KTĐT - Trong tháng 5, hơn 400 triệu khán giả của kênh truyền hình Discovery trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương sẽ lần lượt thưởng thức 4 bộ phim tài liệu nói về sự chuyển biến nhanh chóng trong quá trình đô thị hóa tại Việt Nam.
Những chiến binh chống tắc đường (Jam Busters), Rạp chiếu phim di động của ông Long (Mr Long's Travelling Cinema), Thành phố một nghìn năm (City of A Thousand Years) và Câu chuyện cải táng (Digging Up The Dead) là bốn phim tài liệu xuất sắc trong cuộc thi Lần đầu làm phim với Discovery (First Time Filmmakers), do quỹ Ford tài trợ, được tổ chức bởi kênh Discovery châu Á - Thái Bình Dương, hãng Uproar châu Á và công ty RedBridge là quản lý dự án.
Bốn bộ phim ghi lại những góc nhìn của các nhà làm phim độc lập Việt Nam về bước chuyển mình và những sự thay đổi của đất nước trong giai đoạn hội nhập suốt 20 năm qua. Được phát động từ tháng 8/2009, Lần đầu làm phim với Discovery ban đầu có 5 dự án được lựa chọn. Tuy nhiên, dự án Thành phố đam mê của đạo diễn Phan Ý Ly vì không hoàn thành được trong khung thời gian cho phép của Discovery nên đã không thể về đích.
Những chiến bính chống tắc đường của đạo diễn Phan Duy Linh kể về những nỗ lực của một nhóm sinh viên tình nguyện ở Hà Nội và kênh VOV giao thông trong việc hạn chế ách tắc giao thông trên đường phố thủ đô trong giờ cao điểm. Bộ phim thứ hai - Rạp chiếu phim di động của ông Long (đạo diễn Hoàng Mạnh Cường) - lại là câu chuyện thú vị về một ông lão làm nghề chiếu phim dạo ở công viên Thủ Lệ với chiếu máy chiếu phim tự tạo có phần "cổ lỗ sĩ" nhưng lại đem đến cho khán giả trải nghiệm ở nhiều giác quan.
Thành phố một nghìn năm của đạo diễn Nguyễn Mạnh Hà lại vẽ nên một bức tranh đô thị sầm uất với những thay đổi diễn ra trong quá trình chuẩn bị kỷ niệm Đại lễ nghìn năm Thăng Long vào năm ngoái. Bộ phim cuối cùng trong dự án, Câu chuyện cải táng (đạo diễn Đào Thanh Tùng), được đánh giá là có ý tưởng táo bạo và độc đáo hơn cả. Phim đề cập tới một nghi lễ truyền thống của Việt Nam có nguy cơ bị biến mất trong thời kỳ hiện đại.
Khi được phát động tại Việt Nam từ mùa thu năm 2009, First Time Filmmakers đã thu hút 68 kịch bản của các nhà làm phim gửi về tham dự. Cuối cùng, bốn dự án trên đã đạt được những tiêu chí về tính độc đáo trong ý tưởng, chất lượng để được trao kinh phí đầu tư 20.000 USD (khoảng 400 triệu đồng) để thực hiện trong 9 tháng. Khi hoàn thiện, cả bốn phim được trình chiếu trong Travel & Living (Đi và sống), chuyên mục ăn khách nhất của kênh Discovery và thu hút hơn 400 triệu người xem.
Hôm 28/4, ông Vikram Channa, phó chủ tịch, phụ trách sản xuất và phát triển của Discovery Networks khu vực châu Á - Thái Bình Dương đã có mặt tại Hà Nội để tham dự lễ ra mắt 4 phim tài liệu của cuộc thi Lần đầu làm phim với Discovery. "Mỗi bộ phim tài liệu đã thể hiện những ý tưởng độc đáo và những câu chuyện thú vị về sự chuyển biến của Việt Nam thời kỳ đô thị hóa dưới góc nhìn của chính người Việt. Chúng tôi rất vui khi đã giúp các bạn giới thiệu những câu chuyện hấp dẫn và sâu sắc đó đến với khán giả để từ đó mở cánh cửa của Việt Nam ra thế giới", ông Vikram phát biểu.
