“Kẽ hở”

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Anh rất chiều cậu con trai, hễ con đòi gì là cho, còn vợ anh luôn muốn nghiêm khắc dạy con nền nếp, khuôn phép.

Cậu bé đã lên bảy, nhưng anh không muốn con phải làm gì, kể cả những việc đơn giản nhất như tự xúc cơm, tự mặc quần áo. Thậm chí, dù là ngày đi học, thấy con kêu mệt, không chịu làm bài tập về nhà, anh không những không khuyên nhủ con, mà lại còn kêu cô giáo cho thằng bé học nhiều quá. Vợ anh bảo, nếu nuôi con theo cách ấy, con sẽ trở thành những cậu ấm, cô chiêu, chỉ quen hưởng thụ.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
Chị không đồng tình việc anh chiều con như vậy, chị yêu cầu con học đến nơi đến chốn. Sau mỗi lần lời qua tiếng lại, vợ chồng lại giận nhau cả tuần, chỉ vì quan điểm trong cách dạy con mà mối quan hệ giữa hai người ngày càng căng thẳng. Anh chị thậm chí cãi nhau to trước mặt con, anh nhất định bảo vệ quan điểm “thương cho ngọt cho ngào” của mình, còn chị lại cho rằng “phải cho roi cho vọt”. Con trai anh chị thì không biết phải nghe ai.

Chỉ vì cái sự "trống đánh xuôi, kèn thổi ngược" trong cách dạy con ấy mà gia đình anh chị lúc nào cũng căng thẳng. Anh chị không để ý, không chỉ hai người mệt mỏi, mà còn ảnh hưởng đến cả sự phát triển tâm lý, tính cách của con. Cậu bé cảm thấy thất vọng khi chứng kiến cha mẹ cãi cọ và bắt đầu có hành động nhằm "phá bĩnh" mọi nỗ lực giáo dục của cha mẹ. Cậu không chịu nghe lời mẹ nữa vì biết bố chiều chuộng, cậu cũng liên tục mè nheo bố mặc sự răn dạy của mẹ. Chính điều ấy khiến anh chị bắt đầu thấy bối rối, không biết nên tiếp tục cách giáo dục con thế nào. Nhưng vì cả hai đều quá đề cao cái tôi của mình, nên mâu thuẫn tưởng như không thể giải quyết được nếu không xảy ra chuyện cậu bé tự ý bỏ học đi chơi bởi “chán nghe bố mẹ cãi nhau vì mình”. Anh mới vỡ ra rằng, có lẽ mình chiều con thế là không nên, chị cũng thấy rằng, mình nghiêm khắc với con nhưng chưa thật đúng cách.

Khi ấy họ mới thấy, sự khác biệt quan điểm trong việc giáo dục con cái hoàn toàn là chuyện có thể giải quyết được giữa hai vợ chồng trên cơ sở vì mục đích cao nhất là con. Có thể sự dung hòa hai lối sống khác nhau để tạo thành một cách thức nuôi dạy con cái năng động sẽ giúp có được những đứa con đa năng hơn và kết hợp tinh hoa từ cả cha lẫn mẹ cũng nên. Anh chị sẽ dẹp bỏ cái tôi của mình, vì con mà thay đổi.