Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Kết nối tiêu thụ sản phẩm nông sản sạch của Sơn La tại Hà Nội

Anh Quý
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 7/10, UBND TP Hà Nội và UBND tỉnh Sơn La tổ chức hội nghị hợp tác kết nối tiêu thụ sản phẩm nông sản tỉnh Sơn La tại Hà Nội.

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Doãn Toản và Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La Nguyễn Quốc Khánh, chủ trì hội nghị.
Tại hội nghị, hai bên khẳng định, thực hiện Thông báo số 861-TB/TU ngày 28/11/2014 của Thường vụ Thành ủy Hà Nội và Thường vụ Tỉnh ủy Sơn La về quan hệ hợp tác giữa hai địa phương, TP Hà Nội đã triển khai hầu hết các nội dung hợp tác.

Trong đó, đã triển khai 4 chương trình hợp tác liên kết xúc tiến thương mại và bán hàng của các DN Hà Nội tại các tỉnh, TP, đã đưa hàng hóa, giới thiệu, tiêu thu tại các huyện Mộc Châu, Mai Sơn của Sơn La…
Lãnh đạo tỉnh Sơn La tặng sản phẩm tượng trưng địa phương cho TP Hà Nội.
Các DN của Hà Nội cũng tích cực hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm có lợi thế của Sơn La. Như Tổng Cty thương mại Hà Nội (Hapro) hỗ trợ tiêu thụ quả Sơn Trà (táo mèo) làm nguyên liệu sản xuất rượu vào dịp cuối năm với giá trị giao dịch khoảng 200 - 300 triệu đồng/năm; thu mua chè xanh, chè đen của HTX nông nghiệp Hà Anh với giá trị giao dịch khoảng 1 tỷ đồng.
Đặc biệt, Cty CP sản xuất và thương mại An Việt chủ trương, xây dựng địa điểm trung chuyển, sơ chế nông sản thực phẩm tại phường Trung Văn, quận Nam Từ Liêm để tiêu thụ nông sản Sơn La tại Hà Nội.

Mới đây (từ 24 đến 29/8/2016), Sở Công Thương Hà Nội đưa các sản phẩm đặc trưng rau quả của Sơn La giới thiệu thí điểm bán tại quận Thanh Xuân), tiêu thụ rất tốt. Tuy nhiên, các ý kiến tại hội cho rằng, so với mức tiêu của thị trường Hà Nội thì sản lượng nông sản của Sơn La là rất thấp. Nguyên nhân do hàng hóa Sơn La bao bì sơ sài, không nhãn hiệu, tự phát tiêu thụ…, không đưa được vào siêu thị tiêu thụ chính thống, mà thu gom tự phát.

Đồng tình điều này, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Sơn La Nguyễn Huy Nhượng cho biết, mỗi ngày ở Sơn La xuất hàng 100 tấn bí quả (giống bí Hàn Quốc trồng ở Sơn La) đi tiêu thụ. Đến Hà Nội, thấy một số siêu thị bán loại bí này, giá 19,3 nghìn đồng/kg, nhưng ở Sơn La bà con bán tại vườn chỉ 3.000 đồng - 3.500 đồng/kg. Từ những điều này, ông Nhượng mong muốn, Hà Nội giúp Sơn La xây dựng một chợ đầu mối...

Theo Phó Chủ tịch TP Hà Nội Nguyễn Doãn Toản, việc xây dựng chợ đầu mối không khó, nhưng duy trì chợ hoạt động mới khó. Phó Chủ tịch TP Hà Nội khẳng định, những sản phẩm đặc trưng của Sơn La chắc chắn tiêu thụ tốt tại thị trường Hà Nội. Nhưng để tiêu thụ được hàng hóa phải tuân thủ các quy định của thị trường.

“Tới đây, TP Hà Nội nhập về 5 máy kiểm tra chất lượng ATTP. Nếu hàng hóa Sơn La cứ tiêu thụ trôi nổi như hiện nay thì khó vào được thị trường Hà Nội", Phó Chủ tịch TP Hà Nội Nguyễn Doãn Toản chia sẻ.
 Ký kết hợp tác giữa TP Hà Nội với tỉnh Sơn La.
Tại hội nghị, lãnh đạo TP Hà Nội và tỉnh Sơn La đã ký biên bản ghi nhớ hợp tác, về kết nối, tiêu thụ nông sản thực phẩm Sơn La.
Theo đó, TP Hà Nội sẽ đẩy mạnh phối hợp giữa các sở, ngành của 2 tỉnh, TP về thông tin, định hướng cung - cầu; hướng dẫn DN, cơ sở, hộ sản xuất nông nghiệp áp dụng các tiêu chuẩn đã được chứng nhận như ISO, VietGAP, GlobalGAP; nhân rộng mô hình liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, nghiên cứu đầu tư lĩnh vực chế biến nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, VSATTP; Xây dựng thương hiệu, chỉ dẫn địa lý, cải tiến mẫu mã, bao bì sản phẩm, định hướng nội dung tuyên truyền cho sản phẩm nông sản để cung cấp tới các đơn vị phân phối, người tiêu dùng thuận tiện trong việc nhận biết, yên tâm sử dụng.

Tiếp tục hỗ trợ tỉnh Sơn La trong việc tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp hàng hóa. Kết nối, đưa các sản phẩm của Sơn La vào các hệ thống siêu thị, chợ đầu mối, chợ truyền thống, DN tiêu thụ nông, thủy sản. Phối hợp và tạo điều kiện cho Sơn La tổ chức các chương trình, hội nghị kết nối cung cầu. Đồng thời, thông tin về các chương trình hội chợ, hội thảo trên địa bàn TP, mời các đơn vị tỉnh Sơn La tham gia kết nối, trưng bày, quảng bá sản phẩm.