Kết nối những sáng kiến trẻ

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nhìn nhận những công trình đoạt giải “Sáng kiến vì cộng đồng” mới đây, các chuyên gia đều khẳng định mang đến lợi ích thực tiễn.

11 sáng kiến đạt giải thực sự là những công trình mang tính khả thi cao khi áp dụng vào thực tiễn, vì đều tập trung vào những vấn đề của đời sống. Công trình “Nguồn sáng an toàn, văn minh, tiết kiệm vì xã hội an sinh” của Đoàn Thanh niên Tổng Công ty Điện lực TP Hồ Chí Minh là một điển hình. Với phương châm “Lấy chuyên môn làm tình nguyện, lấy chuyên môn phục vụ cộng đồng”, từ năm 2009 đến nay, mỗi tháng một lần vào cuối tuần, hàng trăm bạn trẻ lại đến các hộ gia đình nghèo và chính sách có hệ thống điện lắp đặt không đúng quy cách trợ giúp đi mới lại đường điện bằng thiết bị tiêu chuẩn, an toàn, tiết kiệm. Đã có khoảng 6.000 hộ dân được sửa chữa đường điện, giá trị tính ra hơn 3,7 tỷ đồng. 

Nhiều người nghĩ, học sinh phổ thông nghiên cứu khoa học chỉ để làm quen và hình thành khái niệm. Song "Nghiên cứu sử dụng dịch chiết một số loại thực vật trong phòng trừ sâu đục quả trên đậu cove" của Đoàn trường THPT Võ Nhai (Thái Nguyên) đã khẳng định điều ngược lại. Thực tế khảo sát các vườn rau ở Thái Nguyên cho thấy, không ít hộ gia đình sử dụng thuốc bảo vệ thực vật ngoài danh mục cho phép, phun với nồng độ cao, không đảm bảo thời gian cách ly. Vậy là nhóm 5 học sinh đã sử dụng hạt na - loại cây có sẵn ở địa phương, tạo ra loại thuốc sâu sinh học thân thiện với môi trường và hiệu quả với cây trồng. Sáng kiến này đã được gửi đến Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) để nhận hỗ trợ kỹ thuật triển khai nhân rộng. Bộ KH&ĐT cũng vừa thông báo sẽ tài trợ kinh phí để triển khai trên đậu cove tại huyện Võ Nhai. Hay với mong muốn xây dựng tình yêu gắn với bảo vệ chủ quyền biển, đảo quốc gia, nhóm giáo viên Sử - Địa, trường THCS Lý Thường Kiệt (TP Đà Nẵng) hình thành ý tưởng "Teen yêu biển đảo". Nhóm sử dụng các chương trình hợp tác quốc tế trong trường học để quảng bá chủ quyền hợp pháp về biển đảo của Việt Nam đến các công dân trẻ trên thế giới. Cô Trần Thị Vĩnh Hải - giáo viên trường THCS Lý Thường Kiệt còn mong muốn “chương trình này được lồng ghép trong nội dung môn Sử, Địa, mà không tốn nhiều chi phí và có thể triển khai ở các trường cấp THCS và THPT trong cả nước”...

Lợi ích đã nhìn thấy, song những sáng kiến này chỉ có thể được nhân rộng và phát huy tác dụng khi có những cơ chế, chính sách hỗ trợ.