|
Khách hàng làm thủ tục tại Sân bay quốc tế Nội Bài. Ảnh: Phạm Hùng |
Trong buổi làm việc về công tác điều phối giờ cất cánh, hạ cánh tại các sân bay diễn ra vào cuối tháng 8 vừa qua, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể nhận định, một trong những tiêu chuẩn quan trọng nhất của ngành hàng không là phải chuẩn giờ. Tuy nhiên tình trạng chậm, hủy chuyến bay diễn ra trong thời gian vừa qua đã và đang gây nhiều bức xúc trong xã hội.
Cấp slot đổ dồn vào “giờ vàng”Đề cập đến tình trạng chậm, hủy chuyến bay, người đứng đầu Bộ GTVT bày tỏ sự không hài lòng với công tác điều phối kế hoạch bay (slot - PV) trong thời gian qua, và thẳng thắn: “Hãng nào cũng tranh nhau “giờ vàng” nên hành khách rất vất vả, mệt mỏi trong khi những khung giờ khác lại thấp. Tôi không có cảm giác là có quản lý Nhà nước trong hoạt động điều phối này”.
Theo báo cáo của Cục Hàng không Việt Nam, từ tháng 1 - 7/2018, tổng số chuyến bay khai thác của 4 hãng hàng không (Vietnam Airlines, VietJet Air, Jetstar Pacific và Vasco) là 177.510 chuyến. Trong đó có 26.578 chuyến chậm giờ và hủy. Tỷ lệ chuyến bay chậm giờ chiếm 14,7% và chuyến bay hủy chiếm 0,3%. |
Việc cấp slot tập trung vào "giờ vàng" dẫn đến tình trạng mất cân đối của hạ tầng vận tải hàng không, khi thì quá tải, lúc lại dư thừa năng lực. Theo ông Nguyễn Văn Thể, việc chậm chuyến, hủy chuyến bay nhiều đã làm xấu hình ảnh của hàng không. “Hãng nào cũng tranh nhau "giờ vàng" nên hành khách rất vất vả, mệt mỏi trong khi những khung giờ khác lại thấp. Tôi không có cảm giác là có quản lý Nhà nước trong hoạt động điều phối này” - Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nói.
Khi nói về nguyên nhân dẫn tới tình trạng chậm, hủy chuyến bay, ông Đinh Việt Thắng – Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng quản lý slot cho hay, có tới 63% là do khai thác của các hãng hàng không, 17,3% do thời tiết, còn lại xuất phát từ nguyên nhân khác. “Giải pháp hiệu quả nhất là tăng tỷ lệ slot thực hiện lên, bước đầu là 85%, sau đó có thể tăng lên 90%. Nếu không đạt thì thu hồi. Đây là chế tài nặng nhất với hãng hàng không” - Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam đề xuất giải pháp giảm việc chậm, hủy chuyến bay.
|
Hành khách chờ đến giờ bay tại Sân bay quốc tế Nội Bài. Ảnh: Công Hùng |
Cần sớm căn chỉnhTrao đổi với phóng viên Kinh tế & Đô thị, PGS.TS Nguyễn Thiện Tống – Chuyên gia Hàng không dẫn giải, sau khi thực hiện xong một chuyến bay, để đưa vào khai thác chuyến tiếp theo phải trải qua rất nhiều công đoạn: Chờ hành khách xuống sân bay, làm vệ sinh khoang hành khách, dọn dẹp khoang hành lý, kiểm tra kĩ thuật, nạp nhiên liệu, đón hành khách mới lên tàu bay... Thông thường các hãng đều muốn rút ngắn thời gian thực hiện các công đoạn đó trong thời gian ít nhất nhưng trên thực tế họ lại không làm được. Mỗi chuyến bay lại bị trễ hơn kế hoạch một chút và cứ thế sau mỗi chuyến bay, thời gian “delay” được cộng dồn, gối nhau. Kết quả là những chuyến bay vào cuối giờ chiều và tối luôn chậm giờ nhiều nhất.
Để giảm tình trạng chậm, hủy chuyến, ông Nguyễn Thiện Tống cho rằng cần có sự phối hợp và đồng thuận của cả đơn vị điều phối slot và các hãng hàng không. “Vấn đề ở đây là trong kế hoạch bay đã không được cố gắng làm cho chính xác mà để du di quá nhiều. Đúng ra kế hoạch bay phải được điều chỉnh theo đúng tình hình thực tế. Chỉ cần căn cứ vào thực tiễn thời gian chuẩn bị giữa các chuyến bay mà trừ hao thời gian cho phù hợp, đặc biệt là các chuyến bay vào buổi chiều và tối” - chuyên gia Hàng không nói.
Đồng quan điểm với Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể, PGS.TS Nguyễn Thiện Tống cho biết, các hãng hàng không có tâm lý chọn slot trong giờ vàng, giờ đẹp với mục đích thu hành khách nhiều hơn. Tuy nhiên, khả năng “xoay xở” trong thời gian giữa các chuyến bay trước và sau thường bị “chệch chuẩn” đã dẫn tới việc không đảm bảo giờ bay đúng hẹn. Điều này vô tình lại khiến uy tín của hãng bị ảnh hưởng. “Các hãng hàng không nghĩ là thời gian xoay chuyến nhanh nhưng họ lại không làm được việc đó. Muốn giảm tình trạng chậm, hủy chuyến thì phải lên kế hoạch cho chính xác. Như thế để hành khách chủ động và đặc biệt không có tâm lý bị đánh lừa, còn các hãng hàng không cũng không mang tiếng là chậm chuyến” - ông Tống góp ý.
Một số chuyên gia cũng cho rằng, các cơ quan quản lý cần sớm nghiên cứu chế tài thu hồi slot với những trường hợp để xảy ra chậm, hủy chuyến nhiều, có chế tài rõ ràng đối với những trường hợp dồn chuyến, chậm, hủy chuyến; Giảm slot trong những giờ thời tiết xấu có thể dự đoán được.