Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Khắc phục tình trạng mâu thuẫn trong các con số thống kê

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chiều 11/3, tại phiên họp thứ 36, UBTV Quốc hội đã cho ý kiến về Dự án Luật Thống kê (sửa đổi). Trong đó vấn đề quy định thế nào để đảm bảo tính chính xác của thông tin thống kê đã được đưa ra.

Nhiều ý kiến trong UBTV Quốc hội tán thành với việc ban hành Luật Thống kê (sửa đổi) nhằm khắc phục những bất cập của công tác thống kê hiện nay, hoàn thiện hệ thống tổ chức thống kê Nhà nước, bảo đảm hoạt động hiệu quả, cung cấp thông tin thống kê đầy đủ, kịp thời, trung thực, khách quan, chính xác, đáp ứng nhu cầu sử dụng thông tin thống kê của các cơ quan quản lý Nhà nước, tổ chức, cá nhân.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến cũng đưa ra những băn khoăn khi Dự Luật chưa làm rõ được mối quan hệ và tính thống nhất trong hệ thống thông tin thống kê các cấp, cụ thể thời gian vừa qua số liệu tính tốc độ tăng trưởng GDP hàng năm của các địa phương cộng lại cao hơn nhiều so với tốc độ tăng trưởng GDP chung của cả nước. Cùng với đó cần phải bổ sung quy định việc xây dựng lịch công bố thông tin thống kê trong Dự Luật, quy định cụ thể một số chỉ tiêu công bố như GDP, CPI, tỷ lệ thất nghiệp, thời điểm công bố cố định đối với 3 loại số liệu thống kê (số ước tính, số sơ bộ, số chính thức).
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu ý kiến về dự án Luật Thống kê (sửa đổi). 	Ảnh: TTXVN
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu ý kiến về dự án Luật Thống kê (sửa đổi). Ảnh: TTXVN
Trả lời cho câu hỏi Chủ nhiệm Ủy ban pháp luật của Quốc hội Phan Trung Lý và một số thành viên là: Liệu Dự Luật có khắc phục được những nhược điểm của công tác thống kê hiện nay khi nhiều thông tin thống kê không đảm bảo, nên tính dự báo không cao.

Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cho biết: Dự Luật sẽ khắc phục tình trạng chênh lệch số liệu bằng việc làm rõ trách nhiệm và hệ thống chỉ tiêu giao cho Tổng cục thống kê chịu trách nhiệm. Đồng thời, lần đầu tiên quy định hệ thống chỉ tiêu thống kê của cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã theo một chuẩn mực. Như GDP của T.Ư thì T.Ư tính, còn tại các địa phương là do T.Ư quản lý cách tính để không trùng lắp. Luật này cũng quy định việc áp dụng, sử dụng công nghệ thông tin để tính toán, cập nhật, đảm bảo tính chính xác. Còn tính dự báo lại là công tác phân tích số liệu thống kê, ví dụ như giá điện tăng như vậy thì tác động thế nào đến CPI, GDP.

Một vấn đề khác cũng được nhiều ý kiến quan tâm là việc thống kê "không chính thức". Bởi Luật hiện hành, có quy định thống kê "không chính thức" nhưng Dự Luật sửa đổi lại có phạm vi hẹp hơn khi không quy định thống kê "không chính thức". Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội là cơ quan thẩm tra bày tỏ quan điểm: Bên cạnh việc quy định hoạt động thống kê Nhà nước, Dự Luật cũng cần quy định cả hoạt động thống kê ngoài hệ thống tổ chức thống kê Nhà nước, nhằm bảo đảm quản lý Nhà nước toàn diện đối với hoạt động thống kê và quyền tự do kinh doanh của công dân theo quy định của Hiến pháp năm 2013. Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu góp ý: Nên điều chỉnh hoạt động thống kê ngoài nhà nước theo hướng quy định các nguyên tắc cơ bản, đồng thời quy định trách nhiệm pháp lý của các tổ chức, cá nhân đối với việc thực hiện hoạt động thống kê, hạn chế tối đa những tác động tiêu cực phát sinh từ hoạt động thống kê này.

Nhấn mạnh đến tính minh bạch, khách quan trong hoạt động thống kê, góp phần nâng cao chất lượng thông tin thống kê, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhận định: Những quy định trong Dự Luật này chưa minh bạch, gần 100% điều khoản là giao cho Thủ tướng và Chính phủ quy định. Chủ tịch Quốc hội ví dụ cách tính GDP, là con số thống kê quan trọng nhất của đất nước nhưng cũng không chính xác. Và đề nghị: Nên quy định chỉ tiêu quốc gia vào thẳng trong Luật. Phải quy định từ chỉ tiêu cho đến cách tính rõ ràng và chịu trách nhiệm rõ ràng vào trong Luật, không phải giao hết cho Thủ tướng, Chính phủ quy định. "Cái gì cũng giao hết cho Thủ tướng hướng dẫn thì làm Luật làm gì", Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh. UBTV Quốc hội đề nghị cơ quan soạn thảo cần rà soát, hoàn chỉnh lại các quy định của Dự Luật trước khi trình ra Quốc hội.