứ 13 cho nhân viên. "Dù khó khăn, nhưng Công ty vẫn phải cố gắng trích một phần thưởng để khích lệ nhân viên đã nỗ lực cả năm qua" - ông Lợi nói.
Nhân viên của nhóm CTCK hàng đầu như SSI, HSC, FPTS, VNDS, VCBS… sẽ có cái Tết tươm tất. Tuy nhiên, đó chỉ là số ít trên thị trường. Ở vài chục CTCK khác, dù thị trường năm 2013 hoạt động khá tốt song vẫn tương đối èo uột nên thưởng Tết do vậy chỉ là hy vọng. Đơn cử, tại CTCK Quốc tế (VIS), nhân viên phần lớn chuyển việc nhằm tìm một môi trường hoạt động hữu ích hơn. Tại công ty này, hoạt động gần như im ắng do vậy những người ở lại cũng chẳng nghĩ đến khoản thưởng Tết, có lương hàng tháng đã là một may mắn. Tại CTCK Hòa Bình, một nhân viên cho hay, DN thu chẳng đủ bù chi. Chủ sở hữu đã phải lấy nguồn tiền từ nhiều hoạt động khác hỗ trợ cho CTCK nên họ cũng chẳng dám mong đến tháng lương thứ 13, chỉ nghĩ đến một khoản thưởng nho nhỏ.
Nhóm CTCK hầu như chỉ tồn tại trên giấy thì thưởng Tết là điều xa xỉ. Có thể kể tên nhiều công ty dạng này như chứng khoán Sao Việt (đang làm thủ tục giải thể), chứng khoán Kenaga, chứng khoán Trường Sơn…
Mặc dù Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chưa có thống kê năm 2013 về hoạt động của khối CTCK tuy nhiên từ thực tế thị trường năm qua cho thấy, có tới 1/3 số công ty phải tái cấu trúc, đồng nghĩa những công ty này hoạt động kém hiệu quả. Nhìn trên thị trường cũng thấy được sự phân hóa rất rõ ràng, trong gần 100 CTCK có giấy phép hoạt động, chỉ có khoảng 30 CTCK có nguồn thu thường xuyên. Do đó, chuyện thưởng Tết đang là mối lo của không ít lãnh đạo các CTCK.
Giao dịch tại Công ty Chứng khoán ACB. Ảnh: Trần Việt
|