Kẻ gian lừa đảo nạp tiền qua ĐTDĐ "về nông thôn"

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Việc lừa đảo người dùng nạp tiền điện thoại qua thẻ card, hay còn gọi là thẻ cào, dù không còn mới, nhưng ngày càng diễn biến phức tạp với các thủ đoạn ngày càng trở nên tinh vi hơn.

Thậm chí, thời gian gần đây, các đối tượng lừa đảo bằng chiêu bài này dường như đang đổi hướng bằng cách tìm về các vùng nông thôn, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa - nơi mà người dân còn hạn chế trong việc tiếp cận các phương tiện thông tin đại chúng để thực hiện hành vi lừa đảo.

Thêm nhiều chiêu thức lừa đảo mới

Một trong những chiêu thức lừa đảo mới, đã khiến không ít người "sập bẫy" trong thời gian gần đây - đó là việc kẻ gian trộm nick yahoo rồi giả danh lừa nạp card điện thoại. Chúng lấy mật khẩu bằng cách gửi một đường links như blog chẳng hạn và hướng dẫn người nhận vào blog đó để xem. Các blog này khi click vào sẽ hiện ra hai ô, một ô điền địa chỉ email và một ô điền mật khẩu.

Nếu ai làm đúng theo hướng dẫn trên thì coi như đã mất mật khẩu và mất luôn nick chat. Sau khi lấy được nick thì kẻ xấu sẽ chat với bạn bè của người bị mất nick dưới danh nghĩa là bạn. Sau một vài câu hỏi xã giao để lấy lòng tin, kẻ xấu đi thẳng vào vấn đề bằng những lời dẫn dụ rất hấp dẫn kiểu như: "Mình đang có một phi vụ làm ăn tốt nhưng hiện tại điện thoại bị hỏng, muốn nhờ bạn mua thẻ cào, nạp cho 500 ngàn. Nếu bạn nạp đủ số tiền đó thì nhà mạng sẽ trích lại cho 100 ngàn và số tiền đó sẽ chia cho cả mình và bạn. Nạp càng nhiều thì chiết khấu càng lớn và mình sẽ chuyển cả gốc lẫn lãi vào tài khoản của bạn sau khi nhận đủ"...

Ngoài hình thức lừa đảo trên, kẻ xấu còn dùng phần mềm giả mạo số điện thoại của tổng đài các nhà mạng để lừa đảo. Hiện phần mềm giả mạo số điện thoại mà các đối tượng lừa đảo đang dùng là SMS Touch, đây là phần mềm gửi tin nhắn qua Wifi/3G, được viết cho hệ điều hành iOS trên iPhone và bán trên Apple Store với giá khoảng 3 USD, giới hạn gửi được 10 tin nhắn.

Nếu người dùng muốn gửi được nhiều hơn phải bỏ thêm tiền, chẳng hạn với 100 USD có thể gửi được 1.000 tin nhắn. Phần mềm này được rao bán trên nhiều trang rao vặt ở Việt Nam với 1.000 tin nhắn giá từ 250 đến 300 ngàn đồng, 2.000 tin nhắn giá 550 ngàn đồng.

Chuyển hướng lừa đảo về nông thôn

Vào giữa tháng 2/2012, cộng đồng mạng xôn xao về việc một cụ già người dân tộc Thái ở huyện miền núi Quế Phong, Nghệ An là ông Hà Phi Học bị kẻ xấu lừa đảo nạp tiền qua thẻ cào trị giá lên tới 25 triệu đồng. Chuyện là vào ngày 15/2, ông Học nhận được điện thoại của một người đàn ông tự xưng là người của mạng Viettel thông báo ông đã nhận được giải thưởng với tổng trị giá 180 triệu đồng trong chương trình quay số ngẫu nhiên.

Người đàn ông này yêu cầu ông Học đọc số CMND, làm hồ sơ nhận tiền mặt và hồ sơ xe máy, bằng, đồng thời đưa ra 3 loại phí đăng ký xe máy cho ông là 1 triệu; 1,5 triệu và 3 triệu để ông lựa chọn. Sau khi ông Học chọn mức phí 1,5 triệu, người này lập tức yêu cầu ông mua thẻ cào để nộp vào số điện thoại trên 1,5 triệu đồng. Sau khi nộp xong, số máy kia tiếp tục yêu cầu ông nộp tiền bằng thẻ cào để trả cước vận chuyển xe, tiền thuê Đài truyền hình lên quay, cước chuyển tiền qua ngân hàng…

Và sau 9 lần nạp hơn 200 thẻ cào với đúng mệnh giá mà kẻ xấu yêu cầu, gia đình ông Học đã mất trọn 25 triệu đồng. Suốt 3 ngày làm theo hướng dẫn của kẻ xấu, đến ngày 18/2, chờ mãi không thấy người mang xe đến, ông Học tìm đến cán bộ xã hỏi chuyện thì mới biết mình đã bị mắc lừa. Ngay sau khi nhận được thông tin về trường hợp này, Viettel đã cử nhân viên đến gặp ông Học để xác minh vụ việc.

Qua kiểm tra seri của 277 thẻ cào mà khách hàng bị lừa, chỉ còn 9 thẻ mệnh giá 100.000 đồng, đối tượng chưa kịp sử dụng. Viettel Telecom đã cho khóa tài khoản seri các thẻ trên và hoàn lại cho ông. Tuy nhiên, số tiền trong 9 thẻ cào này chỉ có giá khoảng 1 triệu đồng. Qua việc này cho thấy, người dân còn thiếu thông tin do việc tiếp cận các phương tiện thông tin đại chúng còn nhiều hạn chế.

 

Nhà mạng triển khai hệ thống chặn cuộc gọi và tin nhắn giả mạo

Theo đại diện các nhà mạng Viettel, MobiFone và VinaPhone, đối với các trường hợp khách hàng bị lừa trúng thưởng xảy ra gần đây, phía nhà mạng đang phối hợp với cơ quan chức năng điều tra làm rõ. Mặt khác, các nhà mạng cũng đang triển khai hệ thống chặn cuộc gọi và đặc biệt là sang lọc tin nhắn giả mạo số của tổng đài.

Cũng theo khẳng định của các nhà mạng, tất cả các chương trình khuyến mãi, quay số trúng thưởng đều không yêu cầu khách hàng phải cung cấp mã số thẻ cào, nạp tiền. Vì thế, để tránh bị "sập bẫy", khi nhận được cuộc gọi hoặc tin nhắn thông báo trúng thưởng hoặc nạp thẻ cào, thuê bao nên gọi trực tiếp lên số của tổng đài để kiểm tra.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần