Chuyển đổi số gắn liền với sự hài lòng của người dân
Thời gian qua, Bộ TN&MT đã tập trung nguồn lực ưu tiên xây dựng, hoàn thiện các cơ sở dữ liệu quốc gia, chuyên ngành TN&MT hướng đến Chính phủ số, chính quyền số. Cụ thể, về xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai, Bộ đã tiếp tục triển khai dự án “Tăng cường quản lý đất đai và cơ sở dữ liệu đất đai, đã vận hành cơ sở dữ liệu đất đai thường xuyên tại Văn phòng Đăng ký đất đai và các Chi nhánh của các tỉnh, TP.
Đồng thời hoàn thành kết nối, liên thông dữ liệu đất đai ở địa phương với Hệ thống tích hợp, kết nối, chia sẻ dữ liệu đất đai quốc gia... Về cơ sở dữ liệu đất đai, cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, 56/63 tỉnh, TP đã được kết nối với nguồn dữ liệu của 309/705 đơn vị cấp huyện, 4.267/10.599 đơn vị cấp xã.
Kết quả của những nỗ lực trên đã giúp ngành TN&MT cung cấp 205 dịch vụ, thực hiện hơn 11,6 triệu giao dịch; xử lý, giải quyết trên 360.000 văn bản, hồ sơ. Trung bình mỗi năm cơ quan TN&MT cấp tỉnh, cấp huyện tiếp nhận và giải quyết hơn 8,4 triệu thủ tục hành chính, tỷ lệ trả hồ sơ đúng hạn đạt trung bình trên 95%. Có 61/63 tỉnh, TP trực thuộc T.Ư thực hiện liên thông thủ tục đất đai với các tổ chức tín dụng trong thanh toán nghĩa vụ tài chính kết nối tới Cổng dịch vụ công quốc gia để thực hiện các thủ tục đăng ký đất đai, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất trên môi trường điện tử.
Những chuyển biến thực chất trong cải cách hành chính được đánh giá qua chỉ số hài lòng của người dân đối với thủ tục đất đai và môi trường đạt 88,46%. Tỷ lệ DN phản ánh phải trả chi phí không chính thức khi thực hiện các thủ tục hành chính về đất đai giảm 2,6%.
Hà Nội là một trong những đơn vị đi đầu về đảm bảo kết nối dữ liệu đất đai, liên thông thủ tục, đáp ứng sự hài lòng của người dân, DN. Trong đó, dựa trên cơ sở dữ liệu từ chuyển đổi số, nhiệm vụ rút gọn thời gian xử lý thủ tục hành chính liên quan đến giải quyết đăng ký, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà và tài sản khác gắn liền với đất lần đầu được TP đề cao, yêu cầu các đơn vị thực hiện nghiêm túc.
Phát huy các nguồn lực tài nguyên cho phát triển kinh tế - xã hội
Lãnh đạo Bộ TN&MT cho biết, năm 2023 Bộ sẽ trình nhiều bộ luật quan trọng như: Luật Đất đai (sửa đổi), Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) để Quốc hội thông qua. Đồng thời, Bộ cũng sẽ trình Chính phủ dự án Luật Địa chất và Khoáng sản; ban hành các văn bản dưới Luật giải quyết các vướng mắc đặt ra từ thực tiễn.
Bên cạnh đó, vấn đề thủ tục hành chính được kỳ vọng sẽ tiếp tục thực hiện đơn giản hóa 15 - 20%, tạo ra sự kết nối liên thông giữa 63/63 tỉnh, thành trong cả nước với thủ tục thanh toán nghĩa vụ tài chính với cơ quan thuế, tổ chức tín dụng. Thực hiện cung cấp dịch vụ công thiết yếu như cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo hình thức trực tuyến ở 30/63 tỉnh, TP.
Đặc biệt, Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà nhấn mạnh vai trò của công tác cải cách thể chế, đảm bảo đồng bộ, thống nhất, rõ ràng, minh bạch. Trong đó, tiếp tục tháo gỡ các nút thắt, điểm nghẽn trong quy định của pháp luật, xây dựng hệ thống quy hoạch đồng bộ để giải phóng, phát huy các nguồn lực tài nguyên cho phát triển kinh tế - xã hội. Tăng cường phân cấp thẩm quyền đi đôi với kiểm tra, giám sát, kiểm soát việc thực thi.
Từ việc nâng cấp thể chế, bộ máy, ngành TN&MT đặt ra kỳ vọng sẽ hỗ trợ người dân, DN cắt giảm được điều kiện đầu tư kinh doanh, thủ tục kiểm tra chuyên ngành, tạo lập hành lang pháp lý đồng bộ, thống nhất, minh bạch. Thực hiện cung cấp dịch vụ công trực tuyến, nhất là trong lĩnh vực đất đai, môi trường cho người dân, DN.
Đối với công tác thực thi pháp luật, Bộ TN&MT cũng đặt mục tiêu giải quyết quyết dứt điểm các vụ việc khiếu kiện tồn đọng, kéo dài, vi phạm pháp luật về đất đai, tài nguyên, môi trường. Trong đó, Bộ TN&MT đã ban hành Kế hoạch thanh tra, kiểm tra năm 2023 đối với các vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật, tham nhũng, tránh để lãng phí nguồn lực do dự án chậm triển khai.