Kéo dài áp dụng quy định diện tích bình quân với nhà thuê nội thành

Trần Hà - Phạm Hùng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chiều 6/12, sau khi thảo luận, HĐND TP đã thông qua Nghị quyết về việc kéo dài thời hạn áp dụng Nghị quyết số 11/2013/NQ-HĐND ngày 17/7/2013 của HĐND TP về quy định diện tích bình quân đối với nhà thuê nội thành để công dân được đăng ký thường trú ở nội thành TP Hà Nội đến hết năm 2020.

Trong báo cáo thẩm tra, Ban Pháp chế và Ban Đô thị HĐND thống nhất với nội dung này. Đồng thời đánh giá, qua 3 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 11, bước đầu đã hạn chế tình trạng di cư vào nội thành (trong 3 năm, 12 quận đã tiếp nhận và giải quyêt đăng ký thường trú cho 3.542 trường hợp), việc áp dụng quy định về chỉ tiêu m2 sàn tại Nghị quyết này đang được thực hiện thuận lợi và không khó khăn, vướng mắc. 
 Phó Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn điều hành phiên họp
Quy định chỉ tiêu 15m2 sàn/đâu người đối với nhà thuê ở nội thành để công dân được đăng ký thường trú ở nội thành TP Hà Nội hiện nay đang áp dụng phù hợp với quy định của các Luật, Quy hoạch phân khu có liên quan. Việc tiếp tục kéo dài thời hạn áp dụng Nghị quyết số 11 đến năm 2020 là cân thiết, phù hợp với các quy định của pháp luật, đúng thẩm quyền HĐND Thành phố,

Đồng thời trong Nghị quyết này, cũng quyết nghị thông qua nội dung ủy quyền cho Thường trực HĐND TP xem xét, cho ý kiến các dự án đầu tư xây dựng nhà ở thuộc thẩm quyền của HĐND TP theo quy định tại khoản 5 Điều 9 Nghị định số 99/2015/NĐ-CP ngày 20/10/2015 của Chính phủ. Theo đó, kéo dài thời hạn áp dụng Nghị quyết số 1 l đến hết năm 2020.

Theo tờ trình của UBND TP do Giám đốc Sở Xây dựng Lê Văn Dục trình cho thấy, căn cứ Nghị định số 99/2015/NĐ-CP ngày 20/10/2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Nhà ở, trong đó khoản 5 Điều 9 của Nghị định này quy định các dự án đầu tư xây dựng nhà ở thuộc đối tượng phải xin ý kiến HĐND TP trước khi UBND TP chấp thuận chủ trương đầu tư các dự án: Có quy mô sử dụng đất từ 20ha đến dưới 100ha và có số lượng nhà ở dưới 2.500 căn tại khu vực không phải là đô thị; Có quy mô sử dụng đất từ 10ha đến dưới 50ha và có số lượng nhà ở dưới 2.500 căn tại khu vực đô thị; Không phân biệt quy mô diện tích đất, số lượng nhà ở nhưng thuộc khu vực hạn chế phát triển hoặc nội đô lịch sử (được xác định trong các đồ án quy hoạch) của đô thị loại đặc biệt.
 Giám đốc Sở Xây dựng Lê Văn Dục trình bày tờ trình
Đến nay, thực hiện khoản 5 Điều 9 Nghị định số 99, sau khi được Thường trực Thành ủy xem xét, thống nhất chủ trương, UBND TP đã báo cáo xin ý kiến Thường trực HĐND TP 1 dự án cải tạo, xây dựng lại khu tập thể Văn phòng T.Ư Đảng tại số 44, ngõ 260 Đội Cấn, phường Liễu Giai, quận Ba Đình, Hà Nội và UBND TP đã ban hành Quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư số 5762/QĐ-UBND ngày 17/10/2016.

Theo ông Lê Văn Dục, trong thời gian tới TP tập trung cải tạo, xây dựng mới các nhà ở cũ, công trình nguy hiểm xuống cấp để đảm bảo an toàn cho người sử dụng nên sẽ có nhiều dự án đầu tư xây dựng nhà ở thuộc các quận tại khu vực nội đô lịch sử và khu vực hạn chế phát triển, phải cải tạo, xây dựng mới và thuộc diện phải xin ý kiến của HĐND TP trước khi UBND TP chấp thuận chủ trương đầu tư dự án.

Tại các khu vực này, TP dự kiến đưa vào kế hoạch cải tạo, xây dựng mới chung cư cũ giai đoạn 2016-2020. Do đặc thù về quy mô dự án, phương án triển khai và thực hiện dự án của mỗi dự án là khác nhau nên thời điểm báo cáo HĐND TP xin ý kiến trước khi UBND TP chấp thuận chủ trương đầu tư là khác nhau (theo đề xuất của Chủ đầu tư), mặt khác quy định thủ tục hành chính có quy định về thời hạn. Nếu chờ đến kỳ họp HĐND TP để cho ý kiến đối với từng dự án sẽ không đáp ứng quy định về thời gian thực hiện thủ tục hành chính và chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở của TP.
 Các đại biểu bấm nút biểu quyết thông qua Nghị quyết
Do đó, việc đề xuất HĐND TP ủy quyền cho Thường trực HĐND TP xem xét, cho ý kiến trước khi UBND TP chấp thuận chủ trương đầu tư các dự án đầu tư xây dựng nhà ở theo quy định tại khoản 5 Điều 9 Nghị định số 99 sẽ kịp thời thông qua chủ trương để giải quyết xử lý trong việc cải tạo, xây dựng mới các nhà xuống cấp, công trình nguy hiểm đảm bảo an toàn cho người dân, góp phần cải cách thủ tục hành chính, phục vụ ngày càng tốt hơn nhu cầu của người dân và doanh nghiệp, đồng thời hiện thực hóa chủ trương “Chính phủ kiến tạo” của Thủ tướng Chính phủ.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần