Kết quả sơ bộ trưng cầu dân ý: Thái Lan thông qua hiến pháp mới

Tú AnhTheo Reuters
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hàng chục triệu cử tri Thái Lan đã đi bỏ phiếu và thông qua hiến pháp mới trong ngày 7/8. Kết quả sơ bộ dựa trên việc kiểm 80% phiếu bầu của người dân cho thấy điều này.

Cuộc trưng cầu dân ý hôm 7/8 được xem là phép thử chính trị đối với Thái Lan và bản dự thảo hiến pháp mới được kì vọng sẽ là giải pháp cho cuộc khủng hoảng chính trị kéo dài 1 thập kỉ qua tại nước này.

Là tiền đề cho cuộc tổng tuyển cử vào năm 2017, giới quan sát cho rằng bản hiến pháp mới có thể hỗ trợ các lãnh đạo quân đội nắm quyền kiểm soát Thượng viện, nhờ đó cho phép họ có quyền phủ quyết với những vấn đề mà các nghị sĩ đưa ra.
Kết quả sơ bộ trưng cầu dân ý: Thái Lan thông qua hiến pháp mới - Ảnh 1
Cụ thể, kết quả sơ bộ từ Ủy ban Bầu cử quốc gia cho thấy 62% trong tổng số người dân đi bỏ phiếu ủng hộ trong khi 37,9% bác bỏ.

Đây cuộc trưng cầu dân ý thứ 2 về hiến pháp mới tại Thái Lan. Một khi được thông qua, đây sẽ là bản hiến pháp thứ 20 trong lịch sử lập hiến của nước này kể từ năm 1932. Lần trưng cầu dân ý về hiến pháp đầu tiên diễn ra vào năm 2007, một năm sau cuộc đảo chính quân sự lật đổ cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra.

Cựu thủ tướng Thaksin Shinawatra hôm 4/8 cho rằng, cuộc trưng cầu dân ý là "điên rồ". Ông cho rằng việc này sẽ giúp chính quyền quân sự duy trì quyền lực mãi mãi, trong khi họ không đủ năng lực điều hành đất nước.

Trước đó, các cuộc thăm dò cho thấy lượng người ủng hộ hiến pháp mới chiếm số ít, trong khi đa số người dân chưa đưa ra quyết định.

Kết quả bỏ phiếu không chính thức sẽ được thông báo trên toàn quốc vào khoảng 21h; kết quả chính thức dự kiến sẽ có sau đó 3 ngày.