70 năm giải phóng Thủ đô

Kết thúc ngày họp đầu tiên giữa Iran và P5+1

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Giới quan sát cho rằng bất đồng giữa các bên tham gia đàm phán sẽ khiến vòng đàm phán này sẽ khó đạt được bước đột phá.

Bất chấp lo ngại những bất đồng giữa phương Tây và Nga liên quan đến cuộc khủng hoảng Ukraine có thể ảnh hưởng đến các cuộc đàm phán Iran và nhóm P5+1 (gồm 5 nước thành Vienna thường trực của Liên hợp quốc và Đức) đang diễn ra tại Vienna (Áo), người phát ngôn Liên minh châu Âu Michael Mann cho biết, các cuộc đối thoại vẫn diễn ra hữu ích và tích cực. Các cuộc đối thoại tiếp tục ngày 19/3 nhằm tìm kiếm một nền tảng cho một thỏa thuận toàn diện trước thời hạn chót được đặt ra là cuối tháng 7 tới.

Dựa trên những bước tiến đạt được trong các vòng đàm phán giữa hai bên tháng trước, Iran và nhóm P5+1 bước vào vòng đàm phán 2 ngày này với hi vọng tìm kiếm một thỏa thuận nhằm chấm dứt bế tắc kéo dài hàng thập kỷ xoay quanh các hoạt động hạt nhân của Iran và tránh nguy cơ nổ ra chiến tranh ở Trung Đông. Tuy nhiên, cuộc đàm phán diễn ra trong bối cảnh cuộc khủng hoảng Ukraine với sự đối đầu giữa Nga với Mỹ và phương Tây có thể tác động tiêu cực đến các cuộc đàm phán.

 
Bà Catherine Ashton (trái) và Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif. (Ảnh: AFP)
Bà Catherine Ashton (trái) và Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif. (Ảnh: AFP)
Mặc dù vậy, phát biểu sau ngày họp đầu tiên, các bên tham gia đàm phán đều khẳng định không có sự chia rẽ. Người phát ngôn của Cao ủy Liên minh châu Âu phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại Catherine Ashton cho biết: “Hiện các cuộc đối thoại vẫn diễn ra theo hướng thống nhất và đoàn kết. Tôi không thấy có bất cứ tác động nào đối với những gì đang diễn ra tại các nơi khác trên thế giới. Chúng tôi sẽ tiếp tục công việc theo một hướng thống nhất”.

Trưởng đoàn đàm phán hạt nhân Iran Abbas Araqchi cũng cho biết, cuộc đối thoại diễn ra hữu ích. Cuộc khủng hoảng Ukraine không có tác động đến các cuộc đàm phán. Iran mong muốn P5+1 có cách tiếp cận thống nhất vì lợi ích các cuộc đàm phán.

Ngay khi các cuộc đàm phán hạt nhân đang diễn ra tại Vienna (Áo), trong một động thái gây sức ép với Mỹ, Israel hôm 18/3 tuyên bố nước này không thể phụ thuộc vào Mỹ trong các hành động nhằm vào chương trình hạt nhân Iran. Israel chỉ trích các cuộc đối thoại đang diễn ra với Iran và cho rằng thỏa thuận hạt nhân tạm thời đạt được giữa các bên vào tháng 11/2013 là một biện pháp giúp Iran giảm nhẹ các biện pháp trừng phạt kinh tế quốc tế, nhưng vẫn thúc đẩy các hoạt động hạt nhân của mình.

Bộ trưởng quốc phòng Israel chỉ trích phương Tây khi cho rằng, các nước này đang cố gắng tránh đối đầu với Iran và Mỹ đang “bỏ quên” vấn đề Iran và tập trung vào cuộc khủng hoảng Ukraine.

Bất đồng giữa Quốc hội Mỹ với chính quyền của Tổng thống Barack Obama về chương trình hạt nhân Iran có thể leo thang khi đa số các nghị sĩ của cả hai viện gửi thư lên Tổng thống yêu cầu giữ lập trường cứng rắn với quốc gia Hồi giáo này.

Khoảng 100 Thượng nghị sĩ Mỹ hôm 18/3 đã viết thư trình Tổng thống Obama nêu những “nguyên tắc cơ bản” để tiến tới một thỏa thuận cuối cùng với Iran. Bức thư nêu rõ, Iran nên từ bỏ lò phản ứng Arak và cơ sở hạt nhân Fordow. Mỹ cũng không nên giảm các biện pháp trừng phạt nhằm vào Iran trong quá trình diễn ra đàm phán. Tuy nhiên, các quan chức Iran trước đó khẳng định, giới hạn đỏ đối với Iran là yêu cầu đóng cửa bất kỳ cơ sở hạt nhân nào và chấm dứt làm giàu uranium.

Chính vì vậy, mặc dù có ít dấu hiệu cho thấy đối đầu Đông -Tây sẽ ảnh hưởng đến việc tiến tới một thỏa thuận, nhưng giới quan sát cho rằng bất đồng giữa các bên tham gia đàm phán, đặc biệt liên quan đến các vấn đề nhạy cảm như lò phản ứng nước nặng Arak và cấp độ làm giàu uranium của Iran nên vòng đàm phán này sẽ khó đạt được bước đột phá. Vòng đàm phán tiếp theo dự kiến diễn ra tại Vienna (Áo) vào ngày mùng 7- 9/4 tới.