Kết nối thông tin xuất nhập khẩu vẫn "ngốn" chi phí doanh nghiệp

Phương Nga
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Việc chia sẻ thông tin xuất nhập khẩu theo cơ chế một cửa quốc gia được kỳ vọng sẽ thúc đẩy kết nối các thủ tục hành chính cho DN. Tuy nhiên, Dự thảo của Nghị định mới ban hành vẫn còn nhiều quy định chồng lấn, chưa "thông" như kỳ vọng.

Nhiều quy định chồng lấn

Hiện nay, việc kết nối, chia sẻ thông tin trong lĩnh vực xuất nhập khẩu, xuất nhập cảnh còn mang tính “cát cứ”, tồn tại nhiều bất cập, như: Thông tin manh mún, trì hoãn kết nối, thông tin vừa trùng lặp, lại vừa thiếu... Điều này làm ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng, thời lượng thực hiện thủ tục hành chính và ra quyết định quản lý, ảnh hưởng trực tiếp đến chương trình phát triển Chính phủ điện tử.

Vì vậy, việc xây dựng Nghị định của Chính phủ về kết nối và chia sẻ thông tin giữa các cơ quan Chính phủ với các bên liên quan, thông qua cơ chế một cửa quốc gia để phục vụ công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực xuất nhập khẩu, quá cảnh hàng hóa là rất cần thiết.

Chuyên gia Dự án tạo thuận lợi trong thương mại tự do USAID tài trợ Vũ Ngọc Anh đánh giá, việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật cấp Nghị định tạo cơ sở pháp lý cho việc kết nối, chia sẻ thông tin, dữ liệu là cần thiết, nhằm thúc đẩy đồng bộ, hiệu quả, minh bạch, tránh manh mún, trì hoãn kết nối, chia sẻ thông tin, dữ liệu giữa các Bộ, ngành liên quan. Lần đầu tiên có một văn bản đủ mạnh để xử lý tồn tại lâu nay trong việc kết nối các thủ tục, thông tin, nhất là trên lĩnh vực xuất nhập khẩu.

Xuất khẩu gạo (ảnh minh họa)
Xuất khẩu gạo (ảnh minh họa)

Theo ông Vũ Ngọc Anh, Nghị định này bổ sung cho các nội dung tại Nghị định 85/2019/NĐ-CP quy định về việc thực hiện thủ tục hành chính đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh; phương tiện vận tải xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh, cơ chế một cửa ASEAN; kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh; quản lý, vận hành, trao đổi, chia sẻ dữ liệu thông qua Cổng thông tin một cửa quốc gia.

“So với Nghị định 85, mục đích của việc chia sẻ, cung cấp thông tin trong dự thảo Nghị định lần này rộng hơn rất nhiều. Bên cạnh các thông tin phục vụ giải quyết thủ tục hành chính, dự thảo còn xác định rõ thông tin phục vụ quản lý Nhà nước và thông tin phục vụ công tác thực thi pháp luật tại biên giới” - ông Vũ Ngọc Anh nhấn mạnh.

Tuy nhiên, vị chuyên gia này cũng băn khoăn về giá trị pháp lý của thông tin được chia sẻ qua Cổng thông tin một cửa quốc gia, Nghị định 85 đã quy định khá chi tiết. Vậy các nội dung quy định trong lĩnh vực này tại Dự thảo có chồng chéo hay mâu thuẫn không, có cần thiết không hay chỉ cần dẫn chiếu và tránh quy định bổ sung?

Chỉ ra những bất cập trong dự thảo, Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Phạm Tấn Công cho biết: Theo dự thảo, các loại thông tin mà VCCI phải cung cấp, chia sẻ là danh sách DN và hàng hóa xin cấp C/O Việt Nam (giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa) để xuất khẩu đi các nước; danh sách DN bị thu hồi C/O.

Tuy nhiên, quy định trên chồng lấn về việc chuyển dữ liệu thông tin. Bởi theo yêu cầu quản lý, VCCI phải chuyển dữ liệu tới Bộ Công Thương - cơ quan quản lý về việc cấp C/O.

Mặt khác, dự thảo cũng không quy định rõ, thông tin về việc cấp C/O mà Bộ Công Thương chia sẻ là những thông tin C/O được cấp bởi Bộ Công Thương hay là tất cả các thông tin.

“Nếu thực hiện theo đúng tinh thần của dự thảo, sẽ có trường hợp cùng một thông tin nhưng cả Bộ Công Thương và VCCI đều chia sẻ qua Cổng thông tin một cửa quốc gia. Điều này sẽ là lãng phí về nguồn lực” - ông Phạm Tấn Công chỉ ra.

Thông tin chia sẻ nên tập trung một đầu mối

Để thông tin chia sẻ không bị chồng lấn, ông Phạm Tấn Công cho rằng, việc chia sẻ thông tin qua Cổng thông tin một cửa quốc gia nên tập trung vào một đầu mối là Bộ chủ quản sẽ phù hợp và giải quyết được những hạn chế nêu ở trên. Còn VCCI sẽ chịu trách nhiệm đối với Bộ Công Thương về việc chuyển dữ liệu thông tin về Bộ quản lý.

Vì vậy, VCCI bảo lưu ý kiến góp ý trên, tức là bỏ khoản 18 Điều 9 Dự thảo và bổ sung nội dung tại Phụ lục II Danh mục thông tin của Bộ Công Thương kết nối, chia sẻ qua Cổng thông tin một cửa quốc qua theo hướng cụ thể hơn: “Thông tin lô hàng/DN được cấp C/O Việt Nam xuất khẩu đi các nước (bao gồm C/O cấp bởi các cơ quan, tổ chức được ủy quyền cấp)”.  Đồng thời, sửa tương ứng với thông tin lô hàng, DN bị thu hồi C/O.

 

Cổng thông tin một cửa quốc gia đều được xây dựng trên cơ sở kết nối với các hệ thống của các cơ quan chính phủ và với cộng đồng thương mại, vận tải; hướng đến tạo thuận lợi tối đa trong chia sẻ thông tin giữa các bên liên quan bằng phương thức điện tử; thiết lập cơ sở dữ liệu tập trung nhằm giảm sự trùng lắp dữ liệu và những kết nối phải thực hiện khi gửi thông tin một cách riêng rẽ tới các cơ quan liên quan.

Đại diện VCCI cũng góp ý thêm về yêu cầu nhiều tổ chức, DN liên quan đến lĩnh vực chia sẻ, kết nối dữ liệu thông tin qua Cổng thông tin một cửa quốc gia (ví dụ DN cung cấp dịch vụ logistic phải cung cấp thông tin số lượng DN thuê thực hiện thủ tục hải quan; thông tin về bảo hiểm vận tải quốc tế, DN phải cung cấp tuyến đường mua bảo hiểm…) cần đánh giá tác động một cách kỹ càng để đảm bảo tính khả thi và không gia tăng chi phí cho DN.

Trường hợp vẫn giữ quy định yêu cầu chia sẻ, kết nối thông tin từ VCCI, các DN, hiệp hội, VCCI đề nghị ban soạn thảo kiến nghị sửa đổi quy định tại Nghị định 47/2020/NĐ-CP về việc bảo đảm kinh phí cho các chủ thể này kết nối, chia sẻ dữ liệu.

Đối với quy định không có tính đặc thù, VCCI đề nghị bỏ quy định tại Điều 18 dự thảo về xử lý sự cố, vì quy định này không mới, chi tiết hơn quy định tại Nghị định 85/2019/NĐ-CP và nội dung quy định này chỉ là dẫn chiếu tới quy định tại Nghị định 85/2019/NĐ-CP.

Về việc cung cấp và chia sẻ thông tin, ông Vũ Ngọc Anh cho biết: Có 2 loại thông tin khác nhau được cung cấp và chia sẻ là thông tin liên quan đến giải quyết thủ tục hành chính và thông tin liên quan đến quản lý Nhà nước. Hai loại thông tin này phải được cung cấp và chia sẻ theo cách thức riêng, định rạng riêng.