Khắc phục hạn chế liên quan đầu tư công

Nguyễn Vũ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tại Kỳ họp vừa qua, Quốc hội khóa XV đã thông qua Nghị quyết về kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025. Trong đó, khẳng định về cơ bản hành lang pháp lý liên quan đầu tư công đã và đang tích cực được hoàn thiện, để đẩy mạnh hiệu quả đầu tư công trong thời gian tới.

Dự án xây dựng cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2 đang được khẩn trương thi công. Ảnh: Bảo Khánh
Nhiều điểm mới về đầu tư công
Như nhiều đại biểu Quốc hội đã nhận định, nguyên nhân dẫn đến việc giải ngân chậm vốn đầu tư công thời gian qua đã được phân tích kỹ tại các báo cáo của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của các cơ quan Quốc hội tại Kỳ họp vừa qua. Trong đó, bên cạnh nguyên nhân khách quan còn có nguyên nhân chủ quan do chất lượng công tác chuẩn bị đầu tư thấp, phân bổ vốn chậm, nhiều lần; bất cập trong cơ chế, chính sách chậm được sửa đổi, bổ sung; quy trình, thủ tục phức tạp; nhiều vướng mắc trong công tác GPMB, đấu thầu, điều chỉnh dự án…

Chính vì thế kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 được các đại biểu nhận định có nhiều điểm mới. Trong đó, trong triển khai thực hiện kế hoạch, đã đặt ra giải pháp kiên quyết cắt giảm thủ tục không cần thiết, giao dự toán, giải ngân vốn đầu tư công gắn với trách nhiệm giải trình của tổ chức, cá nhân, nhất là người đứng đầu.
Rà soát, hoàn thiện cơ chế, chính sách, quy định pháp luật về đầu tư công và pháp luật có liên quan; tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, phân công, phân nhiệm, cá thể hóa trách nhiệm đi đôi với phối hợp, giám sát, kiểm tra. Tập trung rà soát, kiên quyết loại bỏ những dự án kém hiệu quả, dự án chưa thật sự cần thiết, cấp bách, ưu tiên vốn cho các dự án trọng điểm, cấp bách, tạo động lực cho phát triển nhanh và bền vững; thực hành tiết kiệm, chống thất thoát, lãng phí trong đầu tư công.
Cùng với đó mục tiêu đặt ra trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn tới là giảm tỷ trọng vốn đầu tư công, tăng vốn đầu tư xã hội trong cơ cấu vốn đầu tư, nâng cao hiệu quả đầu tư công được nhiều đại biểu đánh giá là quyết định rất đúng và cần thiết.

Sớm tháo gỡ vướng mắc về thể chế

Để khắc phục những hạn chế trong đầu tư công, theo các đại biểu Quốc hội, nên tập trung thực hiện tốt giải pháp đột phá: Đột phá về thể chế, chính sách pháp luật, rút ngắn trình tự thủ tục, thời gian giao vốn; đột phá trong phân cấp giao quyền cho địa phương, gắn trách nhiệm cụ thể, cá thể hóa trách nhiệm trong đầu tư công; đột phá trong chính sách huy động vốn ngoài nhà nước.

Trong các vấn đề liên quan đến thể chế, các đại biểu cũng chỉ ra, ngoài việc thực hiện tốt Luật Đầu tư công, việc rà soát, hoàn thiện các quy định pháp luật liên quan cũng rất quan trọng. Theo đại biểu Phạm Thị Thanh Trà (đoàn Yên Bái), hiện nay, Chính phủ đang tập trung chỉ đạo Bộ KH&ĐT phối hợp với các bộ, ngành liên quan để rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về thể chế.
Trong đó, tập trung tháo gỡ những vấn đề lớn như vướng mắc liên quan đến chính sách về giải phóng mặt bằng. Chỉ riêng giải quyết vấn đề này đã đòi hỏi Chính phủ phải xem xét, đề xuất sửa đổi nhiều luật, nghị định liên quan như Luật Đất đai, Luật Xây dựng, Luật Bảo vệ môi trường, Luật Ngân sách Nhà nước…

Theo các đại biểu, cùng với rà soát lại toàn bộ vướng mắc về thể chế, nên ban một luật để sửa nhiều luật, tránh việc luật sau trói luật trước, luật ngành này kìm hãm ngành kia như hiện nay. Đồng thời, chú trọng giải pháp đẩy nhanh tiến độ và nâng cao chất lượng lập quy hoạch, bao gồm quy hoạch quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh, quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng và một số quy hoạch ngành, lĩnh vực khác. Thực tiễn cho thấy, ở các địa phương khi các đồ án quy hoạch được lập với chất lượng tốt thì đầu tư công hiệu quả hơn; tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội tốt hơn.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần