Kết quả xác minh thông tin đỉa trong bim bim

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Cục An toàn thực phẩm khẳng định thông tin có đỉa trong bim bim như báo Kienthuc.net.vn là không chính xác.

Ngày 1/7, Cục An toàn thực phẩm đã đưa ra kết quả xác minh thông tin “Kinh hoàng đỉa bò ngoe nguẩy trong bim bim”. Theo đó, “Kinh hoàng đỉa bò ngoe nguẩy trong bim bim” là thông tin được đăng tải trên trang Kienthuc.net.vn ngày 20/6/2014 đã được phát tán, lan truyền nhanh chóng trên các mạng xã hội gây hoài nghi, hoang mang trong dư luận xã hội. Thông tin đăng tải đã dẫn chứng “người thực – việc thực” với một đoạn clip dài 18 giây về việc gia đình chị Thủy ở Hòa Bình phát hiện đỉa trong gói bim bim mang nhãn hiệu “Ba Anh Em” vào chiều tối 19/6.
Gói bim bim được cho là có đỉa bên trong. Ảnh: Kienthuc.net.
Gói bim bim được cho là có đỉa bên trong. Ảnh: Kienthuc.net.
Ngày 24/6/2014, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Hòa Bình đã có văn bản báo cáo Cục An toàn thực phẩm kết quả xác minh thông tin nêu trên như sau: Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Hòa Bình đã tổ chức đoàn kiểm tra, xác minh thông tin thực tế tại gia đình chị Hà Thị Thủy (người trực tiếp đưa hình ảnh lên trang mạng xã hội) tại xóm Khỏe, xã Xăm Khỏe, huyện Mai Châu và thu thập thông tin từ người dân, cán bộ trạm y tế, Ủy ban nhân dân xã. 

Kết quả điều tra cho thấy: Việc chị Hà Thị Thủy ngâm 03 mảnh bim bim vào vỏ hộp sữa chua vừa ăn xong là do nghe theo tin đồn trong bim bim có đỉa. Theo thông tin từ chị Thủy cung cấp, ngâm bim bim từ 7 giờ sáng đến 10 giờ 30 phút ngày 19/4/2014 thì không phát hiện gì nhưng đến 12 giờ lại thấy có “sinh vật” trên. Hộp sữa chua ngâm bim bim không có nắp đậy và để dưới gần tủ nên “sinh vật” rất dễ bị “rơi vào” từ môi trường (chủ động hoặc vô tình rơi vào), từ chó, mèo và các động vật khác xâm phạm vào.

Sinh vật trong đoạn clip thực tế không phải là con đỉa. Theo người dân và những người có mặt tại buổi kiểm tra đều gọi là con “Tấc” (Loại sinh vật thường có ở khe suối, lạch nước trên rừng, máng nước lần, mó nước... tại các tỉnh miền núi). Loại sinh vật này có thể dễ dàng bám vào họng hoặc lên mũi để hút máu của người và động vật khi uống nước, tắm rửa tại những nơi trên.

Xét theo lý luận khoa học, đỉa không thể nở ra từ ấu trùng và lớn nhanh như vậy (dài gần 4 cm) chỉ trong vòng 90 phút được.

Qua diễn biến sự việc trên có thể khẳng định thông tin có đỉa trong bim bim như báo Kienthuc.net.vn là không chính xác. Không có hiện tượng “đỉa bò ngoe nguẩy trong bim bim” như phản ánh của Báo điện tử Kienthuc.net.vn. Từ thực tế điều tra có thể kết luận như sau: Sinh vật có trong 3 miếng bim bim ngâm trong hộp sữa chua không đóng nắp chỉ là hiện tượng cá biệt, có thể rơi vào từ môi trường (qua vật trung gian là chó, mèo…).

Theo phản ánh của người dân địa phương, do không muốn con ăn các loại thực phẩm bao gói (trong đó có bim bim) nên có thể các bà mẹ có thể “chủ động” cho đỉa vào để dọa trẻ em.

Không phải là đến thời điểm này mới có thông tin đỉa có trong thức ăn (cụ thể là bim bim) mà trước đây chúng ta đã từng biết đến những sự việc tương tự như đỉa có trong sữa, mì ăn liền... và đều được các cơ quan chuyên môn xác nhận là thông tin sai sự thật. Sở dĩ những tin đồn ác ý và không có chứng cứ khoa học như vậy vẫn xuất hiện và khiến cho nhiều người tin theo. Điều này đã giúp cho một số cá nhân vô tình hoặc cố ý đưa ra những thông tin sai sự thật gây hoang mang trong xã hội, nhất là trong thời điểm mạng xã hội phát triển mạnh mẽ như hiện nay. Vì thế Cục An toàn thực phẩm khuyến cáo người dân phải hết sức cân nhắc trước khi đưa lên mạng những thông tin như vậy vì sự ảnh hưởng của nó đến xã hội có thể vượt qua tầm kiểm soát của chính mình.

Qua sự việc nêu trên Cục An toàn thực phẩm cũng đề nghị các phóng viên, các cơ quan thông tấn báo chí cần thận trọng, xác minh tính xác thực của thông tin trước khi đưa thông tin đến với bạn đọc tránh gây nên hoang mang trong dư luận, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh và an sinh xã hội.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần