Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Kế nghiệp là sự kế thừa sáng tạo

Khắc Kiên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - DN gia đình hay rộng ra là kinh tế gia đình chính là hạt nhân của nền kinh tế tại bất cứ quốc gia nào. Tuy nhiên, kế nghiệp vốn là sự kế thừa và tiếp tục, nhưng kế nghiệp hiện nay không còn đơn giản như vậy, kế nghiệp phải là sự kế nghiệp sáng tạo.rn

Đó là nhấn mạnh của TS Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tại Diễn đàn Doanh nghiệp Gia đình Việt Nam 2019 với chủ đề “Thực trạng và giải pháp chuyển giao kế nghiệp thành công” diễn ra vào sáng 25/6 tại Hà Nội. Sự kiện nhân Ngày Gia đình Việt Nam (28/6) do VCCI, Hội đồng DN Gia đình Việt Nam phối hợp với Báo Diễn đàn DN tổ chức thường niên lần thứ 3.
Diễn đàn thu hút rất đông các chuyên gia, gia đình DN tham gia. Ảnh: Khắc Kiên
TS Vũ Tiến Lộc đã chia sẻ ý kiến của một số Đại biểu Quốc hội khi đề xuất cho phép được nghỉ ngày Doanh nhân gia đình 28/6. "Hiện những giá trị nền tảng gia đình đang lung lay bởi nhiều yếu tố xung đột, trong khi đó, cái nôi của nhân văn quan trọng nhất là gia đình. Do đó, chúng tôi đang kiến nghị bổ sung ngày gia đình Việt Nam là ngày nghỉ, Quốc hội đang thảo luận và cho ý kiến” - TS Vũ Tiến Lộc cho biết.
Đồng thời khẳng định, DN gia đình hay rộng ra là kinh tế gia đình chính là hạt nhân của nền kinh tế tại bất cứ quốc gia nào. Theo khảo sát 10 DN gia đình lớn nhất trên thế giới hiện nay cho thấy tổng số vốn  của các DN gia đình này lên đến trên 3.000 tỷ USD.
Hiện 40% GDP trong nền kinh tế thế giới được tạo ra bởi các DN gia đình với những tập đoàn với thương hiệu danh tiếng như Hermès, Ford, Toyota, Samsung, Hyundai, Estée Lauder… Tại Việt Nam, 100 DN gia đình lớn nhất đóng góp khoảng 25% GDP của cả nước. Trong danh sách 50 công ty niêm yết tốt nhất Việt Nam có nhiều DN gia đình và không ít trong số này có cổ phiếu thuộc nhóm mã bluechips trên thị trường chứng khoán như Vingroup, Vietjet, Thành Công, Kido…
TS Vũ Tiến Lộc chia sẻ tại Diễn đàn. Ảnh: Khắc Kiên
Khẳng định các DN gia đình đang đóng góp vai trò quan trọng vào sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam, TS Vũ Tiến Lộc một lần nữa nhấn mạnh, thúc đẩy sự phát triển của khu vực DN gia đình, của hộ kinh doanh cũng là thúc đẩy phát triển nền kinh tế đất nước.
Để thành công trong DN gia đình, Chủ tịch VCCI cho rằng, quản trị DN là yếu tố quyết định. “Phải xây dựng được quản trị chuyên nghiệp, không thể gia đình trị và tình trị mà phải kỹ trị và phải có quản lý chuyên môn chuyên nghiệp. Các thành viên gia đình được khuyến khích tham gia vào đầu tư, quản trị DN. Khi tuyển dụng các thành viên gia đình vào các vị trí quản trị phải nghiêm ngặt như tuyển dụng các nhân sự bên ngoài khác. Có vậy DN mới phát triển, nếu không muốn phải đối mặt sự thua kém DN khác và rồi thất bại” - TS Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh.
Kinh nghiệm thành công của các tập đoàn, DN gia đình trên thế giới cũng cho thấy bài học tuyển dụng các thành viên vào vị trí quản trị phải chuyên nghiệp… TS Vũ Tiến Lộc nêu quan điểm: Nếu thành viên trong gia đình là người quản trị doanh nghiệp, ngoài chỉ số về IQ sẽ có thêm chỉ số tình yêu, nếu phát huy được tình yêu đó cộng với các yếu tố về quản trị chuyên nghiệp sẽ tạo cảm xúc và sáng tạo trong phát triển kinh doanh.
“Kế nghiệp vốn là sự kế thừa và tiếp tục, nhưng kế nghiệp hiện nay không còn đơn giản như vậy, kế nghiệp phải là sự kế nghiệp sáng tạo. Trong quản trị DN các DN gia đình hãy quan niệm DN như gia đình mở rộng, những người làm thuê cũng như người trong gia đình, gia đình hoá công ty tức là xây dựng văn hoá công ty như xây dựng văn hoá gia đình. Phải xây dựng được mô hình quản trị đối xử với các thành viên và khách hàng như gia đình, phải quan tâm tới người lao động, khách hàng như anh em trong gia đình. Đây là công thức thành công”, TS Vũ Tiến Lộc nói.
Cũng tại Diễn đàn, Chủ tịch Hội đồng DN Gia đình Việt Nam Phạm Đình Đoàn - Chủ tịch Tập đoàn Phú Thái; Bà Trần Thị Tuyến Ánh - Vụ trưởng Vụ gia đình (Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch); Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương Phan Đức Hiếu; Phó Chủ tịch Hội doanh nhân trẻ Việt Nam Nguyễn Hồng Phong - Tổng Giám đốc Công ty CP Công Nông nghiệp Tiến Nông;  Chủ tịch Câu lạc bộ Sao Đỏ Nguyễn Cảnh Hồng  - Tổng Giám đốc Tập đoàn Eurowindow;  Giám đốc Phát triển kinh doanh PwC Malaysia & Việt Nam David Tay; Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Tân Hiệp Phát Trần Uyên Phương; Thành viên HĐQT Alphanam Group Nguyễn Ngọc Mỹ; Phó Tổng Giám đốc Phụ trách dịch vụ DN Tư nhân Deloitte Việt Nam Bùi Tuấn Minh; Phó Tổng Giám đốc, Phụ trách phát triển thị trường PwC Việt Nam Hoàng Hùng; Chủ tịch CLB CEO Hà Nội Nguyễn Văn Mỹ… đã chia sẻ thực trạng chuyển giao quyền lực trong các DN gia đình, cũng như trao đổi kinh nghiệm, giải đáp thắc mắc theo chủ đề của Diễn đàn.