Kết nối để Hà Nội có nhiều nông sản sạch

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Vấn đề ATTP đang được người dân Thủ đô và cả nước quan tâm. Với mục đích đó, hàng loạt chương trình kết nối, xúc tiến thương mại (XTTM) giữa Hà Nội với các tỉnh, TP đã được thực hiện nhằm đưa sản phẩm nông sản đảm bảo chất lượng về Thủ đô cho người tiêu dùng (NTD).

Thị trường tiềm năng

Nhiều năm kinh doanh trong lĩnh vực tiêu thụ nông sản cho người dân, ông Phạm Văn Dũng – Giám đốc HTX Nông nghiệp sản xuất và kinh doanh dịch vụ tổng hợp Hồng Xuân (Lục Ngạn, Bắc Giang) cho rằng: "Thông qua các cuộc XTTM, nhiều DN có cơ hội gặp gỡ, thấy được nhu cầu của khách hàng để cùng bắt tay tạo ra chuỗi liên kết tiêu thụ nông sản. Tôi đánh giá thị trường Hà Nội rất tiềm năng, với nhiều chợ đầu mối để DN có thể cung cấp sản phẩm chất lượng, đảm bảo ATTP và đó cũng là cách kích cầu được tiêu dùng".
Lãnh đạo Sở Công Thương Hà Nội trao đổi với các doanh nghiệp về tiêu thụ nông sản tại một Hội nghị xúc tiến thương mại ở Hà Nội. Ảnh: Khắc Kiên
Lãnh đạo Sở Công Thương Hà Nội trao đổi với các doanh nghiệp về tiêu thụ nông sản tại một Hội nghị xúc tiến thương mại ở Hà Nội. Ảnh: Khắc Kiên
Trong khi đó, theo ông Phan Văn Hùng - Phó Giám đốc Sở Công Thương Bắc Giang, với vai trò chức năng của mình, Sở đã đẩy mạnh kết nối cung - cầu giữa các DN, từ chuỗi sản xuất đến tiêu thụ các sản phẩm nông sản với các tỉnh, TP trong đó thị trường Hà Nội có nhu cầu rất lớn về tiêu thụ nông sản. Vì vậy, Bắc Giang sẽ phối hợp với Sở Công Thương Hà Nội, Tổng Công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) tổ chức tuần lễ vải thiều tại Hà Nội, đưa các sản phẩm đặc sản vùng miền như cam, na, hồng… đến các siêu thị, điểm kinh doanh với mục đích để NTD Thủ đô có được sản phẩm an toàn, chất lượng. “Trước khi đưa ra thị trường, các mô hình từ sản xuất đến tiêu thụ sẽ đảm bảo chất lượng. Lúc đó, người nông dân tin tưởng vào khâu đầu tư vì đầu ra có DN bảo trợ tiêu thụ ổn định, NTD thì không phải lo ngại khi sử dụng sản phẩm không an toàn” – ông Hùng khẳng định.

Tạo điều kiện để tiêu thụ nông sản sạch

Với mục đích tìm hiểu thị trường, liên kết, hợp tác nhằm đưa nông sản thực phẩm an toàn về cung cấp cho thị trường Thủ đô, Trung tâm XTTM nông nghiệp Hà Nội (Sở NN&PTNT) mới đây cũng đã làm việc với Sở NN&PTNT Thái Nguyên, Bắc Kạn… Trong khi Thái Nguyên có tiềm năng, thế mạnh, sản phẩm đặc trưng của mình như chè Tân Cương, nấm, cây ăn quả, thủy sản, những vùng rau, quả...., thì Bắc Kạn lại có nhiều sản phẩm nông nghiệp đặc sản, chất lượng cao như cây cam, quýt diện tích 2.400ha, cây hồng 1.000ha, gạo Bao thai với diện tích hàng hóa 3.000ha, vùng chè 3.000ha… được sản xuất theo hướng an toàn cung cấp cho thị trường Hà Nội. Tuy nhiên, cả hai tỉnh này đều đang gặp khó khăn do đầu ra phụ thuộc vào thương lái và giá cả không ổn định. Chính vì vậy, các DN đều mong Hà Nội tạo điều kiện có nhiều điểm cung cấp, giới thiệu các sản phẩm nông sản để kích cầu tiêu dùng, nhất là NTD Thủ đô được sử dụng sản phẩm sạch.

Đưa ra quan điểm về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Chí – Giám đốc Trung tâm XTTM nông nghiệp Hà Nội cho biết, nhu cầu tiêu dùng thực phẩm sạch của Hà Nội rất lớn nên sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi đưa nông sản an toàn về TP tiêu thụ. Tuy nhiên, DN, cơ sở sản xuất nông sản thực phẩm cần quan tâm tới vấn đề đảm bảo chất lượng sản phẩm theo quy trình, có kiểm tra, giám sát ATTP, nhất là vấn đề sử dụng chất cấm trong chăn nuôi để đáp ứng yêu cầu. “Sắp tới, Sở NN&PTNT Hà Nội sẽ tổ chức các Tuần lễ nông sản an toàn của các vùng miền để giới thiệu tới NTD Thủ đô. Đây là cơ hội để tiêu thụ sản phẩm cho các tỉnh, TP, nhưng cũng quan trọng để người dân biết đến địa chỉ sạch về nông sản khi chọn mua” – ông Chí nhận định.

Rõ ràng, những hoạt động xúc tiến, liên kết giữa Hà Nội với các tỉnh đưa nông sản chất lượng, an toàn về Thủ đô tiêu thụ đang mở ra những cơ hội cho các DN và NTD, qua đó kích cầu tiêu dùng.