Kết quả khảo sát lớp 11, 12 của Hà Nội thấp hơn năm trước
Kinhtedothi – Kết quả khảo sát lớp 11, 12 của học sinh toàn TP Hà Nội năm học 2024 – 2025 thấp hơn năm học trước. Với lớp 12, số bài đạt điểm tuyệt đối ít; tỷ lệ bài thi đạt điểm dưới trung bình chiếm gần 32%.
Gần 32% bài khảo sát lớp 12 có điểm dưới trung bình
Kỳ kiểm tra khảo sát chất lượng lớp 11, 12 của toàn TP Hà Nội năm học 2024 - 2025 được diễn ra từ ngày 20 - 23/3/2025. Đối tượng tham gia khảo sát là học sinh lớp 11, 12 năm học 2024 - 2025 đang học tập tại các trường THPT (công lập, tư thục), trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên các quận, huyện, thị xã trên địa bàn TP.

Học sinh lớp 11 khảo sát 2 môn toán và ngữ văn; còn học sinh lớp 12 khảo sát 2 môn bắt buộc là toán, ngữ văn và 2 môn tự chọn từ các môn trong chương trình lớp 12.
Số liệu của Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết: với lớp 11 có gần 120.000 học sinh tham gia khảo sát (chiếm tỷ lệ 98,8%); với lớp 12, số lượt thí sinh làm bài kiểm tra là gần 465.000 (chiếm tỷ lệ 98,54%).
Học sinh lớp 11 khảo sát 2 môn toán và ngữ văn; còn học sinh lớp 12 khảo sát 2 môn bắt buộc là toán, ngữ văn và 2 môn tự chọn do học sinh đăng ký (trong các môn: vật lý, hóa học, sinh học, lịch sử, địa lý, tin học, giáo dục kinh tế & pháp luật, công nghệ, tiếng Anh). Mọi công tác tổ chức khảo sát như: in sao đề, giao đề, tổ chức kiểm tra, chấm bài… đều được thực hiện theo quy định.
Đề kiểm tra khảo sát là đề chung do Sở GD&ĐT Hà Nội xây dựng. Về hình thức, đề đảm bảo quy định về cấu trúc định dạng đề thi của kỳ thi tốt THPT từ năm 2025. Ma trận và cấu trúc đề thi bám sát đề tham khảo của Bộ GD&ĐT với 3 mức độ: nhận biết (40%), thông hiểu (30%), vận dụng (30%); đảm bảo các yêu cầu cần đạt và phân hoá năng lực theo yêu cầu. Nội dung đề thi có tính chính xác, khoa học và đặc biệt bám sát các yêu cầu chuyên môn trong công tác dạy học phát triển năng lực, đòi hỏi học sinh vận dụng kiến thức giải quyết các vấn đề có tính thực tiễn.
Sau khi hoàn thiện công tác chấm bài, Sở GD&ĐT đánh giá kết quả khảo sát chất lượng toàn TP năm nay thấp hơn so với năm ngoái. Với lớp 12, số bài thi đạt điểm tuyệt đối ít; số điểm trên 8 chiếm tỷ lệ 7,73%; số điểm từ 5 - 7 chiếm nhiều nhất với tỷ lệ 54,78%; tỷ lệ bài thi đạt điểm dưới trung bình (dưới 5) còn khá cao, chiếm tỷ lên gần 32%.
Nhóm trường dẫn đầu toàn TP về điểm số và điểm trung bình môn khảo sát là: THPT chuyên Chu Văn An, THPT Kim Liên, THPT chuyên Hà Nội – Amsterdam, THCS&THPT Nguyễn Tất Thành, THPT Yên Hoà…
Kịp thời điều chỉnh, nâng cao chất lượng dạy và học
Qua phổ điểm khảo sát chất lượng với học sinh khối 11 và 12 của Hà Nội có thể nhận thấy, kỳ khảo sát đã phân hóa, làm rõ mức độ và kết quả làm bài của học sinh khá - giỏi - trung bình - yếu.
Về đề kiểm tra, mức độ đề được đánh giá vừa phải, phù hợp với mặt bằng chung; có tính phân loại tốt. Xét tổng thể, bên cạnh số học sinh học tốt, đều tất cả các môn còn có một bộ phận học sinh yếu, có nguy cơ trượt tốt nghiệp, cần được hỗ trợ ôn tập nhiều hơn. Nguyên nhân được cho là có sự thay đổi của Chương trình giáo dục phổ thông 2018 so với Chương trình giáo dục phổ thông 2006 trong cấu trúc đề thi, nội dung và hình thức thi…

