Khắc phục bất cập trong lựa chọn nhà đầu tư

Mai Vân
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Quy định về lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án là nội dung rất quan trọng được cộng đồng DN đặc biệt quan tâm tại Luật sửa đổi, bổ sung Luật Đầu tư được Quốc hội thông qua mới đây.

Thêm quyền lợi cho nhà đầu tư
Với tổng số 92,34% số đại biểu tán thành, ngày 17/6 vừa qua Quốc hội đã chính thức thông qua Luật Đầu tư (sửa đổi) với nhiều nội dung quan trọng. Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP Hồ Chí Minh Lê Hoàng Châu cho biết, một trong những nội dung quan trọng được các DN BĐS đặc biệt quan tâm là quy định đồng bộ, xử lý được các vướng mắc về lựa chọn nhà đầu tư.
Theo đó, tại Điều 29 Luật Đầu tư sửa đổi quy định, cơ quan có thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời chấp thuận nhà đầu tư không thông qua đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư trong trường hợp nhà đầu tư có quyền sử dụng đất, trừ trường hợp Nhà nước thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh, thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng theo quy định của pháp luật về đất đai.
 Các DN bất động sản sẽ được xác lập thêm nhiều quyền lợi từ Luật Đầu tư (sửa đổi). Ảnh: Doãn Thành
Hoặc nhà đầu tư nhận chuyển nhượng, nhận góp vốn, thuê quyền sử dụng đất nông nghiệp để thực hiện dự án đầu tư sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp không thuộc trường hợp Nhà nước thu hồi đất theo quy định của pháp luật về đất đai; nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư trong khu công nghiệp, khu công nghệ cao. “Với nội dung sửa đổi này, nhà đầu tư đã được xác lập thêm một số quyền lợi trong việc thực hiện các dự án sản xuất, kinh doanh có sử dụng đất” – ông Châu cho hay.
Đồng quan điểm, theo chuyên gia nghiên cứu thị trường BĐS Nguyễn Minh Ngọc, nhà đầu tư còn được xác lập thêm quyền sử dụng đất trong lần sửa đổi này. “Đơn cử tại khoản 1 Điều 23 đã được sửa đổi, bổ sung quyền sử dụng đất ở hợp pháp và các loại đất khác được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cho phép chuyển mục đích sử dụng đất sang làm đất ở” – ông Ngọc viện dẫn.
Bảo đảm tính đồng bộ
Theo đánh giá, việc ban hành Luật sửa đổi để đáp ứng yêu cầu của thực tiễn, đảm bảo tính đồng bộ, thu hút vốn đầu tư nước ngoài và khắc phục những bất cập đang phải đối mặt. Luật sư Hoàng Văn Đạo – Hội Luật gia Việt Nam nhìn nhận, hiện nay các DN nói chung và DN BĐS nói riêng đang phải chịu tác động từ nhiều luật khác nhau, trong đó có nhiều điều, khoản bị chồng chéo. Luật Đầu tư (sửa đổi) lần này là một tin vui cho các DN nhưng cần phải có sự thống nhất, đồng bộ với Luật Nhà ở, Luật thuế, Luật Xây dựng để tránh sự chồng chéo.
Theo đánh giá của các chuyên gia, để đưa những nội dung sửa đổi, bổ sung đi vào thực hiện một cách hiệu quả, cần tiếp tục nghiên cứu các vấn đề ưu đãi đầu tư phù hợp với điều kiện thực tế, giảm thiểu các quy trình, thủ tục. Đồng thời quan tâm đến cơ chế thu hồi các dự án vi phạm, thay đổi quyền tiếp cận khi hưởng các ưu đãi liên quan đến các quy trình, thủ tục…

"Luật Đầu tư (sửa đổi) sẽ góp phần kiến tạo môi trường kinh doanh minh bạch, thông thoáng, tạo điều kiện đẩy mạnh phát triển kinh tế đất nước, phát triển thị trường BĐS trong tình trạng bình thường mới, giúp cộng đồng DN có thể phục hồi nhanh chóng sau dịch Covid-19." - Chuyên gia nghiên cứu thị trường BĐS Vũ Quang Vinh