Kết quả kiểm phiếu sơ bộ trưng cầu dân ý về quyền tự trị ở Donetsk

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Gần 90% cử tri tại Donetsk, vùng công nghiệp trọng điểm ở miền Đông Ukraine đã bỏ phiếu ủng hộ quyền tự quyết cho khu vực này.

Đây là kết quả được công bố ngay sau khi cuộc trưng cầu dân ý ở miền Đông Ukraine kết thúc. Kết quả này khiến cuộc đối đầu giữa chính quyền Kiev và những người biểu tình ở miền Đông ngày một sâu sắc hơn.

Trước tình hình căng thẳng ngày một leo thang tại miền Đông Ukraine khi liên tiếp diễn ra các cuộc đụng độ đẫm máu giữa binh lính Ukraine và người biểu tình, các nhà lãnh đạo Cộng hòa nhân dân Donetsk tự xưng, đã quyết định công bố kết quả sơ bộ sớm nhất có thể ngay sau khi nhận được số phiếu từ 53 quận tham gia vào cuộc trưng cầu dân ý.

 
Một người dân bỏ phiếu thể hiện quan điểm về quyền tự trị đối với Donetsk.  (Ảnh: AFP)
Một người dân bỏ phiếu thể hiện quan điểm về quyền tự trị đối với Donetsk. (Ảnh: AFP)
Lãnh đạo Ủy ban bầu cử - ông Roman Lyagin cho biết, đại đa số người dân khu vực Donetsk đã bỏ phiếu ủng hộ quyền tự trị. “Tình hình tại khu vực trở nên nóng hơn bao giờ hết, khiến chúng tôi đưa ra quyết định không mất thời gian trì hoãn việc công bố kết quả. Tuy không phải là một kỷ lục trong lịch sử trưng cầu dân ý của Ukraine, nhưng con số cử tri tham gia bỏ phiếu là khá cao với 74, 87%.

Với kết quả 89,07 % cử tri bỏ phiếu ủng hộ, 10,19% phiếu chống và 0,74% phiếu không hợp lệ, có thể coi đây là kết quả chính thức cuối cùng của cuộc trưng cầu dân ý ", ông Roman Lyagin nói.

  Như vậy, kết quả kiểm phiếu sơ bộ được công bố chỉ 2 giờ sau khi các điểm bỏ phiếu đóng cửa. Điều này cho thấy gần 90% cử tri tham gia bỏ phiếu ủng hộ cho quyền tách ra Kiev, biến Donetsk trở thành một quốc gia độc lập.

Một cuộc trưng cầu dân ý thứ hai cũng được tổ chức tại khu vực công nghiệp phía Đông Luhansk của Ukraine, tuy nhiên chưa có tuyên bố chính thức về kết quả cuối cùng. Donetsk là khu vực lớn hơn trong hai khu vực miền Đông Ukraine tổ chức trưng cầu dân ý về quyền tự trị vào ngày hôm qua (11/5).

Chính quyền Kiev và Liên minh châu Âu đều không công nhận cuộc trưng cầu dân ý này và cũng không có một quan sát viên quốc tế nào đến giám sát cuộc trưng cầu dân ý.

Chính phủ Kiev cáo buộc Moskva đứng đằng sau tình trạng bất ổn tại Ukraine - điều mà Nga luôn phủ nhận. Các kết quả của các cuộc trưng cầu dân ý có thể gây ra sự phân hóa Ukraine và làm trầm trọng thêm cẳng thẳng vốn tồn tại giữa phương Tây và Nga kể từ sau Chiến tranh lạnh.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần