Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, ông Trần Thanh Nam, chủ trì diễn đàn. Chủ tịch Ủy ban Việt Nam, Phòng Thương mại Thụy Sĩ-châu Á, ông Marc Townsend, là khách mời chính của diễn đàn.
Sự kiện thu hút đại diện của nhiều doanh nghiệp tại Thụy Sĩ, trong đó có các tập đoàn nổi tiếng thế giới như Nestle, chuyên sản xuất và kinh doanh thực phẩm, Tetra Pak, doanh nghiệp về giải pháp chế biến và đóng gói thực phẩm hàng đầu thế giới, và các doanh nghiệp vừa và nhỏ Thụy Sĩ.
Nhiều doanh nghiệp Việt Nam hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh nông sản cũng có mặt tại sự kiện, trong đó có Tổng công ty thương mại Hà Nội (Hapro), Công ty Trách nhiệm hữu hạn Phát triển Nông nghiệp Cuộc sống xanh T&T.
Phát biểu khai mạc diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Trần Thanh Nam cho biết từ khi thực hiện đường lối đổi mới, Việt Nam có độ mở cửa nền kinh tế rất cao, có tốc độ phát triển kinh tế nhanh nhất khu vực và thế giới thời gian qua.
Trong lĩnh vực nông nghiệp, Việt Nam là một trong những nước xuất khẩu hàng đầu thế giới về nhiều mặt hàng nông sản như gạo, càphê, hạt tiêu, hạt điều, cao su, thủy sản, gỗ và sản phẩm gỗ.
Việt Nam đang tiến hành tái cơ cấu ngành nông nghiệp, theo hướng nâng cao giá trị, phát triển theo hướng công nghệ cao, hữu cơ, phát triển bền vững ứng phó với biến đổi khí hậu, trong đó ưu tiên cao cho lĩnh vực chế biến, nâng cao chất lượng và giá trị gia tăng của các sản phẩm nông nghiệp.
Các doanh nghiệp Thụy Sĩ hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp ở Việt Nam, trong đó có Nestlé, Tetra Pak, Bucher, Buhler, Syngenta, luôn là những doanh nghiệp đi đầu trong đổi mới sáng tạo, cải tiến sản phẩm, nâng cao chất lượng và giá trị, góp phần xây dựng tốt tên tuổi và hình ảnh cho nhiều mặt hàng nông sản Việt Nam trên thị trường quốc tế.
Việt Nam và Hiệp hội Thương mại Tự do châu Âu (EFTA) mà Thụy Sĩ là thành viên, đang tiến hành đàm phán Hiệp định Thương mại Tự do (VEFTA). Sau khi được ký kết và đi vào thực hiện, hiệp định này sẽ là cơ hội lớn để doanh nghiệp hai bên tận dụng thúc đẩy phát triển quan hệ thương mại và đầu tư.
Thứ trưởng Trần Thanh Nam cũng nhấn mạnh, thông qua diễn đàn này, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn mong muốn kêu gọi thêm nhiều doanh nghiệp, nhà đầu tư của Thụy Sĩ tìm hiểu và đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp tại Việt Nam. Diễn đàn cũng là nơi để doanh nghiệp hai nước tìm được những cơ hội hợp tác giao thương, vì mục tiêu cùng có lợi.
Phát biểu tại diễn đàn với tư cách khách mời chính, Chủ tịch Ủy ban Việt Nam, Phòng Thương mại Thụy Sĩ-châu Á, ông Marc Townsend, khẳng định doanh nghiệp Thụy Sĩ có kinh nghiệm làm ăn lâu dài với nông dân Việt Nam với ví dụ điển hình là tập đoàn Nestle, chuyên sản xuất và kinh doanh thực phẩm, từng hiện diện tại Việt Nam từ năm 1912. Việt Nam có thế mạnh trong sản xuất gạo, hạt tiêu, hạt điều và hoa quả nhiệt đới.
