Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới
Logo
Đăng ký ấn phẩm|Đăng nhập

Kênh thông tin quan trọng để xây dựng, hoàn thiện chính sách liên quan đến người lao động

Kinhtedothi-Năm 2024, Quốc hội đã thông qua Luật Bảo hiểm Xã hội và Luật Công đoàn với nhiều điểm mới, trong đó có nhiều nội dung hướng đến bảo vệ quyền của người lao động. Trong đó, báo chí có vai trò rất lớn trong việc đóng góp ý kiến xây dựng luật, hoàn thiện các chính sách.

Thêm nhiều quyền lợi cho người lao động

Tại Kỳ họp thứ 7 của Quốc hội khóa XV (tháng 6/2024) Luật Bảo hiểm Xã hội (BHXH) đã được thông qua. Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2025. Việc thông qua Luật có nhiều điểm mới, trong đó mở rộng quyền của người lao động, bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật; giải quyết căn bản các vướng mắc, bất cập từ thực tiễn, đáp ứng yêu cầu quá trình hội nhập quốc tế trong lĩnh vực BHXH…

Có thể kể tới một số điểm mới trong Luật Bảo hiểm xã hội như: mở rộng đối tượng tham gia; bổ sung trợ cấp hưu trí xã hội để hình thành hệ thống BHXH đa tầng theo định hướng tại Nghị quyết số 28-NQ/TW về cải cách chính sách BHXH; Quy định giảm điều kiện về số năm đóng BHXH tối thiểu để được hưởng lương hưu hằng tháng từ 20 năm xuống 15 năm; bổ sung chế độ thai sản vào chính sách BHXH tự nguyện; sửa đổi quy định hưởng BHXH một lần...

Để có được những quy định mới này, cơ quan soạn thảo và các tổ chức, đoàn thể, doanh nghiệp đã tổ chức nhiều cuộc hội thảo lấy ý kiến các chuyên gia, đại biểu Quốc hội, người sử dụng lao động và người lao động đóng góp từng nội dung vào Dự thảo Luật.

Thời gian qua, các cơ quan báo chí đã tích cực tuyên truyền về chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước  - Ảnh minh hoạ

Trong những nội dung mới, đáng chú ý là chính sách về chế độ thai sản với quy định cụ thể về đối tượng, điều kiện hưởng; thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản khi khám thai; thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản khi sảy thai, phá thai, thai chết trong tử cung, thai chết trong khi chuyển dạ, thai ngoài tử cung; chế độ thai sản của lao động nữ mang thai hộ và nữ lao động nhờ mang thai hộ...

Đối với Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam, với vai trò là cầu nối giữa người lao động - người sử dụng lao động, thực hiện chức năng đại diện cho quyền và lợi ích đã tổ chức hội thảo "Đóng góp ý kiến vào Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội tiếp cận dưới góc độ quyền của lao động nữ". Còn tại Hà Nội, Đoàn đại biểu Quốc hội cũng phối hợp với LĐLĐ TP tổ chức hội nghị tiếp xúc cử tri là cán bộ công đoàn, đoàn viên, người lao động Thủ đô để đóng góp ý kiến vào Luật BHXH (sửa đổi), Luật Công đoàn (sửa đổi).

Tương tự, ở khắp các tỉnh, thành trong cả nước, Đoàn đại biểu Quốc hội, tổ chức Công đoàn cũng tổ chức hội nghị lấy ý kiến của đoàn viên, người lao động vào các nội dung của Dự thảo Luật.

Tại các sự kiện này, những ý kiến của người lao động đã nhận được sự tham gia tích cực của các đại biểu đại diện cho người lao động (tổ chức Công đoàn, Công đoàn cơ sở...), với những ý kiến chất lượng, sát với thực tiễn, trong đó góp ý quy định về thời gian nghỉ ốm đau, khám thai sản cho từng nhóm lao động nữ; chế độ bảo hiểm xã hội một lần; hưu trí; mở rộng đối tượng tham gia BHXH bắt buộc; giải quyết giải quyết chính sách nhà ở cho công nhân lao động; giảm thời gian đóng BHXH…

Từ những ý kiến của người lao động, các cơ quan, đơn vị đã tổng hợp gửi về ban soạn thảo. Trên cơ sở đó, tại Kỳ họp thứ 7 của Quốc hội khóa XV các vị đại biểu Quốc hội lại tiếp tục thảo luận, đóng góp ý kiến nhằm hoàn thiện và đưa ra được chính sách phù hợp nhất, bảo đảm tốt nhất quyền lợi của người lao động.

Phát huy vai trò Công đoàn trong bảo vệ quyền của người lao động

Đối với Luật Công đoàn (sửa đổi), tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV (tháng 11/2024) đã thông qua Luật Công đoàn (sửa đổi), có hiệu lực từ 1/7/2025.

Hội nghị tiếp xúc cử tri do Đoàn đại biểu Quốc hội và LĐLĐ TP Hà Nội tổ chức để lấy ý kiến đóng góp vào Luật Công đoàn, Luật BHXH sửa đổi - Ảnh: Vân Hà

Luật Công đoàn 2024 bảo đảm các quy định rõ ràng, thực chất, ngắn gọn, bám sát thực tiễn, bảo đảm tính khả thi. Đồng thời, tăng cường phân cấp, phân quyền, gắn với quy định rõ nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong bộ máy Nhà nước, nâng cao năng lực thực thi.

Luật Công đoàn 2024 có một số điểm mới nổi bật như: mở rộng quyền thành lập, gia nhập và hoạt động Công đoàn của người làm việc không có quan hệ lao động. Mở rộng quyền gia nhập và hoạt động Công đoàn của người lao động là công dân nước ngoài (Điều 5).

Luật cũng quy định quyền gia nhập Công đoàn Việt Nam của tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp; bổ sung nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam, làm rõ hơn nguyên tắc, nội dung hợp tác quốc tế về Công đoàn...

Đặc biệt, Luật Công đoàn 2024 quy định cụ thể hơn quyền, trách nhiệm đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên công đoàn và người lao động.

Luật cũng bổ sung quyền giám sát, phản biện xã hội của Công đoàn. Theo đó, Công đoàn có quyền, trách nhiệm tham gia ý kiến, phản biện xã hội đối với dự thảo văn bản quy phạm pháp luật, quy hoạch, kế hoạch, chương trình, dự án, đề án của cơ quan Nhà nước có liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích của đoàn viên công đoàn, người lao động.

Tương tự như với các dự thảo luật nói chung và Luật BHXH nói riêng, khi được xây dựng và lấy ý kiến hoàn thiện dự thảo luật, cơ quan soạn thảo đã triển khai tới các ngành, đơn vị liên quan để lắng nghe và tìm ra phương án tối ưu.

Các phiên thảo luận của đại biểu Quốc hội về Dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi), Luật BHXH (sửa đổi) được các cơ quan báo chí liên tục đưa tin, phản ánh - Ảnh: Thái An

Thông qua các hội thảo, hội nghị được tổ chức tại các địa phương, dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi) đã được thông qua với nhiều nội dung sát với ý kiến, kiến nghị của đoàn viên công đoàn; của Công đoàn cơ sở, cán bộ Công đoàn... Từ đó, tạo hành lang pháp lý vững chắc cho tổ chức Công đoàn hoạt động, phát huy được vai trò, trách nhiệm trong bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng cho người lao động.

Và một điều dễ dàng nhận thấy là, suốt hành trình hoàn thiện các quy định và ban hành Luật đều có sự đồng hành của các cơ quan báo chí trong việc đưa tin, phản ánh, tổng hợp các ý kiến, kiến nghị của chuyên gia, đoàn viên, người lao động, cán bộ công đoàn...; tham gia phản biện chính sách. Đồng thời, nhiều cơ quan báo chí mở chuyên mục góp ý về các dự thảo luật; tuyên truyền, giám sát, định hướng dư luận chính sách, pháp luật về BHXH thông qua việc thực hiện các chức năng, nhiệm vụ của mình theo quy định của pháp luật, góp phần phát triển, mở rộng đối tượng tham gia BHXH.

Cùng với hệ thống tuyên truyền của các bộ, ban, ngành, đoàn thể và BHXH các địa phương, có thể thấy báo chí đã đóng vai trò là người hướng dẫn, là cầu nối tuyên truyền về vị trí, vai trò, ý nghĩa của BHXH, trong hệ thống an sinh xã hội. Từ đó góp phần nâng cao nhận thức, cổ vũ cấp ủy, chính quyền các cấp, các ngành và các địa phương trong việc triển khai, thực hiện chính sách. Những ý kiến đóng góp, phản biện của báo chí có vai trò không nhỏ trong việc xây dựng và hoàn thiện Luật BHXH (sửa đổi), Luật Công đoàn (sửa đổi).

Trích dẫn
Trích dẫn 1

Theo nhận định của lãnh đạo Tổng LĐLĐ Việt Nam, những năm qua, các cơ quan báo chí đã làm tốt vai trò là cầu nối giữa Đảng và chính quyền đối với Nhân dân; trở thành diễn đàn dân chủ, thông tin hai chiều, phản ánh trung thực, trách nhiệm tâm tư và nguyện vọng chính đáng của Nhân dân, trong đó có truyền thông chính sách.

Trong xây dựng chính sách đối với người lao động, báo chí đã tạo diễn đàn, thông tin đa chiều, phản ánh ý kiến, kiến nghị, tâm tư, nguyện vọng của người lao động. Đây cũng là một kênh thông tin quan trọng để cơ quan soạn thảo, cơ quan chức năng liên quan tham vấn, từ đó đưa ra những chủ trương, chính sách phù hợp nhất nhằm bảo đảm tốt nhất quyền lợi cho người lao động.

Dòng sự kiện:
Đọc nhiều
HỎI ĐÁP THÔNG MINH

CẢM NHẬN CỦA BẠN VỀ BÀI VIẾT NÀY

  • Rất hay
  • Thích
  • Giải trí
  • Cần cải thiện

BÌNH LUẬN (0)

Đừng bỏ lỡ
Tin mới
VIDEO
Tin Tài Trợ