Kết cục của “nữ quái” cầm đầu đường dây lừa đảo

Thiên Bình
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Khi có người hỏi vay tiền, Lưu Thị Hoàng Mai (38 tuổi, ở phường Đức Giang, quận Long Biên, Hà Nội) là Giám đốc Công ty CP và sản xuất thương mại Hoàng Mai (Công ty Hoàng Mai) yêu cầu họ phải đưa giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà và đất.

Sau khi có hai loại giấy tờ này, Mai đã ép người vay tiền phải làm hợp đồng ủy quyền công chứng. Với những giấy tờ “hợp pháp” đó, Mai đã bán được với số tiền từ vài trăm triệu đến hàng tỷ đồng để chiếm đoạt tài sản của người thế chấp…

Lòng tin… đặt sai chỗ

Mới đây, khi TAND TP Hà Nội đưa vụ việc Lưu Thị Hoàng Mai ra xét xử về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” đã thu hút được sự quan tâm rất lớn của dư luận. Giúp sức cho “nữ quái” Lưu Thị Hoàng Mai trong vụ việc trên còn có Nguyễn Thanh Thủy (SN 1967, ở phường Phương Liệt, quận Thanh Xuân), Phạm Thúy Liên (SN 1963, ở phường Nguyễn Du, quận Hai Bà Trưng) và Quách Huyền Thi (SN 1966, ở tỉnh Hòa Bình) là Giám đốc Công ty CP TM&DV Tây Bắc. Ngoài ra, liên quan đến vụ án, Vương Cường (SN 1976, ở phường Thanh Trì, quận Hoàng Mai) và Nguyễn Tuấn Anh (SN 1984, ở phường Lĩnh Nam, quận Hoàng Mai) đều bị truy tố về tội “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức”.
Bị cáo Lưu Thị Hoàng Mai (thứ 2 từ phải sang) cùng các đồng phạm tại phiên tòa. Ảnh: Thiên Bình
Bị cáo Lưu Thị Hoàng Mai (thứ 2 từ phải sang) cùng các đồng phạm tại phiên tòa. Ảnh: Thiên Bình
Theo truy tố, trong thời gian từ tháng 2/2009 – 11/2010, lợi dụng việc các gia đình ở Hà Nội có nhu cầu vay tiền, Mai đã cho một số hộ vay với số tiền từ 50 - 900 triệu đồng theo lãi suất của ngân hàng. Khi cho vay, Mai yêu cầu các gia đình phải đưa “sổ đỏ” để đảm bảo khoản vay. Đồng thời, người vay tiền phải ký Hợp đồng công chứng để ủy quyền cho Mai cùng một số đối tượng là người quen của “nữ quái” này được quyền sở hữu, định đoạt đối với diện tích đất trong “sổ đỏ” để làm thủ tục vay vốn ngân hàng.

Để tạo niềm tin, Mai lấy danh nghĩa là giám đốc công ty để lập các hợp đồng kinh tế, giấy biên nhận với các gia đình vay tiền với nội dung: Mai sử dụng giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà và giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để vay tiền ngân hàng. Tuy nhiên, sau khi có được 2 giấy tờ quan trọng trên, Mai không thế chấp ngân hàng để vay tiền mà dùng các giấy tờ đó để làm thủ tục chuyển nhượng bất hợp pháp nhà đất của những người đã ủy quyền cho Mai. Tùy theo giá trị từng mảnh đất và nhà mà Mai bán được với số tiền từ vài trăm triệu đến 5 tỷ đồng rồi chiếm đoạt tài sản của họ.

Một trong những nạn nhân của Mai là bà Nguyễn Thị Hồng M. (ở Hà Nội). Theo đó, vào ngày 29/10/2010, tại Văn phòng Công chứng Gia Khánh, Mai cho bà M. vay số tiền 600 triệu đồng với cam kết thời hạn vay là ba năm và sẽ trả lãi theo lãi suất ngân hàng. Hết thời hạn vay, Mai sẽ trả lại Giấy chứng nhận quyền sử dụng 310m² đất tại huyện Thanh Oai, Hà Nội cho bà M. Nhưng sau khi có hợp đồng công chứng và giấy chứng nhận quyền sử dụng thửa đất trên, Mai không thực hiện như cam kết mà chuyển nhượng ngay thửa đất cho người khác với số tiền 5 tỷ đồng. Người mua của Mai thửa đất này sau đó đem “sổ đỏ” mảnh đất này thế chấp ở chi nhánh một ngân hàng để vay số tiền 3,4 tỷ đồng.

Với thủ đoạn tương tự, chỉ trong một thời gian ngắn, Mai đã thực hiện trót lọt hành vi gian dối để chuyển nhượng trái phép 11 thửa đất và nhà để bán cho nhiều người rồi chiếm đoạt số tiền gần 30 tỷ đồng. Giúp sức đắc lực cho Mai thực hiện hành vi phạm tội nêu trên là Nguyễn Thanh Thủy (thành viên góp vốn của Công ty Hoàng Mai), Phạm Thúy Liên là lao động tự do và Quách Huyền Thi là Giám đốc Công ty CP TM&DV Tây Bắc.

Trong vụ án này còn hai đối tượng là Vương Cường - kỹ sư cầu đường Công ty CP Cơ giới xây dựng và Nguyễn Tuấn Anh là lao động tự do đã giúp sức cho Mai thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản dưới hình thức làm giả tài liệu, con dấu của cơ quan, tổ chức qua việc giả mạo chữ ký và con dấu của Trưởng Văn phòng Công chứng Hoàng Mai (Hà Nội) trong một giao dịch mua bán nhà đất.

Cũng theo truy tố, liên quan đến vụ án này còn 6 ngân hàng có trụ sở tại Hà Nội trong quá trình tiếp nhận, thẩm định và duyệt các khoản vay qua hình thức thế chấp các giấy tờ nhà đất chuyển nhượng trái pháp luật. Theo đó, khi cho vay, ngân hàng chỉ căn cứ vào hồ sơ do khách hàng cung cấp hoặc thuê công ty có thẩm quyền thẩm định giá xác định giá trị tài sản thế chấp mà không cử nhân viên kiểm tra, thẩm định thực tế nên không phát hiện được nhà đất nhận thế chấp chỉ là trên giấy tờ, chứ thật sự không phải là người có tên trên giấy tờ thế chấp. Tuy nhiên, thời điểm xảy ra vụ án, các ngân hàng không đề nghị gì đối với tài sản cho vay cũng như tài sản thế chấp nên cơ quan điều tra không đề nghị xử lý đối với cán bộ trực tiếp thẩm định và cho vay của 6 ngân hàng này.

Cái giá phải trả

Sau 2 ngày diễn ra phiên tòa, Hội đồng xét xử (HĐXX) đã làm rõ, do cần vốn kinh doanh nên bà Nguyễn Thị Hồng M. đã nhờ Mai vay hộ số tiền 600 triệu đồng từ ngân hàng. Sau khi trao đổi, Mai đồng ý với điều kiện bà M. phải giao giấy tờ nhà đất và lập hợp đồng ủy quyền cho đối tượng. Sau đó, tại một văn phòng công chứng ở Hà Nội, bà M. ký hợp đồng ủy quyền cho Mai được toàn quyền định đoạt mảnh đất hơn 300m2 tại huyện Thanh Oai, Hà Nội. Tuy nhiên, do thực tế chỉ là ủy quyền để thế chấp “sổ đỏ” vay tiền ngân hàng nên hai bên tiếp tục ký thêm một giấy tờ nữa thể hiện Mai cho bà M. vay số tiền trên trong thời hạn 3 năm và khi nào trả hết tiền sẽ nhận lại giấy tờ mảnh đất.

Thỏa thuận là thế, song ngay sau khi cầm được “sổ đỏ” và giấy ủy quyền tài sản có xác nhận của văn phòng công chứng, Mai lập tức chuyển nhượng thửa đất của bà M. cho người khác và người này sau đó lại thế chấp mảnh đất cho một ngân hàng để vay 3,4 tỷ đồng. Cũng với thủ đoạn tương tự, từ tháng 2/2009 – 11/2010, Mai còn sử dụng pháp nhân của Công ty Hoàng Mai do mình lập ra để ký kết các hợp đồng vay mượn tiền, hợp đồng ủy quyền tài sản để bán hàng chục thửa đất và chiếm đoạt số tiền gần 30 tỷ đồng của nhiều người.

Quá trình thực hiện hành vi phạm tội, Mai luôn dụ dỗ hoặc ép buộc những người có nhu cầu vay tiền ngân hàng phải lập hợp đồng ủy quyền cho đối tượng được toàn quyền quyết định về tài sản thế chấp. Khi một số người thắc mắc về nội dung và phạm vi ủy quyền thì đều được “nữ quái” này giải thích rằng phải ủy quyền định đoạt thì ngân hàng mới cho vay.  

Tại phiên tòa, HĐXX cũng làm rõ, giúp sức đắc lực cho Mai còn có 3 đối tượng khác là Thủy, Liên và Thi. Các đối tượng này dù biết rõ đối tượng cầm đầu đường dây chuyên dụ dỗ, ép buộc những người vay tiền phải giao “sổ đỏ”, lập hợp đồng ủy quyền để bán nhà, đất của người khác nhưng vẫn đồng ý đứng tên trên hợp đồng nhận ủy quyền và sau đó bán tài sản của các bị hại. Còn đối với Vương Cường và Tuấn Anh, khi được Mai nhờ “chế” hồ sơ mua bán nhà, đất giả đã lập tức giúp đỡ. Cụ thể, các bị cáo này đã làm giả biên bản thỏa thuận phân chia di sản thừa kế của một gia đình; giả mạo con dấu, chữ ký của một phòng công chứng; giả chữ ký của Chủ tịch UBND phường Lĩnh Nam (quận Hoàng Mai, Hà Nội)… để hoàn tất thủ tục sang tên một thửa đất gần 200m2.

Kết thúc quá trình xét xử, HĐXX đã xác định, hành vi của bị cáo Mai cùng các đồng phạm là đặc biệt nghiêm trọng vì đã sử dụng thủ đoạn gian dối và chiếm đoạt số tiền đặc biệt lớn. Hành vi của bị cáo Vương Cường và Tuấn Anh cũng gây nguy hiểm cho xã hội và đã cấu thành tội “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức” theo Điều 267 - Bộ Luật hình sự. Đồng thời, qua xét xử cũng đã xác định cáo trạng truy tố các bị cáo là đúng người, đúng tội và đúng pháp luật.

Vì vậy, HĐXX đã quyết định tuyên phạt Lưu Thị Hoàng Mai tù chung thân về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Cùng tội danh nêu trên, Nguyễn Thanh Thủy, Phạm Thúy Liên và Quách Huyền Thi lần lượt bị tuyên phạt từ 10 - 14 năm tù giam. Riêng hai bị cáo Vương Cường và Nguyễn Tuấn Anh lần lượt phải nhận 12 và 10 tháng tù nhưng được cho hưởng án treo về tội “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức”. Ngoài hình phạt tù, HĐXX còn tuyên vô hiệu đối với các hợp đồng chuyển nhượng nhà và đất mà bị cáo Mai đã thực hiện bất hợp pháp để khôi phục lại quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở cho những người bị hại đã bị “nữ quái” này lừa đảo.

Các đối tượng gây án đã bị pháp luật trừng phạt bằng một bản án nghiêm khắc. Mong rằng, vụ án này sẽ là một bài học để mỗi người trong chúng ta cần nêu cao tinh thần cảnh giác, tránh mắc bẫy của kẻ lừa đảo.