Đó là khẳng định của Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung tại Hội nghị giao thương kết nối cung cầu hàng hóa giữa Hà Nội với các tỉnh, TP năm 2016, do UBND TP Hà Nội và Bộ Công Thương tổ chức chiều ngày 1/12.
Cơ hội lớn cho người tiêu dùng và doanh nghiệp
Thông tin từ Sở Công Thương Hà Nội cho thấy, nhu cầu tiêu dùng các sản phẩm lương thực, thực phẩm của người dân Thủ đô trong dịp Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán 2017 sẽ tăng từ 5 - 20%, trong khi đó, doanh nghiệp (DN) Hà Nội chỉ có thể đáp ứng được từ 3 - 60% nhu cầu tiêu thụ của người dân. Chính vì vậy, thời gian qua, TP Hà Nội đã đẩy mạnh hoạt động liên kết vùng, kết nối cung cầu giữ với các tỉnh, thành trên cả nước.
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung phát biểu tại hội nghị. |
Từ đầu năm đến nay, TP Hà Nội đã tổ chức cho 400 lượt DN tham gia các chương trình liên kết, kết nối tiêu thụ sản phẩm qua đó ký kết hơn 350 biên bản, hợp đồng kinh tế cung ứng cho thị trường Thủ đô sản phẩm nông sản, thực phẩm đặc sản của các tỉnh, thành. Hoạt động này không chỉ bảo đảm nguồn cung hàng hóa cho Hà Nội còn góp phần bình ổn thị trường, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của Nhân dân.
Cụ thể, Hà Nội đã chỉ đạo các hiệp hội, DN Thủ đô tổ chức một số chương trình giao thương với các tỉnh Bắc Giang, Hà Giang, Thái Bình, Hưng Yên, An Giang, Cà Mau… Đồng thời, Hà Nội hỗ trợ 20 tỉnh, TP xây dựng phát triển chuỗi thực phẩm an toàn, liên kết đầu tư sản xuất và chuyển giao kỹ thuật cho các địa phương. Đặc biệt, Hà Nội đã tổ chức 3 Tuần lễ nhận diện sản phẩm an toàn và đặc sản vùng miền gồm "Tuần lễ nhận diện sản phẩm an toàn và đặc sản vùng miền các tỉnh Nam Bộ", "Tuần lễ nhận diện sản phẩm an toàn và đặc sản vùng miền các tỉnh Bắc Bộ", "Tuần lễ nhận diện sản phẩm an toàn và đặc sản Việt", qua đó DN Hà Nội và các tỉnh đã ký kết 30 hợp đồng tiêu thụ 1.800 chủng loại sản phẩm.
50 tỉnh, thành kết nối giao thương với Hà Nội "Hà Nội là thị trường tiêu thụ với sức mua lớn của cả nước, hạ tầng thương mại được đầu tư với quy mô lớn, mạng lưới phân phối phát triển đồng bộ, hiện đại hàng đầu cả nước vSự tham gia của các DN ở 50 tỉnh, TP trưng bày, giới thiệu sản phẩm hàng hóa và tham gia các hoạt động kết nối đã thể hiện nỗ lực của Bộ Công Thương, TP Hà Nội và các tỉnh, thành bạn trong việc đồng hành cùng DN đẩy mạnh tiêu thụ các sản phẩm. Việc kết nối cung cầu hàng hoá đã và đang góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội các địa phương, hình thành các chuỗi liên kết kinh tế, cộng đồng phát triển bền vững." - Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung |
Theo Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan, chương trình liên kết vùng đã góp phần tăng cường mối quan hệ giữa Hà Nội với các tỉnh, TP trên cả nước.
Nhiều địa phương đã chủ động đề xuất các chương trình kết nối tiêu thụ sản phẩm qua đó giúp DN chủ động được sản lượng sản xuất và thị trường tiêu thụ, đặc biệt khắc phục được tình trạng được mùa mất giá.
Đặc biệt, Sở Công Thương đã cùng Trung tâm Xúc tiến Đầu tư - Thương mại - Du lịch Hà Nội và DN bán lẻ Hà Nội đã hỗ trợ DN các tỉnh cải tiến mẫu mã, bao bì sản phẩm đạt tiêu chuẩn khi tiêu thụ trong hệ thống bán lẻ hiện đại.
Để kết nối cung - cầu hiệu quả hơn
Có thể thấy, các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu giữa Hà Nội với các tỉnh, thành đã góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh cho các DN địa phương, đáp ứng hàng hóa cho thị trường Hà Nội.
Lãnh đạo TP Hà Nội, Bộ Công Thương chứng kiến lễ ký kết tiêu thụ sản phẩm giữa DN HN với các tỉnh |
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Tiến Vượng, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Thương mại Hà Nội: Trong quá trình kết nối tìm nguồn hàng, DN Hà Nội gặp không ít khó khăn khi cần lượng hàng lớn với chất lượng bảo đảm, đồng đều. Nguyên nhân là do hầu hết các tỉnh, thành không nhiều còn ít DN lớn làm đầu mối thu mua hàng hoá cho bà con nông dân, đơn vị sản xuất. Cùng quan điểm, bà Vũ Thị Hậu, Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần Nhất Nam cho biết thêm: Hiện hầu hết các hộ nông dân, HTX khi sản xuất nông sản hàng hoá vẫn theo tập quán truyền thống nên chưa đáp ứng được các yêu cầu về thủ tục giấy tờ đăng ký, kiểm định chất lượng, phương thức thanh toán, mẫu mã bao bì sản phẩm, cũng như khẩu thu gom, bảo quản, vận chuyển... Hơn nữa, sự phối hợp của các địa phương đôi khi chưa kịp thời để có thể đáp ứng yêu cầu đột xuất của thị trường, nên công tác triển khai hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm còn khó khăn.
Chú trọng tới mẫu mã bao bì sản phẩm "Ở nhiều tỉnh, các hộ sản xuất chưa quan tâm đến việc chuẩn bị bao bì, tem nhãn cho sản phẩm của mình, khiến việc đưa hàng hóa nông sản, đặc sản vào hệ thống phân phối hiện đại rất khó khăn. Do đó, khi xúc tiến kết nối cung cầu, triển khai chương trình Đặc sản vùng miền để đưa sản phẩm vào hệ thống phân phối của Hà Nội, trung tâm đã phải hướng dẫn, yêu cầu doanh nghiệp, cơ sở sản xuất các tỉnh quan tâm hơn đến vấn đề này. Điều đó cho thấy DN, HTX và người dân các tỉnh thành trong quá trình sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nên chú ý đến mẫu mã bao bì." -Phó Giám đốc Trung tâm xúc tiến Đầu tư, thương mại,du lịch Hà Nội Nguyễn Thị Mai Anh |
Để công tác liên kết, kết nối cung cầu hàng hoá thời gian tới đạt kết quả tốt hơn, DN Hà Nội kiến nghị các cấp chính quyền cần song hành với DN, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, rà soát ban hành và hoàn thiện các cơ chế chính sách hỗ trợ DN trong việc cung cấp thông tin, xây dựng thương hiệu và đẩy mạnh phát triển sản xuất, kinh doanh hàng Việt. Bên cạnh đó, UBND TP đẩy mạnh phát triển hạ tầng thương mại để bảo đảm có các kênh tiêu thụ bền vững.
Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung chỉ đạo: Trong thời gian tới DN cần tích cực tham gia hợp tác sản xuất, kinh doanh, chú trọng đầu tư vào mẫu mã, bao gói sản phẩm, xây dựng phát triển thương hiệu hàng Việt bằng uy tín và chất lượng sản phẩm. Đồng thời DN cần chủ động trong việc đưa hàng hoá đến với người tiêu dùng, trực tiếp tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trước sự tràn lan của hàng giả, hàng xâm phạm sở hữu trí tuệ. Bên cạnh đó, thông qua hoạt động kết nối DN Hà Nội tăng cường phối hợp với DN các tỉnh tiêu thụ sản phẩm có thế mạnh của Hà Nội như điện tử, da giày, dệt may, cơ khí...
DN Hà Nội và các tỉnh trao đổi tìm kiếm bạn hàng tiêu thụ sản phẩm tại hội nghị. |
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cũng đề nghị các địa phương cần đẩy mạnh phối hợp giữa các sở, ngành về thông tin, định hướng cung-cầu, hướng dẫn DN, cơ sở, hộ sản xuất áp dụng các tiêu chuẩn đã được chúng nhận như ISO, VietGAP, GlobalGAP…Đồng thời nhân rộng mô hình liên kết sản xuất tiêu thụ sản phẩm, nghiên cứu đầu tư lĩnh vực chế biến theo hướng nâng cao chất lượng, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Có thể nói hoạt động kết nối cung cầu đã tạo cơ hội cho DN Hà Nội và các tỉnh tiêu thụ sản phẩm qua đó thực hiện sâu rộng cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.
Tại hội nghị sau khi trao đổi thông tin 21 nhà phân phối, bán lẻ Hà Nội đã ký kết biên bản kết nối, tiêu thụ sản phẩm với 265 DN, nhà sản xuất, HTX…các tỉnh, thành bạn. Cụ thể Hà Nội tiêu thụ lượng hàng hóa do các tỉnh, thành trong cả nước sản xuất trong dịp Tết Nguyên đán Đinh Dậu và cả năm 2017 đạt trên 17.000 tỷ đồng. Ở chiều ngược lại các tỉnh, TP tiêu thụ lượng hàng hóa do Hà Nội sản xuất đạt trên 6.500 tỷ đồng.
Tạo điều kiện cho DN trưng bày hàng Việt "Công ty CP trung tâm thương mại V+ đi vào hoạt động từ tháng 1/2015 với mục đích hưởng ứng cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, V+ đã miễn phí 5 tầng sàn trung tâm thương mại cho các DN Việt Nam trưng bày sản phẩm. Qua hội nghị giao thương kết nối cung cầu hàng hóa hôm nay, chúng tôi mong muốn được sự hỗ trợ kết nối từ lãnh đạo các tỉnh thành phố để mang các sản phẩm Việt Nam chất lượng, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm tới tay người tiêu dùng." - Chủ tịch Tập đoàn Hòa Bình Nguyễn Hữu Đường |