Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Kết thúc Hội nghị G20: Chung tay “giải cứu” kinh tế thế giới

Minh Lan
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 5/9, sau 2 ngày làm việc, các nhà lãnh đạo tham dự Hội nghị thượng đỉnh G20 diễn ra tại Hàng Châu (Trung Quốc) đã ra tuyên bố kết thúc hội nghị, thể hiện sự thống nhất về một loạt vấn đề quan trọng.

Diễn ra trong bối cảnh nền kinh tế thế giới gặp nhiều khó khăn sau cuộc khủng hoảng tài chính và đứng trước các nguy cơ tiềm tàng từ cuộc “chia tay” lịch sử giữa Anh và Liên minh châu Âu (Brexit), lãnh đạo các nền kinh tế tại Hội nghị G20 đã nỗ lực bàn thảo và tìm ra các biện pháp tăng cường hợp tác nhằm vực dậy nền kinh tế toàn cầu.

Các nhà lãnh đạo G20 nhận định, tăng trưởng toàn cầu vẫn dưới mức kỳ vọng và tiềm ẩn những rủi ro tiêu cực. Đại diện các nền kinh tế quan trọng chiếm đến 85% tổng GDP toàn cầu đã nhất trí thông qua gói các chính sách và hành động mang tên "Đồng thuận Hàng Châu" nhằm tạo điều kiện cho tăng trưởng kinh tế thế giới thông qua các biện pháp tổng thể, toàn diện và dài hạn. Tuyên bố Hội nghị G20 cũng khẳng định cam kết sử dụng tất cả các công cụ chính sách tài chính, tiền tệ và cấu trúc, một cách đơn phương và đa phương nhằm đảm bảo mục tiêu tăng trưởng. Phản đối chủ nghĩa bảo hộ trong thương mại và đầu tư dưới mọi hình thức, xây dựng nền thương mại tự do cũng là một trong những cam kết mà lãnh đạo các nền kinh tế tuyên bố trong phiên bế mạc ngày 5/9. Bên cạnh đó, Hội nghị G20 năm nay cũng đánh dấu sự đồng thuận của các nền kinh tế lớn trong việc giải quyết các thách thức chung toàn cầu khi nỗ lực đưa Thỏa thuận về biến đổi khí hậu ký kết tại Paris (Pháp) chính thức có hiệu lực từ cuối năm 2016; đối phó với chủ nghĩa khủng bố...

Tuy nhiên, Hội nghị G20 kết thúc khi tham vọng giải quyết nhiều vấn đề “nóng” còn bỏ ngỏ như cuộc gặp song phương bên lề giữa Ngoại trưởng Nga - Mỹ đã không đạt được một thỏa thuận ngừng bắn tại Syria hay việc CHDCND Triều Tiên phóng 3 tên lửa đạn đạo ngay trong khi diễn ra Hội nghị cho thấy chương trình hạt nhân gây tranh cãi của nước này vẫn là một thách thức mà các lãnh đạo siêu cường chưa tìm được tiếng nói chung.