Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Kết nối cung cầu cho rau an toàn

Lương Linh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 18/8/2017, thực hiện chỉ đạo của UBND TP Hà Nội, Trung tâm Xúc tiến Đầu tư Thương mại, Du lịch (HPA) với vai trò là đơn vị kết nối, phối hợp với tổ chức JICA của Nhật Bản – cơ quan đang triển khai dự án “Tăng cường độ tin cậy trong lĩnh vực sản xuất cây trồng an toàn tại khu vực miền Bắc’’ – tổ chức “Hội nghị kết nối cung cầu tiêu thụ rau an toàn trên địa bàn Thành phố’’.

 Tại hội nghị, nhiều hợp đồng liên kết giữa các đợn vị SX và phân phối sản phẩm RAT đã được ký kết
Có hơn 100 đại biểu đại diện các cơ sở sản xuất tiêu biểu của một số tỉnh, như Hà Nam, Hưng Yên, Hải Dương... và các nhà sản xuất, DN cung ứng của Hà Nội có dịp được giới thiệu các sản phẩm chất lượng của mình đến các nhà mua hàng, nhà phân phối uy tín trên địa bàn Hà Nội. Hội nghị cũng được các chuyên gia của JICA chia sẻ những kinh nghiệm sản xuất rau an toàn (RAT) thành công tại Nhật Bản và một số tỉnh trong cả nước, mang đến một thông điệp, một cách nghĩ, cách làm mới cho nhà sản xuất RAT, đó là: Người sản xuất xác định được trước nhu cầu khách hàng thông qua trao đổi trực tiếp, thiết lập trước hệ thống với người tiêu dùng. Kết thúc Hội nghị, 14 nhà sản xuất và phân phối RAT đã đặt bút ký hợp đồng hợp tác sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.
Hà Nội - miền đất hứa của RAT
Theo bà Nguyễn Thị Mai Anh - Phó Giám đốc Trung tâm HPA, Thủ đô Hà Nội hiện có 59.109 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, trong đó có 454 chợ phân bổ tại 30/30 quận, huyện, thị xã; 120 siêu thị, 22 trung tâm thương mại, trên 1000 cửa hàng kinh doanh nông sản sạch, an toàn. Tổng diện tích canh tác rau khoảng 12000ha, trong đó, diện tích sản xuất được cấp giấy chứng nhận RAT đạt 5.500ha, rau hữu cơ có 50ha và rat VietGAP là 224ha… Rau được phân bổ ở 22 quận, huyện, thị xã. Sản lượng rau, củ, quả đạt gần 600.000 tấn/năm, đáp ứng 60% nhu cầu của người tiêu dùng Thủ đô (nhu cầu rau xanh cần khoảng 1000.000tấn/năm), số còn lại được cung ứng từ các địa phương khác như Vĩnh Phúc, Hưng Yên, Hải Dương, Bắc Ninh, Bắc Giang...
Với trên 10 triệu dân đang sinh sống và hàng năm đón khoảng 21 triệu lượt khách du lịch trong và ngoài nước, do vậy Hà Nội cần lượng lương thực, thực phẩm an toàn rất lớn, trong khi khả năng sản xuất tại chỗ của ngành nông nghiêp TP còn hạn chế. Lượng sản phẩm  thiếu hụt chủ yếu được nhập từ các tỉnh bạn và nhập khẩu từ nước ngoài. Tuy nhiên, hiện nay các sản phẩm nhập từ các tỉnh bạn về tiêu thụ trên địa bàn Hà Nội chủ yếu do các thương lái thu gom và cung cấp về các chợ đầu mối – chiếm 75 - 80%. Từ đây, hàng hóa lại được chuyển đi các chợ dân sinh, cửa hàng bán thực phẩm, các bếp ăn tập thể… do vậy, công tác quản lý chất lượng nông sản thực phẩm rất khó khăn…
Những thuận lợi và khó khăn trong quy hoạch và tổ chức sản xuất RAT
Trong những năm qua, UBND TP luôn quan tâm đến công tác phát triển sản xuất RAT; ban hành một số quy định cũng như cơ chế để thúc đẩy sản xuất và tiêu thụ RAT. Việc quy hoạch các vùng sản xuất RAT là căn cứ rất quan trọng giúp các địa phương định hướng phát triển sản xuất và đề xuất đầu tư cho sản xuất RAT. Bà Nguyễn Thị Thoa - Trưởng phòng trồng trọt Sở NN&PTNT TP Hà Nội cho biết: Định hướng đến năm 2020, diện tích sản xuất RAT toàn TP là  16.276,7ha, trong đó các vùng sản xuất rau tập trung là 151 vùng với tổng diện tích 6.644,7ha (trung bình 44ha/vùng). Hình thức tổ chức sản xuất RAT bao gồm các HTX, tổ hợp tác, các công ty tham gia sản xuất RAT. Về tiêu thụ RAT, trên địa bàn TP có 6 hình thức chính: Bán trực tiếp cho các siêu thị chiếm khoảng 1,5% tổng sản lượng; cửa hàng phân phối bán lẻ chiếm 1,5%, giao cho các nhà hàng, bếp ăn… chiếm 1,8%; các thương lái thu gom 12,6%; người sản xuất tự bán tại các chợ dân sinh chiếm 26,8%, bán buôn tại các chợ đầu mối chiếm 55,8%... Tỷ lệ tiêu thụ thông qua hợp đồng với HTX, DN còn rất khiêm tốn. Theo số liệu của Chi cục Bảo vệ thực vật, hiện Hà Nội đã triển khai 11 chuỗi RAT ở Sóc Sơn, Thạch Thất, Mê Linh, Thanh Trì, Thường Tín, Hoàng Mai, Gia Lâm…
Bên cạnh những thuận lợi, như: TP xây dựng và ban hành các chính sách, quy định, quy hoạch, quy trình kỹ thuật để cơ quan chức năng có căn cứ, cơ sở và điều kiện chỉ đạo, đầu tư, hỗ trợ thực hiện… cùng với thị trường tiêu thụ lớn với hơn 10 triệu  người tiêu dùng… vẫn tồn tại những khó khăn. Đó là quy mô sản xuất nhỏ, phân tán gây khó cho công tác quản lý; số hoạt chất và tên thương phẩm thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) không ngừng tăng, các công ty kinh doanh và cửa hàng buôn bán thuốc BVTV thường xuyên quảng cáo với nhiều hình thức và chính sách khuyến mại hấp dẫn; cùng với sự phong phú của 40 loại rau, sự đa dạng và diễn biến phức tạp của sâu bệnh làm cho người sản xuất khó khăn trong lựa chọn đúng thuốc BVTV; người tiêu dùng khó mua được RAT có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, người sản xuất chưa bán được RAT theo đúng giá trị. Nguyên nhân một phần do người tiêu dùng  chưa tin tưởng, thiếu lòng tin với RAT khi không thể phân biệt được đâu là RAT và không an toàn bằng cảm quan, chỉ phân biệt được khi có tem nhãn nhận diện DN. Mặt khác, cũng có rất ít DN tham gia dán tem nhãn do lợi nhuận thấp, rủi ro cao bởi đội nhiều chi phí khác như giá thuê cửa hàng, nhân công, quảng cáo… Đã vậy, sự liên kết giữa DN, HTX và nông dân không chặt chẽ do chưa tìm được tiếng nói chung; vai trò của HTX rất hạn chế,…
Tạo niềm tin cho sản xuất và tiêu thụ RAT
Bà Mamyia Chiyo - đồng Trưởng nhóm tư vấn của tổ chức JICA cho rằng, rất cần có sự gắn kết giữa người sản xuất và nhà phân phối sản phẩm. Thay vì thói quen trước đây của đại đa số nông dân Việt Nam nói chung và ở Hà Nội nói riêng là cứ trồng rau rồi mang đi bán… thì nay, người sản xuất cần phải xác định được trước nhu cầu khách hàng thông qua trao đổi trực tiếp, thiết lập trước hệ thống với người tiêu dùng rồi mới sản xuất theo nhu cầu. Một năm qua, dự án “Tăng cường độ tin cậy trong lĩnh vực sản xuất cây trồng an toàn tại khu vực miền Bắc’’ (2016 - 2021) tập trung vào việc thúc đẩy sản xuất an toàn tại các vùng mục tiêu của khu vực miền Bắc thông qua việc hỗ trợ tổ chức sản xuất  dựa trên các quy chuẩn kỹ thuật, như: GAP cơ bản (sản xuất nông nghiệp tốt), tăng cường độ tin cậy của rau an toàn với người tiêu dùng. JICA đã chọn các tỉnh Hà Nội, Hải Dương, Hà Nam và Hưng Yên để triển khai dự án. Qua khảo sát, 14/19 nhóm cho rằng trước đây đã từng tổ chức tiêu thụ tập trung, nhiều nhóm cho biết, khó khăn trong việc tổ chức tiêu thụ tập trung là sự hợp tác với người mua hoặc không có sự thống nhất giữa các thành viên trong nhóm. Điều đó cho thấy, việc đối thoại với người mua và hợp tác giữa các thành viên trong nhóm là yếu tố quyết định  thành công của tiêu thụ. Cũng theo bà Trưởng nhóm dự án, để tạo dựng lòng tin, cần phải xây dựng sự tin tưởng của khách hàng đối với nhà sản xuất thông qua hình thức trao đổi, đối thoại. Khi người sản xuất và người mua đã đạt được sự thấu hiểu nhau, sẽ tạo nên mô hình RAT, nâng cao tính cạnh tranh.
Trong 12.000ha sản xuất rau tại Hà Nội, có 5.044ha (chiếm 42%) là diện tích RAT. Đến nay, nhận thức của người tiêu dùng về an toàn thực phẩm (ATTP) dần được nâng cao, Qua nghiên cứu của JICA năm 2016, có 97,5% người tham gia, trả lời rằng họ quan ngại (30%) hoặc rất quan ngại (67,5%) về vấn đề ATTP. Về quy trình chứng nhận RAT, 40% người tiêu dùng cho rằng họ thiếu niềm tin và 8% cho rằng họ hoàn toàn không tin tưởng quy trình chứng nhận ATTP. Điều đó luôn là thách thức với người sản xuất  và  người mua RAT, buộc họ cần phải đồng hành cùng nhau như cùng lập kế hoạch canh tác… tránh tình trạng được mùa mất giá hoặc bị tư thương ép giá.
Trước thực trạng hàng giả, hàng nhái tràn lan trên thị trường gây bức xúc cho nhà sản xuất và tổn hại đến người tiêu dùng, việc các nhà sản xuất và phân phối bắt tay nhau cùng xây dựng kế hoạch sản xuất - phương pháp canh tác - tiêu thụ RAT đảm bảo chất lượng và sản lượng là hết sức cần thiết, nhằm khẳng định chất lượng sản phẩm với thị trường. Tuy nhiên, vẫn còn một cách thức khác để tạo dựng niềm tin của người tiêu dùng, đó là truy xuất nguồn gốc hàng hóa chính xác tuyệt đối. Làm được điều đó sẽ giúp nâng cao năng lực cạnh tranh của hàng Việt Nam trước sức ép của hội nhập kinh tế. Đó là sáng chế “Quy trình xác thực chống hàng giả’’ của Trung tâm Doanh nghiệp Hội nhập và Phát triển (IDE) thuộc Hiệp Hội DN nhỏ và vừa Việt Nam.
Bà Phạm Thị Lý - tác giả, chủ nhiệm đề tài khoa học trên cho biết: “Quy trình xác thực chống hàng giả’’ là một hệ sinh thái đa chức năng (bao gồm một phần mềm ứng dụng trên Smartphone, một cổng thông tin lưu giữ các thông tin bảo mật check.net.vn và một con tem chống giả bao gồm nhiều lớp có chức năng chống giả) kết nối trực tiếp nhà sản xuất với người tiêu dùng truy xuất liên tiếp nhiều bước để biết được nguồn gốc sản phẩm hàng hóa chính hãng một cách miễn phí… Quy trình xác thực này đã được Cục sở hữu trí tuệ cấp bằng sáng chế năm 2016 và đã được lựa chọn là công cụ thực hiện Chương trình Bảo vệ thương hiệu hàng hóa Việt Nam thường niên trên quy mô toàn quốc. Đến nay, sáng chế này đã được 15 địa phương áp dụng, trong đó có Hà Nội vào việc xây dựng và bảo vệ thương hiệu, vì quyền lợi người tiêu dùng. Quy trình xác thực chống hàng giả đã góp phần giúp các nhà sản xuất, nhà phân phối và người tiêu dùng yên tâm hơn, tự tin hơn trong sản xuất và tiêu thụ, đặc biệt là lĩnh vực sản xuất -  kinh doanh RAT.