Khắc phục những hạn chế nội tại

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nguyên nhân chính khiến thị trường bất động sản (BĐS) giảm sút niềm tin là do thiếu thông tin, thiếu sự minh bạch.

Để khắc phục vấn đề này và tăng cường hiệu lực quản lý Nhà nước đối với thị trường BĐS, Bộ Xây dựng đã ban hành Thông tư 11 hướng dẫn việc thực hiện báo cáo về tình hình triển khai đầu tư xây dựng và kinh doanh các dự án BĐS. Thông tư có hiệu lực thi hành từ ngày 1/10/2013.

 
Siết chặt chế độ báo cáo của chủ đầu tư về tình hình triển khai dự án sẽ giúp lấy lại niềm tin của khách hàng.Ảnh: Yên Chi
Siết chặt chế độ báo cáo của chủ đầu tư về tình hình triển khai dự án sẽ giúp lấy lại niềm tin của khách hàng. Ảnh: Yên Chi

Cấp sở còn... ì ạch 

Để khắc phục tình trạng dự án triển khai chậm tiến độ, không đầu tư hạ tầng đồng bộ hoặc không triển khai sau khi được cấp phép đầu tư... gây lãng phí tài nguyên đất đai và vốn đầu tư của xã hội, việc ban hành Thông tư 11 được đánh giá là cần thiết. Các loại dự án BĐS phải báo cáo theo quy định tại thông tư mới gồm: Dự án phát triển nhà ở; dự án đầu tư xây dựng khu đô thị mới; dự án tòa nhà chung cư hỗn hợp; dự án hạ tầng kỹ thuật khu công nghiệp; dự án trung tâm thương mại, văn phòng cho thuê, khách sạn; dự án khu du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng. 

Trên thực tế, Sở Xây dựng các địa phương đã được giao chủ trì làm đầu mối giúp UBND cấp tỉnh về quản lý hoạt động xây dựng, nhà ở và thị trường BĐS, nhưng các cơ quan này chưa phát huy hết vai trò, chức năng của mình. Nguyên nhân khách quan do thiếu quy định pháp luật yêu cầu chủ đầu tư dự án BĐS báo cáo tình hình triển khai thực hiện dự án, thiếu cơ sở dữ liệu, thông tin về các dự án phát triển nhà ở, dự án đầu tư xây dựng khu đô thị mới, các loại dự án BĐS khác. Về chủ quan, cơ chế phối hợp giữa các bộ, ngành có liên quan trong việc cung cấp thông tin dự án BĐS còn lỏng lẻo, việc thực thi pháp luật của các chủ đầu tư chưa nghiêm túc, vì chưa có chế tài xử phạt. Chính bởi vậy, khi Bộ Xây dựng yêu cầu các Sở báo cáo về tình hình triển khai các dự án BĐS làm cơ sở để lập báo cáo Chính phủ về thị trường BĐS thì kết quả báo cáo thường chậm so với tiến độ yêu cầu, số liệu không đầy đủ...

Báo cáo cho đến khi bán hết sản phẩm

Theo quy định mới, chủ đầu tư phải báo cáo sau 7 ngày từ khi có quyết định chấp thuận đầu tư hoặc cho phép đầu tư, quyết định phê duyệt dự án của cơ quan có thẩm quyền, giấy chứng nhận đầu tư (đối với dự án đầu tư nước ngoài); sau 7 ngày phải gửi báo cáo bổ sung khi có quyết định điều chỉnh dự án (nếu có). Về tình hình triển khai đầu tư xây dựng và tình hình kinh doanh dự án, chủ đầu tư phải có báo cáo định kỳ hàng quý (trước ngày 25 của tháng cuối quý); báo cáo hàng năm (trước ngày 25/12). Sau 15 ngày kể từ khi hoàn thành đầu tư xây dựng toàn bộ công trình của dự án cũng phải có báo cáo. Đặc biệt, Thông tư 11 quy định yêu cầu các chủ đầu tư tiếp tục báo cáo tình hình kinh doanh tại dự án cho khi đến khi bán, cho thuê toàn bộ BĐS được phép kinh doanh trong dự án khi dự án đã hoàn thành quá trình đầu tư xây dựng.Nếu đến lần thứ 2 mà chủ đầu tư các dự án BĐS không báo cáo hoặc báo cáo không đúng thời hạn, nội dung không chính xác, không đầy đủ theo quy định, sẽ công khai thông tin về hành vi vi phạm trên website của Bộ Xây dựng, UBND tỉnh và Sở Xây dựng địa phương nơi có dự án BĐS. Bên cạnh đó có thể áp dụng biện pháp xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật đối với chủ đầu tư dự án.   

Một số chuyên gia đánh giá, Thông tư 11 sẽ góp phần không nhỏ trong vấn đề tạo dựng lại niềm tin của khách hàng với thị trường BĐS. Song, để lấy lại niềm tin, muốn hay không muốn, bản thân các doanh nghiệp phải làm ăn nghiêm túc và chuyên nghiệp hơn.