Công tử miền Tây
Đội bóng gây chú ý nhất trên thị trường chuyển nhượng thời gian vừa qua không phải là Bình Dương, Hà Nội T&T, FLC Thanh Hóa hay Than Quảng Ninh, mà chính là Cần Thơ. Đội bóng miền Tây đang được làng bóng đá ví là "công tử Bạc Liêu" của V.League. Họ chiêu mộ một loạt cầu thủ với mong muốn nhanh chóng nâng cao chất lượng đội hình để có được thứ hạng cao ở mùa giải tới.
Đến thời điểm này, Cần Thơ mới chính là đội bóng có nhiều bản hợp đồng chất lượng nhất. Họ nhanh chóng xúc tiến việc thương lượng và ký hợp đồng với một loạt cầu thủ có tiếng tăm như Đinh Tiến Thành, Nguyễn Thanh Diệp, Vũ Anh Tuấn, Nguyễn Quang Tình…
Đội bóng này cũng lên kế hoạch chiêu mộ một loạt ngoại binh chất lượng và đang tham gia vào cuộc chiến nhằm có được chữ ký của 2 tuyển thủ quốc gia là Ngô Hoàng Thịnh và Nguyễn Thanh Hiền. Dự tính, để thực hiện hết kế hoạch chuyển nhượng đầy tham vọng, Cần Thơ sẽ phải chi số tiền từ 15 - 20 tỷ đồng. Số tiền này có thể nói là gây sốc trong bối cảnh làng bóng đá đang thực hiện chính sách thắt lưng buộc bụng. Nhưng với Cần Thơ, đây là điều bắt buộc nếu họ muốn tham gia vào cuộc đua giành thứ hạng cao mùa giải tới.
Mùa giải mới đang đếm ngược từng ngày.
|
Nhà giàu buộc bụng
Đến thời điểm này, các ông lớn của làng bóng đá vẫn giữ sự im lặng trên thị trường chuyển nhượng: Than Quảng Ninh vẫn chưa chiêu mộ được cầu thủ nào đáng chú ý, những mục tiêu mà họ nhắm tới vẫn chưa thành do rào càn về chế độ đãi ngộ. FLC Thanh Hóa cũng có nhiều cái đích lớn nhưng đến nay mới có được chữ ký của tiền vệ Hoàng Văn Bình. Trong khi đó, ông vua chuyển nhượng Bình Dương thậm chí còn chẳng quan tâm đến ngôi sao nào. Họ tiến hành thử việc những cầu thủ tàm tạm như Phan Thanh Phúc, Trần Đức Cường hay Trương Huỳnh Phú. Đây đều là những cầu thủ không chiếm được vị trí chính thức ở đội bóng cũ và đang hy vọng trở thành phương án dự bị tại Bình Dương.
Các đại gia của V.League giờ không thích ném tiền qua cửa sổ nữa. Họ hàng ngày nhận được rất nhiều lời đề xuất từ các ngôi sao. Tuy nhiên, cái giá mà các ông lớn đưa ra với các cầu thủ chỉ bằng khoảng một nửa yêu cầu nên chưa có những bản hợp đồng đình đám được công bố. Có thể nói, sau thời gian đam mê với việc tiêu tiền lấy thương hiệu, các đội bóng đang có xu hướng điều chỉnh chiến lược phát triển. Họ không lao vào thị trường chuyển nhượng như con thiêu thân để rồi nhận về quả đắng nữa. Các đội bóng thường nghĩ đến sự hiệu quả đầu tiên và kiên quyết không phá vỡ những nguyên tắc về tài chính trong quá trình thương thảo hợp đồng.
Không chạy theo ngôi sao, không mua cầu thủ bằng tin đồn để mắc bẫy từ các nhà môi giới, các đội bóng muốn hướng đến một giai đoạn phát triển bền vững. Bởi nói cho cùng, ngân sách hoạt động của các đội bóng phụ thuộc rất nhiều vào sự hào phóng và khả năng tài chính của các ông bầu. Khi mà nền kinh tế gặp khó khăn, các ông bầu đòi hỏi phải nâng cao hiệu quả trong việc sử dụng kinh phí. Điều này buộc bộ phận điều hành phải có sự chuyển đổi về công nghệ quản trị đội bóng. Xem ra, đây thật sự là bước chuyển đáng mong muốn của nền bóng đá, bởi nó báo hiệu việc các ông bầu đã tiến dần đến chuyên nghiệp.