Ông Townsend cũng cho biết các doanh nghiệp Thụy Sĩ muốn đầu tư vào Việt Nam đang xem xét khả năng mang các sáng chế, sáng kiến của Thụy Sĩ vào Việt Nam như thế nào, chẳng hạn các công nghệ thân thiện với môi trường, góp phần tăng cường sức khỏe cho người dân nói chung và nông dân Việt Nam nói riêng.
Một số doanh nghiệp Thụy Sĩ cũng muốn mang tới Việt Nam các kỹ thuật canh tác thông minh từng được ứng dụng thành công tại một số nơi ở châu Á như Nhật Bản hay Đài Loan (Trung Quốc). Bên cạnh đó, các doanh nghiệp Thụy Sĩ cũng tìm kiếm cơ hội đưa các sản phẩm của Việt Nam ra thị trường quốc tế.
Nhấn mạnh môi trường đầu tư Việt Nam hấp dẫn, ông Marc Townsend cho rằng các doanh nghiệp Thụy Sĩ muốn mở rộng cơ hội đầu tư tại Việt Nam cần kiên trì, tìm đúng đối tác, học hỏi về thị hiếu thị trường địa phương, nhu cầu của người Việt Nam, và phải có hiểu biết về văn hóa địa phương cũng như cách làm việc với người Việt Nam. Thực hiện được những điều này, ông Towsend khẳng định, các nhà đầu tư sẽ có được doanh thu tốt, cả trong ngắn hạn và dài hạn.
Ông Trần Văn Công, Phó Cục trưởng Cục chế biến và phát triển thị trường nông sản thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, đã giới thiệu với các doanh nghiệp Thụy Sĩ về cơ hội kinh doanh và đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp tại Việt Nam.
Khẳng định nông nghiệp là tiềm năng và thế mạnh của Việt Nam, Phó Cục trưởng Cục chế biến và phát triển thị trường nông sản cho biết xuất khẩu nông sản của Việt Nam đứng thứ 13 trên thế giới và các sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam có mặt tại 180 quốc gia.
Việt Nam có 10 mặt hàng xuất khẩu chủ lực, đạt giá trị xuất khẩu hơn 1 tỷ USD, bao gồm thủy sản, gỗ và sản phẩm gỗ, hạt điều, càphê, rau quả, gạo, hạt tiêu, cao su, sắn. Đối với thị trường Thụy Sĩ, Việt Nam đã xuất khẩu hàng thủy sản, càphê, gỗ và các sản phẩm gỗ.
Đại diện Cục chế biến và phát triển thị trường nông sản cũng giới thiệu các chính sách thu hút, đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn Việt Nam và các chính sách ưu đãi dành cho doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Cuối cùng, đại diện Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết Việt Nam hoan nghênh và sẵn sàng áp dụng các cơ chế ưu đãi, khuyến khích đầu tư đối với các doanh nghiệp Thụy Sĩ sang Việt Nam, tìm kiếm cơ hội hợp tác, đầu tư trong các lĩnh vực sản xuất, lắp ráp máy móc nông nghiệp, công nghệ chế biến, nông nghiệp công nghệ cao.
Hiện diện tại diễn đàn, đại diện các doanh nghiệp Việt Nam và Thụy Sĩ đã giới thiệu và trao đổi tìm kiếm cơ hội hợp tác. Bên lề diễn đàn, các doanh nghiệp hai nước cũng trao đổi, dùng thử các sản phẩm nông sản và đồ uống nổi tiếng của Việt Nam.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam là đơn vị tổ chức Diễn đàn thương mại và đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp giữa Việt Nam-Thụy Sĩ, với sự hợp tác, trợ giúp của Phái đoàn thường trực Việt Nam bên cạnh Liên hợp quốc, Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và các tổ chức quốc tế khác, Đại sứ quán Việt Nam tại Thụy Sĩ, và Phòng Thương mại Thụy Sĩ-châu Á./