Kết nối cung cầu thức đẩy tăng trưởng kinh tế

Đức Toản - Thu Nhung
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Bộ Công Thương (Vụ Thị trường trong nước) phối hợp với Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh tổ chức: “Hội nghị kết nối cung cầu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế” vào sáng ngày 5/10, tại Hà Nội.

 Khai mạc tại chương trình có sự hiện diện của ông Đỗ Thắng Hải – Thứ trưởng Bộ Công Thương và ông Trần Duy Đông – Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương), TS. Võ Trí Thành – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh điều phối và chủ trì chương trình.
Chương trình được tổ chức theo hình thức trực tuyến với gần 63 điểm cầu từ các Sở Công Thương và các Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài, cùng khoảng 4000 người tham gia trực tuyến. Bên cạnh đó, chương trình có sự đồng hành của Tổng Công ty Khí Việt Nam – CTCP; Tập đoàn Dầu khí Việt Nam; Tổng Công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí – CTCP; Công ty Cổ phần Lọc Hóa Dầu Bình Sơn và Công ty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời.

 Thứ Trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải phát biểu tại Hội nghị
 Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước Trần Duy Đông điều phối tại chương trình
 
Phát biểu tại Hội nghị, Ông Trần Thanh Hải – Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu cho biết: do diễn biến phức tạp của đại dịch tại nhiều quốc gia trên thế giới đã làm ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng hàng hóa ở cả chiều cung và cầu. Các doanh nghiệp Việt Nam đang phải đối mặt với những khó khăn đến từ việc cầu tiêu dùng suy giảm cũng như cả vấn đề về nguồn cung nguyên vật liệu bị đứt gãy. Một số ngành công nghiệp chế biến chịu tác động mạnh: ngành dệt may do đứt gãy chuỗi cung ứng nguyên liệu đầu vào, cầu giảm mạnh và xuất khẩu giảm sút nghiêm trọng, đặc biệt là xuất khẩu tới các thị trường chủ lực và truyền thống như Mỹ, EU; ngành da giày với đa số doanh nghiệp sản xuất da và các sản phẩm liên quan bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch COVID-19. Nhờ có một giai đoạn tương đối dài tổ chức sản xuất trong trạng thái bình thường mới, xuất nhâp khẩu của Việt Nam trong năm 2020 vẫn đạt tăng trưởng tích khi kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước vượt sâu mốc 500 tỷ USD, đạt 545,4 tỷ USD, tăng 5,4% so với năm 2019. Trong đó, tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 282,7 tỷ USD, tăng 3,7% và tổng kim ngạch nhập khẩu đạt 262,7 tỷ USD, tăng 3,7% so với năm 2019. Trong bối cảnh đại dịch COVID-19, kim ngạch xuất khẩu vẫn duy trì mức tăng 7% so với năm trước, bằng đúng chỉ tiêu được Quốc hội giao cho Chính phủ trong năm 2020. Điều này đã thể hiện được thành công bước đầu của Việt Nam khi cân bằng giữa việc duy trì hoạt động kinh tế và kiểm soát được sự lây lan của dịch bệnh, Việt Nam cũng được đánh giá là nền kinh tế có sức chống chịu thuộc nhóm tốt nhất khu vực và thế giới về khả năng duy trì tăng trưởng.

 
Đáng chú ý, bà Đặng Thúy Hà, Giám đốc khu vực phía Bắc, Công ty Nghiên cứu thị trường Nielsen Việt Nam cho biết, trong bối cảnh dịch bệnh Covid -19 diễn ra phức tạp thì thương mại điện tử (TMĐT) vẫn là một điểm sáng của bức tranh kinh tế. Đặc biệt, con số tăng trưởng bán lẻ trực tuyến dự đoán năm 2021 là 18% và sẽ còn tăng trong các năm tiếp theo. Cùng với đó, hành vi mua sắm của NTD cũng đã thay đổi khi có tới 66% quan tâm đến việc mua đa kênh. “NTD có thể kiểm tra thông tin từ kênh online, sau đó quay ra các cửa hàng để xem xét, kiểm tra, rồi lại quay lại online… Giỏ hàng của NTD giờ đây cũng không còn chỉ là các sản phẩm công nghệ, thời trang mà chủ yếu là hàng tiêu dùng nhanh, đặc biệt là thực phẩm bán online lên ngôi” – bà Hà chia sẻ. Sở dĩ, hành vi của NTD thay đổi, theo chuyên gia này là vì họ đã bắt đầu tính toán đến những rủi ro tiềm ẩn, kéo dài của đại dịch, từ đó thắt chặt chi tiêu. Trước sự thay đổi ấy, doanh nghiêp cần làm gì để hàng đa kênh thành công? Theo bà Hà, DN cần thấy được, NTD cần những thao tác đơn giản, nhanh hơn, thanh toán tiện lợi hơn, và từ đó thay đổi chiến lược kinh doanh, xây dựng kế hoạch cho các nền tảng online và “số hóa” năng lực của nhân sự.