Kết nối du lịch với làng nghề truyền thống

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Trước thực trạng nghề truyền thống đang bị mai một, hoạt động giới thiệu nghề truyền thống nhằm gợi lại những nét văn hóa nghề xưa của những con phố mang tên Hàng trong khu phố cổ của Ban Quản lý phố cổ Hà Nội càng thêm ý nghĩa. Và đây cũng thêm một lần động viên, khích lệ nghệ nhân yêu nghề.

Tôn vinh nghề trong phố

Kéo dài trong hơn một tháng (từ 26/7 đến 30/8), song ngay buổi khai mạc (chiều tối 26/7), hoạt động giới thiệu nghề truyền thống đã thu hút rất đông khách đến tham quan. Nhiều người khâm phục đôi bàn tay khéo léo của các nghệ nhân khi thoăn thoắt đan những chiếc giỏ, chiếc quạt tre. Ông Phạm Tuấn Long - Phó Trưởng ban thường trực Ban Quản lý phố cổ Hà Nội cho biết: Đây là dịp để quảng bá sản phẩm của các nghệ nhân, giới thiệu cho du khách biết nhiều hơn về nghề thủ công ở Hà Nội, đặc biệt là sự hữu dụng của các sản phẩm này trong thời kỳ kinh tế đất nước còn khó khăn.
 
 
Kết nối du lịch với làng nghề truyền thống - Ảnh 1
 
Du khách xem sản phẩm của làng nghề truyền thống.   Ảnh: Trúc Thủy

Nói về hiệu quả của việc trưng bày và trình diễn quá trình sản xuất các sản phẩm này, ông Phạm Tuấn Long cho biết thêm: Hoạt động này nên được nhân rộng để khách du lịch nước ngoài có dịp tìm hiểu về nghề thủ công truyền thống của phố cổ Hà Nội. Và đặc biệt, tạo điều kiện để các sản phẩm làng nghề trở thành thương hiệu sản phẩm hướng đến phát triển du lịch làng nghề truyền thống trong thời gian tới.

Mong một trung tâm giới thiệu nghề truyền thống

Cùng tham gia hoạt động lần này, nghệ nhân Nguyễn Văn Trung, người hơn 40 năm gắn bó với mây tre đan Phú Vinh, hồ hởi cho biết: "Tôi mang đến những đồ lưu niệm, những vật dụng thiết yếu trong đời sống hàng ngày… được làm từ kỹ thuật đơn giản đến nghệ thuật cao. Hoạt động là nguồn động viên lớn đối với các nghệ nhân chúng tôi để giữ nghề và phát huy nghề truyền thống của quê hương".

Theo ông Trung, hiện nay 75% sản phẩm mây tre đan Phú Vinh xuất khẩu ra nước ngoài và 25% cho nội địa. Tuy nhiên, việc xuất khẩu còn khó khăn, một mặt do suy thoái kinh tế, một mặt do các làng nghề thiếu thông tin, mẫu mã thiết kế chưa phù hợp với yêu cầu khách hàng. Vì vậy, người làm nghề Phú Vinh hy vọng sẽ có nhiều dịp được trưng bày giới thiệu sản phẩm tại phố cổ, để khách du lịch biết đến làng nghề nhiều hơn.

Chủ nhiệm Câu lạc bộ Nghệ nhân văn hóa dân gian Hà Nội Trần Văn Vinh bày tỏ, các nghệ nhân mong muốn tại Thủ đô có một trung tâm văn hóa trưng bày sản phẩm của các nghệ nhân làng nghề để thu hút được khách du lịch đến Hà Nội. Tại làng nghề mây tre đan Phú Vinh, làng nghề sản xuất chăn ga gối đệm Trát Cầu… nên có khu đất để các nghệ nhân trong làng trưng bày và trình diễn sản phẩm. Đó sẽ trở thành "điểm đến" của các tour du lịch, giúp thời gian lưu trú của khách nhiều lên, đồng thời tạo thêm thu nhập cho người dân làng nghề.