Kết nối du lịch và điện ảnh muộn còn hơn không

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đã biết và đã tiếc vì bỏ lỡ nhiều cơ hội làm du lịch (DL) thông qua điện ảnh – “động tác” có thể mang lại nguồn lợi khổng lồ cho ngành công nghiệp không khói, song các chuyên gia cho rằng: Thà muộn còn hơn không!

Và ở thời điểm này, dù còn nhiều rào cản phía trước, song người làm DL và điện ảnh đã nghĩ tới những ngả đường để kết nối DL với điện ảnh.

Lợi ích nhìn thấy

Thực tế cho thấy, việc quảng bá DL thông qua điện ảnh đã giúp nhiều quốc gia hái được trái ngọt. Rõ nét nhất là Hàn Quốc. Sau 10 năm chí thú cho mục tiêu “biến” điện ảnh thành ngành công nghiệp giải trí số 1, xứ sở Kim chi đã tạo được hiệu ứng “Xem phim Hàn, dùng đồ Hàn, đi DL Hàn” ở nhiều quốc gia khác. Rồi cũng nhờ quảng bá DL qua phim, một năm Thái Lan thu gần 10 tỷ USD từ DL; nhờ các “siêu phẩm” điện ảnh, Ấn Độ, New Zealand, Campuchia, Pháp... kiếm được bạc tỷ cho DL.
Hang Én, Quảng Bình .
Hang Én, Quảng Bình .
Nhớ lại những năm 1990, sau khi hình ảnh Việt Nam được giới thiệu qua các phim “Đông Dương”, “Người tình” của điện ảnh Pháp, khách quốc tế nườm nượp tìm đến vịnh Hạ Long, Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, bẵng đi một thời gian dài, mãi đến gần đây, cảnh Peter Pan tiến vào Hang Én, Tiger Lily ngồi trước vịnh Hạ Long trong làn mây kỳ ảo, hay cánh đồng lúa xanh bát ngát xen lẫn những dãy núi đá vôi ở Ninh Bình trong “Pan và vùng đất Neverland” lại hối thúc giới trẻ “xách ba lô lên và đi”. Rồi sự bùng nổ trào lưu du ngoạn theo phim “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” của Victor Vũ, những người làm DL, điện ảnh đã tiếc lại càng thêm tiếc. Tiếc cơ hội quảng bá DL Việt qua phim nước ngoài, và tiếc cả cơ hội quảng bá DL Việt thông qua điện ảnh Việt. 

Tiếc là phải, bởi không chỉ là “bà mối mát tay” cho DL với khán giả, quảng bá DL qua phim còn giúp các DN lữ hành mở tour “mục sở thị”. Ví như tour trọn gói “Hoa vàng cỏ xanh” ăn theo phim “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” khiến những người kinh doanh DL ở Phú Yên hoạt động hết công suất... Chẳng những thế, khi có đoàn làm phim đến quay tại Việt Nam, chúng ta cũng thu được nguồn lợi không nhỏ. Ví như đoàn phim “Pan và vùng đất Neverland” đã đưa khoảng 150 người tới Việt Nam để thực hiện cảnh quay tại 3 địa phương. Ngoài yếu tố về quảng bá thương hiệu DL quốc gia, đây có thể coi là một đoàn khách DL dạng MICE (DL hội nghị, hội thảo), đóng góp trực tiếp cho địa phương.

“Lỡ” nhiều cơ hội
Thời gian tới, Tổng cục DL sẽ phối hợp với Cục Điện ảnh lựa chọn những hình ảnh tiêu biểu của các điểm đến làm dữ liệu nhằm giới thiệu đến các đoàn làm phim khi họ có ý tưởng. Liên hoan phim Ấn Độ tại Việt Nam cuối năm sẽ có sự góp mặt của nhiều nhà làm phim và đạo diễn nổi tiếng. Nhân cơ hội này, Tổng cục kết hợp mời họ đi khảo sát một số địa điểm nổi tiếng trong nước. Đây là hoạt động nằm trong chương trình thỏa thuận của Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ. Tổng cục DL rất hoan nghênh các đoàn làm phim đến quay tại Việt Nam và cho rằng đây là cơ hội tốt cần tận dụng. Tháng 12 cũng là thời điểm đoàn làm phim “King Kong” dự kiến thực hiện các cảnh quay tại Sơn Đoòng, Hang Én của Quảng Bình. Nếu tỉnh Quảng Bình hay đoàn làm phim có yêu cầu gì, Tổng cục sẽ hỗ trợ hết sức mình.
Ông Nguyễn Văn Tuấn - Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch

Quảng bá DL qua điện ảnh mang lại lợi ích kép là thế, nhưng chúng ta lại bỏ lỡ quá nhiều cơ hội. Gần đây nhất, trong các tài liệu quảng bá chính thức cho phim “Pan và vùng đất Neverland” không hề nhắc đến hai chữ “Việt Nam”. Điều này một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh về sự yếu kém lẫn sự thờ ơ trong việc truyền thông “hậu” cảnh quay. Giá như chúng ta quảng bá thông tin này rộng khắp trên các phương tiện truyền thông, website, hệ thống mạng xã hội, hội chợ DL quốc tế… như nhiều nước vẫn làm thì vịnh Hạ Long, quần thể danh thắng Tràng An, Hang Én nói riêng, Việt Nam nói chung đã được dịp bận rộn đón khách. Còn nhớ năm 1994, chúng ta đã từng bỏ lỡ cơ hội khi không cấp phép cho bộ phim đoạt 3 giải Oscar “Trời và đất” của đạo diễn Oliver Stone. Thế là, câu chuyện của Việt Nam đã được quay hoàn toàn tại Thái Lan. Sau đó, chúng ta lại tiếp tục dành cơ hội cho xứ sở Chùa vàng khi không để nhà sản xuất phim “Điệp viên 007” thực hiện trường đoạn hấp dẫn nhất của tập phim “Ngày mai không tàn lụi” tại vịnh Hạ Long. Đấy là chưa kể có hàng trăm phim đề tài chiến tranh Việt Nam được Hollywood khai thác, nhưng không một bộ phim nào trong số này được quay tại mảnh đất hình chữ S.

Điều này được Phó Cục trưởng Cục Điện ảnh Việt Nam Đỗ Duy Anh lý giải: “Trường hợp các phim nói về Việt Nam nhưng quay ở Thái Lan hoặc Campuchia là do chúng ta chưa có chính sách ưu đãi cho đoàn làm phim nước ngoài vào quay ở Việt Nam; nguồn nhân lực phục vụ kém về trình độ ngoại ngữ và kinh nghiệm; khoa học công nghệ và cơ sở vật chất của ta còn yếu kém…”. Cả lãnh đạo Tổng cục DL và Cục Điện ảnh đều thẳng thắn thừa nhận, thời gian qua, Việt Nam đã bỏ lỡ một số cơ hội quảng bá DL qua điện ảnh.

Cần chiến lược dài hơi

Để sửa lỗi muộn màng này, hiện nay, Tổng cục DL và Cục Điện ảnh đang rốt ráo bắt tay với các đơn vị, DN thực hiện các sản phẩm nhằm quảng bá DL qua nhiều kênh trong nước và quốc tế. Cụ thể, trong năm nay, Cục Điện ảnh sẽ đặt hàng các tác giả trong nước làm phim tài liệu dài chừng 10 - 12 phút để chiếu ở các hội nghị, liên hoan phim quốc tế. Các phim sẽ gắn với sản phẩm DL cụ thể như DL homestay, DL sinh thái, DL biển, hay các làng nghề truyền thống… Vừa qua, Bộ Ngoại giao cũng đã ra mắt clip quảng bá về Việt Nam mang tên “Welcome to Viet Nam” với 9 thứ tiếng, dài hơn 7 phút, với nhiều địa danh, di tích lịch sử, văn hóa ở các tỉnh, thành trên cả nước.

Ông Anh cũng khẳng định, quan hệ giữa điện ảnh và DL là quan hệ gắn bó và có tác động qua lại lẫn nhau. Đây là xu hướng chung của thế giới và Việt Nam cũng đã nhận thức được điều đó. Thế nên thời gian tới, Tổng cục DL và Cục Điện ảnh sẽ bắt tay thực hiện nhiều việc: Thứ nhất, tổ chức quảng bá hình ảnh, chính sách, đất nước, con người, văn hóa Việt Nam thông qua các sự kiện điện ảnh và DL quốc tế. Thứ hai, tăng cường phối hợp với các đơn vị điện ảnh, DL quốc tế để phối hợp thực hiện các dự án làm phim tại Việt Nam. Thứ ba, tham mưu cho Bộ VHTT&DL ban hành chính sách ưu đãi cho các đoàn làm phim nước ngoài đến quay tại Việt Nam về thuế, lệ phí bối cảnh quay, visa… "Thủ tục cho các nhà làm phim nước ngoài vào Việt Nam quay rất thông thoáng, đơn giản. Họ chỉ cần có một kịch bản văn học, đơn xin phép, sau 30 ngày, chúng tôi đã có thể cung cấp giấy phép" - ông Anh cho biết.

Tuy nhiên, đây mới chỉ là bước đi khởi đầu, muốn tận dụng lợi thế quảng bá DL qua môn nghệ thuật thứ 7 cần có chiến lược bài bản, lâu dài với lộ trình, bước đi cụ thể. Có như vậy, chúng ta mới dọn được đường cho các nhà làm phim nước ngoài đến Việt Nam.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần