Kẹt xe

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đường phố đông đúc, loạn xị, Quân dò dẫm đi gặp bố đẻ. Sẽ không có gì đáng nói nếu như ông bố không rút “lệnh cho nhà”. Quân sẽ ngoan ngoãn nghe lời ông và không có gì oán thán.

Đằng này ông cụ lại quay ngoắt một trăm tám mươi độ làm anh cay cú. Anh nghim nghỉm sẽ chuyển nhà vào tháng sau. Ngôi nhà cũ anh sẽ đầu tư xây mới, biến thành biệt thự tân thời. Một mình sở hữu hai căn, vậy coi như ổn với gã đàn ông một vợ hai con. Giờ mới biết, lật lọng còn là bản chất của bố anh.

Hôm nay, ông có buổi quay phim, muốn có mặt các con. Ông còn lấy cái uy của người cha ra hô hào các con “phải có mặt đầy đủ trước khi bên truyền hình đến”. Ông tưởng lệnh của ông ban ra sẽ được mọi người răm rắp như ở cơ quan, nơi ông là viện trưởng. Ngờ nghệch quá. Lời nói của ông chỉ có hiệu lực tuyệt đối, khi mà ông có khả năng tuyệt đối chu cấp cho mọi nhu cầu của các con. 
Minh họa: Hoài Văn
Minh họa: Hoài Văn
Chí ít thì Quân vẫn đang sở hữu một căn nhà do bố cho, dù với anh nó còn đơn giản. Ông lại ban lệnh tập hợp, cũng đã gọi điện trước đến Giám đốc nơi anh làm việc xin cho con nghỉ. Đến thì đến nhưng lòng dạ không phục. Một buổi ghi hình về nhà văn hoá Kiệm kiêm nhà văn, vừa cho in tập thơ đầy đặn một trăm năm mươi trang do ông đầu tư gần năm mươi triệu. Cả viện X. rạo rực chờ đón ngày này. Một sự kiện trọng đại với viện X. Riêng khâu chuẩn bị đã răm rắp từ hơn một tuần trước. 

Quân thấy khó chịu vì ông luôn dạy con cái sống giản dị. Đối với ông, cái danh chỉ là thứ phù du. Thế ông thích lên truyền hình làm gì? Cánh nhà báo đến viết bài, ông còn sai người đưa chi phí để “các cô cậu uống nước”. Cứ thế, các bài viết đều đề cao cái đức độ và tầm ảnh hưởng sâu rộng của ông với viện X. 

Trong các phương tiện truyền thông: Nghe, nhìn, đọc, ông thích truyền hình hơn cả vì qua đó, khán giả mới thấy được những cử chỉ của ông, nghe thấy ông nói, mới toát lên được cái phong thái của một nhà văn hoá có tài, mẫu mực. Vậy thì, bằng giá nào anh cũng phải có mặt trong buổi ghi hình. Con cái nhà văn hoá không thể thiếu vắng, sự có mặt của chúng sẽ khiến cho những cảnh quay sinh động hơn. Vợ ông, người đã đẻ ra mấy anh em Quân tuy không còn nhưng ông đã kịp trang trí cho mình một người vợ lẽ chưa chính thức. Cô tên Thanh Thanh, kém Quân 6 tuổi, cũng là nhân vật không thể thiếu trong buổi ghi hình.

Chẳng đi thì sợ ông trách phạt, mà đi thì chỉ hút bụi với khói. Và quan trọng hơn thế là anh không muốn giáp mặt một ông bố trí thức muốn uốn nắn con cái bằng cái giả tạo đến điêu luyện của mình. Sẽ lại chứng kiến ông bố kính cẩn ký tặng thơ, để chẳng bao lâu, người được tặng sẽ lại tiễn chúng vào một xó nào đó, để chuyển cho đồng nát, rồi lăn lóc ở hiệu sách cũ, hoặc nhảy vào lò tái chế. Chắc ông thừa biết sản phẩm của mình sẽ bị tống khứ nhanh chóng khỏi cuộc sống của người được tặng thôi, nhưng chí ít thì ông cũng được hãnh diện mình đã làm ra quá nhiều sản phẩm văn hoá và tinh thần.

Chẳng muốn nghĩ đến những chuyện xe pháo đông đúc thế này. Có điên ruột lên thì người ta vẫn đẻ, thành thị vẫn là chỗ để người ta tung ra đủ các ngón nghề kiếm sống. Lúc này, quên kẹt xe đi, nghĩ đến ông cụ thì hơn. Ông cụ có thể về hưu để an nghỉ, nhưng người còn muốn nắm quyền vớt vát vài năm nữa, để cống hiến. Và nếu bố anh không được quyền ra lệnh nữa, hẳn ông sẽ buồn biết bao. Có những gã sắp chết vẫn muốn vợ con thuê người về để mình ra lệnh. Quân cho rằng ông cụ đáng thương hơn đáng trách. Bởi vì ông cụ cũng chỉ là một hạt cát trong xa mạc mênh mông kia, nếu trách ông cụ, thì còn phải trách bao nhiêu người nữa. Ông cụ lại còn sợ chết. Đến lúc này Quân có thể thanh thản tuyên bố rằng hèn nhát là bản chất của trí thức. Nhất là cánh trí thức rởm, chỉ rón rén bước lên, khi thấy tất cả qua đường rồi mới làm theo. Quân đã cố nhưng không thoát khỏi ùn tắc. Anh vẫn bị ném trong mớ hỗn độn của những tâm trạng người của đất nước thích đẻ đái hơn là sáng tạo. Sáng tạo ra con người là thế mạnh của những nước đang rướn cổ hoá rồng.Đến được cơ quan của bố thì mọi cảnh quay đã xong. Nhà văn hoá Kiệm nhìn con trai, uất ức dâng lên tận cổ, nhưng ông vẫn phải ngơ đi để cười với truyền hình. Cô Thanh Thanh người tình của ông duyên dáng trong bộ cánh mới mà cô tiết lộ cho vợ Quân rằng: “Của anh Kiệm sắm cho đấy, có gần chục triệu”. Quân bỗng thấy con đàn bà khốn khiếp trẻ ranh đó bỉ ổi không tưởng tượng nổi. Cô ta quá ranh mãnh. Chẳng hiểu sao ông cụ có thể ăn nằm được, lại còn nựng như nựng giọt sương trên lá sen.

“Thôi, về nhà tất đi. Ghi ở nhà” - ông cụ gắt. Quân quay ra dắt xe về trước, xe riêng đưa những người con lại về theo. Ông cụ vừa vào nhà đã hỏi: “Anh Quân bận đi làm à?”. Quân giật thót “Không, con xin lỗi bố, bị kẹt xe bố ạ”. “Tôi đã dặn là đừng làm lỡ việc. Anh bằng ngần ấy không biết tính toán làm sao cho đủ giờ”. Mấy anh làm phim phải can thiệp mới khiến tính nóng của ông cụ thôi bùng lên. Cảnh quay ở nhà rọi vào những sinh hoạt và giờ giấc làm việc của ông Kiệm, nên khuôn mặt ông rất đỗi phải nhất nhất vừa thanh thản vừa nghiêm nghị, làm sao thật thoải mái mới thấy tầm vóc ông không bị cứng trên màn ảnh. Truyền hình khen giọng ông hay, dễ ăn nhập với đạo diễn. Đúng, đâu chỉ vài lần ông đứng trước ống kính. Khuôn mặt ông dãn ra, rói tươi. Nhà văn hoá mẫu mực rất thích ôm cô Thanh Thanh để ghi hình, cô gái mà ông trân trọng tôn là “con chim nhỏ”. Điều này khiến không chỉ con cái mà nhà phim cũng thấy phản cảm. Họ chỉ thốt lên những tiếng cười. Ông Kiệm thường sâu sắc, nhưng chỉ chuyện tình cảm thì nông nổi quá chừng. Cánh quay phim nghỉ tay uống bia lon. Ông cụ ghé vào tai Quân trách: “Tao thấy mày là thằng bất hiếu, chẳng ủng hộ cho những sở thích cao thượng của tao. Mày chần chừ nên mới muộn, nhưng chẳng sao cả. Không có mày thì hình ảnh của tao vẫn lên ti vi”. Quân nín nhịn, chỉ nhếch mép cười, cái nhếch mép đầy coi thường và bí hiểm. Anh đi ra chỗ thùng bia lon. Cô Thanh Thanh duyên dáng ngồi cạnh ông Kiệm đúng lúc này lại bị cái bụng dở chứng. Cô xin phép vào nhà vệ sinh hai phút. Năm  phút sau cô đi ra, khuôn mặt vẫn nhăn nhó, rồi cơn đau bụng dữ dội đổ dồn. Ông Kiệm như đứt từng khúc ruột. Cả nhà cuống quýt lên. Riêng khuôn mặt đang đầy đặn thần sắc và  học thức của ông Kiệm chuyển sang tai tái. Dừng quay lại. Ông Kiệm hét “Đưa cô ấy đi bệnh viện thôi”. Tất nhiên, ông không thể tự mình đưa đi, cũng không thể nhờ cánh nhà đài. Lúc này, chỉ mình Quân là có thể làm được việc này. Ông Kiệm cần phải hoàn thành buổi quay phim, không thể dừng giữa chừng. Ông lại ra lệnh cho con trai, với thái độ như cầu khẩn. Vì đàn bà, sao ông có thể trở nên yếu đuối đến thế.

Đặt Thanh Thanh ngồi sau xe Quân rồi, ông không quên nói đưa cô ấy đi cẩn thận, quay xong sẽ vào viện luôn. Hưởng ứng cho lời ông, chiếc xe xả ra chút ít khói đen. Thanh Thanh rướn lên ôm lấy người Quân cho chắc.

Cái nhếch mép cười lúc nãy được Quân hồi tưởng lại bằng một vài ý nghĩ sau đây: “Ngoài việc quảng bá cuốn thơ, ông già còn muốn quảng bá cho cái tác phẩm tồi tệ của mình là cô Thanh Thanh ngồi sau đây. Cô ấy còn ít hơn ta sáu tuổi. Chẳng ngờ bố lại quên mẹ nhanh thế, mẹ mới chết chưa đầy nửa năm mà. Bố tồi lắm!”.

Ra ngoài phố lớn, Thanh Thanh cười khanh khách, ôm Quân chặt hơn. Quân khó hiểu hỏi em khỏi nhanh thế? Thanh Thanh cười sặc: “Em chả đau đâu. Giả vờ chút xíu thôi. Chẳng qua em muốn thoát khỏi không khí ngột ngạt đó. Ông già anh chỉ thích danh hão thôi. Cả tháng nay ông ấy chả đụng chạm vào em, yếu lắm rồi. Em chỉ thích ở bên anh. Này, nhưng em báo cho anh một tin, em có mang rồi đấy”. Quân hỏi: “Với ông già à?”, “Không, của anh đấy, nên bỏ hay để?”. Quân bảo: “Vậy ư, thật chứ? Cứ để rồi tính”. Lát sau, anh cảm giác ông già mình đáng thương quá. Dù có lúc nói chuyện với anh ông mất ngọt, mất nhạt:  “A, thằng… thằng con bất hiếu. Mày đang chửi bố mày. Mày vẫn hô hào là chí khí với có tố chất làm người. Mày chẳng tha giết bố mày thì thôi. Tố chất gì, đạo đức gì!”, Quân chỉ cãi lại trong ý nghĩ: “Bố vẫn dạy con đạo đức và giá trị làm người. Nhưng bố lại chẳng bao giờ làm theo những lời bố nói cả. Bố cho chúng con nhà, tiền, xe, nhưng chẳng bao giờ cho chúng con sự thanh thản, tình yêu của bố cả. Tất cả chỉ vì chính bố thôi”. Cũng như vừa rồi, anh chỉ nhếch mép. Nói nhiều không phải là bản chất của người có học như anh. Cái nhếch mép chứa đựng nhiều ẩn ý sâu xa hơn nhiều. Quân hơi nghiêng đầu bảo Thanh Thanh: “Chịu em đấy. Một người nhiều kinh nghiệm như bố anh em cũng lừa được”, “Anh quên à? Yếu đuối trước phụ nữ còn là bản chất của cánh lãnh đạo già. Thôi, anh đưa em vào nhà nghỉ đi, em nhớ lắm rồi. Sau đó mình nói chuyện tiếp. Em chỉ cần tiền của ông ấy thôi”, Quân đồng ý, phóng ra ngoại thành. Anh ngại di chuyển như đã nói. Những lần đi nhà nghỉ với Thanh Thanh, anh đi bằng taxi…

Ở nhà riêng nhà văn hoá Kiệm, cánh làm phim nhận tiền bồi dưỡng rồi ra đi vì bận phải làm tour khác, cũng tầm vóc không kém. Ông Kiệm hớt hải bảo lái xe lái xe ra để đưa ông vào viện với Thanh Thanh. Trời ơi, hẳn là cô ấy đang đau lắm. Ông giận dữ, quát cả lái xe vì thấy anh chậm chạp. Đông đúc là đặc điểm của thành phố này. Ông lại bị ngáng trở giữa đường. Nhìn đèn đỏ, nhìn dòng người nối đuôi nhau dừng lại mà ông nóng bừng. Sao tắc nghẽn cái lúc này cơ chứ! Ông Kiệm rút khăn mùi xoa lau mặt, nghĩ đến những tiếng kêu la của Thanh Thanh. Cô chắc mong ông vào lắm. Điều đáng thương nhất đối với nhà văn hoá là không biết rằng Thanh Thanh đã quan hệ với con trai mình trước. Giờ đây lại đang vui vẻ trong nhà nghỉ với con trai mình, chứ không ở viện. 

Chỉ có ông già ngây thơ vẫn đóng băng ở nơi kẹt xe…