Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Khắc phục tình trạng thiếu cán bộ tư pháp

Tuấn Phong
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong điều kiện tinh giản biên chế theo các Nghị quyết T.Ư như hiện nay, việc khắc phục tình trạng thiếu cán bộ tư pháp các cấp cần nhiều giải pháp đồng bộ.

Công dân đăng ký cấp phiếu lý lịch tư pháp tại Bộ phận một cửa Sở Tư pháp Hà Nội. Ảnh: Văn Trọng
Năm 2018, Bộ Tư pháp đã thực hiện cắt giảm 182 biên chế so với năm 2017 và giảm tổng số 502 biên chế so với năm 2015 (tương đương 5%), đạt chỉ tiêu đề ra. Một số tỉnh, TP trực thuộc T.Ư đã ban hành đề án và tổ chức thực hiện việc kiện toàn cơ quan tư pháp theo yêu cầu tại các Nghị quyết số 18-NQ/TW, Nghị quyết số 19-NQ/TW của Hội nghị Ban Chấp hành T.Ư 6, Khóa XII.
Đại diện Vụ Tổ chức cán bộ (Bộ Tư pháp) cho biết, toàn ngành đã hoàn thành việc rà soát, bổ sung quy hoạch cho giai đoạn 2017 - 2021 và giai đoạn 2021 - 2026. Việc tuyển dụng, tiếp nhận, điều động, luân chuyển, chuyển đổi vị trí việc làm được thực hiện đúng quy định. Bộ Tư pháp đã rà soát, luân chuyển, đánh giá biên chế của các đơn vị gắn với yêu cầu vị trí việc làm và khối lượng công việc của từng đơn vị, bảo đảm sử dụng có hiệu quả số lượng biên chế được giao.

Tuy nhiên, so với năm 2017, đội ngũ làm công tác tư pháp trong toàn ngành giảm ở cấp tỉnh và cấp huyện. Cụ thể, cả nước hiện có 5.281 người làm việc tại các sở tư pháp (giảm 43 người); 3.006 người làm việc tại các phòng tư pháp (giảm 239 người), đạt bình quân 4,23 người/phòng tư pháp; 18.815 cán bộ tư pháp - hộ tịch, trong đó có 64,9% xã, phường, thị trấn bố trí từ 2 cán bộ trở lên. Các cơ quan tư pháp đã kiện toàn hoặc đề xuất kiện toàn nhiều cán bộ lãnh đạo, quản lý, trong đó chú trọng về chất lượng của đội ngũ này. Riêng tại Bộ Tư pháp, đã bổ nhiệm, bổ nhiệm lại đối với 24 lãnh đạo cấp vụ, trong đó có 2 trường hợp được bổ nhiệm thông qua kết quả thi tuyển công khai; bổ nhiệm 10 lãnh đạo cấp phòng của các đơn vị thuộc Bộ.

Đối với đội ngũ làm công tác pháp chế: Ở bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ có 4.332 người làm công tác pháp chế, trong đó có 1.325 cán bộ pháp chế chuyên trách (giảm 130 người); ở các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh có 2.631 người làm công tác pháp chế, trong đó có 613 cán bộ pháp chế chuyên trách (tăng 20 người).

Như vậy, từ số liệu nêu trên có thể thấy, đội ngũ làm công tác tư pháp giảm ở cấp tỉnh, đặc biệt là cấp huyện và pháp chế chuyên trách ở T.Ư giảm mạnh (cán bộ tư pháp cấp huyện giảm 239 người, tương đương giảm gần 7,4%; cán bộ pháp chế chuyên trách tại các cơ quan T.Ư giảm 130 người, tương đương giảm gần 9%, so với năm 2017). Công chức tư pháp - hộ tịch tư pháp cấp xã thường xuyên biến động.

Trong điều kiện tinh giản biên chế như hiện nay, việc bổ sung biên chế đương nhiên là không thể. Do đó, cần rà soát tình hình tổ chức - cán bộ các cơ quan tư pháp địa phương, đội ngũ cán bộ pháp chế để kịp thời kiến nghị, đề xuất với các cơ quan có thẩm quyền quan tâm bố trí, kiện toàn phù hợp, ưu tiên những địa bàn nhiều việc, cán bộ còn mỏng, yếu về trình độ, tránh tình trạng cào bằng. Cơ quan tư pháp cần chủ động, tích cực tham mưu cho chính quyền địa phương trong việc bố trí kinh phí, tạo thêm nguồn lực để khắc phục tình trạng thiếu nhân sự.

Bên cạnh đó, cần tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng nhằm nâng cao trình độ cho cán bộ tư pháp đáp ứng yêu cầu được giao; có chế độ khuyến khích, khen thưởng, động viên kịp thời đối với các tập thể, cá nhân có thành tích. Đồng thời tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của các cơ quan tư pháp nhằm giảm sức người cũng như các chi phí hành chính.