Kết quả kiểm tra, khảo sát giúp các trường tổ chức tốt việc ôn thi tốt nghiệp cho học sinh lớp 12 hiệu quả hơn.
Từ kết quả khảo sát, Sở GD&ĐT Hà Nội yêu cầu các đơn vị, nhà trường thực hiện đúng chỉ đạo của Sở GD&ĐT về công tác tổ chức ôn thi tốt nghiệp THPT cho học sinh; tập trung rà soát, phân loại trình độ học sinh để có phương án tổ chức ôn tập, bồi dưỡng, ôn thi tốt nghiệp theo kế hoạch giáo dục của nhà trường; trong đó chú ý độ phủ tỷ lệ chủ đề kiến thức ôn tập ở các môn theo hướng dẫn.
Cùng với đó, công tác ôn tập tại mỗi tổ, nhóm chuyên môn cần thực sự quan tâm tới việc hướng dẫn học sinh rèn luyện phương pháp giải quyết các câu hỏi dạng thức trả lời Đúng - Sai trong mỗi chủ đề thuộc chương trình môn học lớp 12. Giáo viên cần chú ý hơn nữa trong công tác xây dựng câu hỏi tăng dần mức độ tư duy.
Các đơn vị cũng lưu ý xây dựng hệ thống câu hỏi ôn tập bám sát yêu cầu cần đạt của chương trình mới, triệt để tập trung rèn luyện cho học sinh những câu hỏi có ý nghĩa thực tiễn, liên môn; sử dụng kiến thức đã học để giải quyết các bài toán thực tế. Mặt khác, các nhà trường đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến cho học sinh về việc đa dạng hóa hình thức ôn tập; ngoài ôn tập trên lớp do các thầy cô giảng dạy còn ôn tập qua truyền hình hoặc cài đặt ứng dụng Hanoi On.
Thông qua kết quả kiểm tra, khảo sát, các nhà trường, thầy cô giáo phần nào xác định được chất lượng giáo dục của trường, của lớp; tạo điều kiện cho học sinh lớp 12 làm quen với kỳ thi tốt nghiệp THPT và xác định đúng định hướng, đúng sở trường.
“Kết quả kiểm tra, khảo sát giúp các trường tổ chức tốt việc ôn thi tốt nghiệp cho học sinh lớp 12, đồng thời tiếp tục nâng cao chất lượng kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025” - đại diện Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết.

Hà Nội: hơn 200.000 học sinh lớp 11, 12 hoàn thành tập dượt thi tốt nghiệp
Kinhtedothi- Từ ngày 20 – 23/3, Sở GD&ĐT Hà Nội đã tổ chức thành công kỳ khảo sát chất lượng với học sinh khối 11 và 12. Đây được coi là đợt tập dượt ý nghĩa, nhất là học sinh lớp 12 để chuẩn bị bước vào kỳ thi tốt nghiệp THPT sẽ diễn ra vào cuối tháng 6/2025.

Mã trường THPT phân theo khu vực tuyển sinh trong đăng ký nguyện vọng lớp 10
Kinhtedothi – Tại Phiếu đăng ký dự tuyển vào lớp 10 THPT công lập, thí sinh phải đăng ký các nguyện vọng (NV) đi kèm mã số của từng trường. Để thuận tiện cho học sinh, Sở GD&ĐT đã công bố danh sách mã số này chia theo 12 khu vực tuyển sinh (KVTS).

Trường THPT Khoa học giáo dục tuyển sinh lớp 10 qua 2 phương thức
Kinhtedothi – Trường THPT Khoa học giáo dục (HES) thuộc Trường Đại học Giáo dục – Đại học Quốc gia Hà Nội vừa thông báo tuyển sinh lớp 10. Theo đó, năm học 2025 – 2026, trường tuyển 400 chỉ tiêu trên phạm vi toàn quốc, qua 2 phương thức.