Câu chuyện diễn ra tại Khu chung cư HH Linh Đàm, quận Hoàng Mai, đang gây xôn xao dư luận những ngày qua một lần nữa cho thấy việc xây dựng nếp sống, cách ứng xử văn minh ở nơi công cộng vẫn còn không ít điều đáng nói.
Trước hết phải nói rằng, hiện nay, việc người dân kéo loa ra nơi công cộng để hát karaoke hay hát karaoke ở nhà với âm thanh lớn diễn ra khá nhiều. Thậm chí, loại hình karaoke “di động” tại nhiều nơi đã trở thành vấn nạn, thành nỗi ám ảnh của nhiều người. Đây là loại hình sinh hoạt cộng đồng không có gì đáng phê phán nếu diễn ra đúng nơi, đúng lúc và đúng thời điểm như hát ở những địa điểm vắng, xa khu dân cư tập trung… hay thi thoảng hát vui, trong thời gian ngắn.
Tuy nhiên, khi tình trạng này được duy trì thường xuyên, lại hát trong thời gian dài sẽ vô tình gây cảm giác khó chịu, thậm chí gây ra những nguy hại về tâm lý, sức khỏe cho những người sống xung quanh khu vực đó.
Như sự việc diễn ra ở Khu chung cư HH Linh Đàm, chính người dân ở đây cũng phản ánh, sự việc một số người cao tuổi tụ tập mang theo loa bật nhạc hát karaoke diễn ra thường xuyên, gây ồn ào khiến nhiều người bức xúc. Mọi người sinh sống trong khu vực đã nhắc nhở rất nhiều, thậm chí, báo cáo ban quản lý tòa nhà và tổ trưởng tổ dân phố nhưng tình trạng trên vẫn tiếp diễn. Và dường như “tức nước vỡ bờ” mới dẫn đến hành động của nhóm thanh niên.
Thực tế, có rất nhiều câu chuyện không mấy vui từ chính việc ứng xử lại những hành vi gây ồn nơi công cộng như thế này. Có người do ngại đụng chạm nên không dám lên tiếng, dù cuộc sống sinh hoạt của gia đình bị ảnh hưởng nghiêm trọng từ tiếng ồn, gây ra nhiều hệ lụy.
Nhưng cũng không ít trường hợp, từ những bức xúc ấy sẽ dẫn đến việc người dân mâu thuẫn với nhau, thậm chí có không ít trường hợp quá bức xúc đã phản ứng mạnh dẫn xô xát gây thương tích, gây mất trật tự an ninh nơi công cộng, khu dân cư…
Còn như cách dùng tiếng ồn để “đấu” lại tiếng ồn ở đây, có thể hiểu việc này xuất phát từ sự bức xúc, nhưng dường như chính họ cũng khiến những người xung quanh không mấy dễ chịu. Bởi ồn lại thêm ồn và không ai chắc rằng, những âm thanh ồn ã ấy sẽ kết thúc, có khi còn tồi tệ hơn.
Việc chấn chỉnh các hoạt động gây tiếng ồn, đặc biệt là tình trạng karaoke “di động” này đã được nói đến rất nhiều, nhiều nơi còn ra quân rất quyết liệt trong tuyên truyền, xử lý, nhưng dường như cũng không dễ dàng gì. Bởi do nhiều khi không thể đo được độ ồn nên việc chấn chỉnh tình trạng ô nhiễm tiếng ồn mới chỉ dừng lại ở việc tuyên truyền, vận động và nhắc nhở mà chưa thể xử phạt.
Do đó, vai trò, trách nhiệm của chính quyền địa phương tại cơ sở rất quan trọng, việc sâu sát, nắm bắt kịp thời những phản ánh của người dân, những vấn đề xảy ra trên địa bàn dân cư mình, để tăng tuyên truyền, vận động về quy tắc ứng xử nơi công cộng, thậm chí là có những hình thức xử lý phù hợp để không vì một nhóm người mà gây ồn ào ảnh hưởng đến mọi người xung quanh.
Hơn thế nữa, việc nâng cao ý thức của người dân, đây chính là yếu tố gốc rễ và cũng là điều khó thay đổi nhất nhưng quan trọng nhất để xóa bỏ nạn ô nhiễm tiếng ồn tại khu dân cư.
Chỉ khi chính mỗi người có ý thức, giữ gìn sự văn minh trong đô thị, tôn trọng người khác cũng là tôn trọng chính mình mới dứt được tận gốc vấn đề. Việc lan tỏa lối sống văn minh, thanh lịch đến từ chính hành động văn minh, phù hợp lối sống, chứ chưa hẳn là từ cách hành xử “ăn thua” cho bõ tức.