Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Khắc phục tình trạng quy định, hướng dẫn “treo”

Nguyễn Vũ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật đang được tiếp tục lấy ý kiến để hoàn thiện. Trong đó, một vấn đề được đề cập đến là việc cần có quy định để thúc đẩy việc phối hợp chặt chẽ hơn nữa giữa các bộ, ngành đề tránh tình trạng luật chờ nghị định, nghị định chờ thông tư hướng dẫn thi hành.

Ảnh minh họa.
Chậm hướng dẫn
Tại cuộc làm việc của Tổ công tác Thủ tướng Chính phủ với các bộ, ngành, cơ quan mới đây về tình hình xây dựng, trình, ban hành các văn bản quy định chi tiết luật, pháp lệnh đã có hiệu lực pháp luật từ ngày 1/7/2020 cho thấy, đến nay, các bộ, ngành, cơ quan đang nợ đọng 24 văn bản hướng dẫn các luật có hiệu lực từ ngày 1/1/2020. Trong đó, Bộ Công an 15 văn bản; Bộ KH&ĐT 2 văn bản, Bộ Công Thương 4 văn bản; Bộ Tư pháp 1 văn bản; Bộ Y tế 1 văn bản; Thanh tra Chính phủ 1 văn bản. Cùng với đó, để hướng dẫn các luật có hiệu lực từ ngày 1/7/2020, các bộ cần ban hành và trình ban hành 62 văn bản, gồm 35 nghị định và 27 thông tư. Những con số này cho thấy tình trạng chậm ban hành văn bản quy định chi tiết diễn ra ở hầu hết các bộ, cơ quan ngang bộ được giao chủ trì soạn thảo.
Theo đại diện nhiều bộ, ngành, có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc chậm ban hành các văn bản quy định chi tiết các luật, pháp lệnh sắp có hiệu lực. Trong đó, nhiều vấn đề hoàn toàn mới, chưa có thực tiễn như về cưỡng chế thi hành án với pháp nhân thương mại (hướng dẫn Luật Thi hành án dân sự); có những vấn đề rất khó, nhạy cảm, thu hút sự quan tâm của dư luận cả trong và ngoài nước, như các văn bản hướng dẫn Luật An ninh mạng... Cùng với đó, công tác phối hợp giữa các bộ, cơ quan trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật chưa chặt chẽ, nhịp nhàng.
Chặt chẽ quy định phối hợp
Tại các cuộc thảo luận về Dự Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, nhiều ý kiến cũng chỉ ra, tình trạng nợ văn bản chi tiết đã làm cho nhiều quy định của luật chưa thể triển khai, điều luật đó sẽ vẫn “treo”. Đơn cử như Luật Xử lý vi phạm hành chính, sau khi luật này ra đời thì phải có 53 văn bản hướng dẫn nhưng 6 đến 7 tháng sau vẫn chưa ban hành văn bản, trong khi chưa kịp thời ban hành văn bản hướng dẫn thì lấy căn cứ vào đâu để xử phạt. Một thực trạng khác cũng được chỉ ra là có những thông tư ban hành bị sai sót, trái luật. Chỉ khi dư luận phản ứng, mới được sửa đổi, đình chỉ, bãi bỏ. Do đó, các ý kiến cho rằng, Dự Luật lần này cần bổ sung trong quy trình ban hành thông tư thành lập Hội đồng thẩm định và người đại diện của Bộ Tư pháp trong Hội đồng này là cơ cấu cứng. Đây cũng là một cơ chế đảm bảo hiệu quả công tác tự kiểm tra và kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật. Đồng thời, đưa ra quy định kiểm soát chặt chẽ, cụ thể cơ chế ủy quyền lập pháp và chủ thể được ủy quyền lập pháp.
Quốc hội là cơ quan làm luật và Quốc hội có thể ủy quyền lập pháp cho cơ quan này, cơ quan khác thực hiện, nguyên Thứ trưởng Bộ Tư pháp Hoàng Thế Liên cho rằng, vướng mắc hiện nay là chưa có cơ chế kiểm soát giữa người ủy quyền và người được ủy quyền, chưa rõ trách nhiệm của người ủy quyền và người được ủy quyền như thế nào. Để khắc phục tình trạng này, cần có quy định cụ thể về người ủy quyền nêu rõ nội dung, phạm vi, thời gian ban hành và trước khi người được ủy quyền ban hành thì bên ủy quyền phải kiểm soát văn bản đó. Trong sửa đổi Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật lần phải xử lý được vấn đề này, có như vậy thì các quy định trong văn bản hướng dẫn mới không bị “bẻ queo”, hay làm biến dạng chính sách này, chính sách kia.
Nhiều ý kiến khác cũng đề xuất, để khắc phục tình trạng luật chờ văn bản hướng dẫn, Dự Luật lần này cần phải có quy định chặt chẽ về việc các cơ quan có trách nhiệm đến cùng trong việc ban hành các văn bản chi tiết để thi hành luật.