Khi được hỏi về những khó khăn khi thực hiện dự án này tại Việt Nam, bà Hà Thục Vân, giám đốc công ty RedBridge, đơn vị trung gian và là quản lý dự án này tại Việt Nam, nói: "Tôi nghĩ khó khăn đầu tiên là dự án này dài tới 9 tháng, trong khi thông thường các dự án phim tài liệu của Việt Nam trước đây đều chỉ kéo dài trong 1-2 tháng. Chính vì vậy việc kêu gọi rất khó vì không phải nhà làm phim nào cũng có thể bỏ ra 9 tháng để đi theo dự án được. Một khó khăn nữa là quá trình đi tìm nhân vật. Trong 9 tháng, nhân vật sẽ có rất nhiều sự thay đổi và đôi khi còn có những khoảnh khắc mà họ không muốn chia sẻ".
Nhưng bên cạnh những khó khăn trên, các nhà làm phim Việt Nam cũng được làm phim với một cách mới, theo Discovery. Bình thường trước đây, phim tài liệu Việt Nam thường được quay trước, xong về dựng sau. Nhưng với Lần đầu làm phim với Discovery, bốn dự án được lựa chọn đều phải có kịch bản chi tiết, lời thoại, câu hỏi phải có tính logic để nhân vật trả lời làm sao cho phần hậu kỳ được thực hiện dễ dàng hơn. Bốn bộ phim của Lần đầu làm phim với Discovery đều được thực hiện phần hậu kỳ ở Singapore.
Nếu như trước đây, các phim tài liệu về Việt Nam chiếu trên truyền hình nước ngoài đều do êkíp nước ngoài thực hiện thì đây là lần đầu tiên, bốn bộ phim tài liệu về Việt Nam do chính những nhà làm phim trong nước làm, được trình chiếu quốc tế. Các đạo diễn có ý tưởng được Discovery lựa chọn cũng gặp không ít áp lực khi hoàn thành tác phẩm của mình. Đạo diễn Đào Thanh Tùng (tác giả phim Câu chuyện cải táng) cho biết: "Trong phim của tôi, rào cản lớn nhất là sự sợ hãi vì chuyện phim có đề tài tâm linh. Rào cản thứ hai là phải vượt qua cách làm phim quen thuộc trước đây để đi theo cách làm của Discovery".
Dự án làm phim tài liệu First Time Filmmakers của Discovery lần đầu ra mắt tại châu Âu vào năm 1995 với loạt phim Outlaws, tập trung khai thác vào cuộc sống của người dân Anh bên lề xã hội. Tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, First Time Filmmakers chọn Australia là điểm đến đầu tiên vào tháng 9/2000. Đây được coi là một sân chơi để các nhà làm phim tài liệu thể hiện tài năng của mình cũng như giới thiệu về văn hóa, con người của mỗi quốc gia đến với hàng triệu khán giả trên khắp thế giới.
Discovery là một trong những kênh truyền hình thực tế hàng đầu trên thế giới. Ra mắt từ năm 1985, đến nay Discovery đã có mặt tại 180 quốc gia với 42 ngôn ngữ khác nhau. Nội dung chủ yếu của các chương trình là giúp người xem tìm hiểu về khoa học, công nghệ, lịch sử cổ đại, đương đại, khám phá thế giới động vật hoang dã, thám hiểu các vùng đất trên thế giới cũng như những phim tài liệu về văn hóa, đời sống con người tại nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ.
Bốn bộ phim xuất sắc của Lần đầu làm phim với Discovery sẽ được phát sóng trên Discovery Channel khu vực Châu Á - Thái Bình Dương từ ngày 5/5.