Khắc phục vi phạm an toàn PCCC tại nhà cao tầng còn chậm

Đặng Sơn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Giám đốc Cảnh sát PCCC TP Hà Nội, Thiếu tướng Hoàng Quốc Định cho biết, tiến độ khắc phục những vi phạm về an toàn PCCC tại các công trình nhà ở cao tầng còn chậm.

Tại ngày họp thứ 3, Kỳ họp thứ 5, HĐND TP Hà Nội khoá XV, nhiệm kỳ 2016 - 2020, nhiều đại biểu đã nêu ý kiến chất vấn về tiến độ khắc phục những tồn tại trong công tác PCCC trên địa bàn TP, đặc biệt là trong các công trình nhà ở cao tầng và quán karaoke.
Giám đốc Cảnh sát PCCC TP Hà Nội, Thiếu tướng Hoàng Quốc Định cho biết, hiện còn khá nhiều công trình nhà chung cư, nhà ở tái định cư chưa đảm bảo các yêu cầu về PCCC.
Cụ thể, hiện còn 79 nhà chung cư vẫn tồn tại vi phạm về PCCC. “39 công trình đã khắc phục và được nghiệm thu, còn 49 công trình chưa khắc phục” - ông Định cho hay.
 Giám đốc Cảnh sát PCCC TP Hà Nội, Thiếu tướng Hoàng Quốc Định trả lời chất vấn
Ông Định cho rằng, một số vấn đề đã được khắc phục ngay nhưng vẫn còn những tồn tại chưa thể giải quyết do nhiều vấn đề liên quan đến công năng sử dụng và kinh phí đầu tư lớn nên cần phải có thêm thời gian.
Đồng thời Lãnh đạo lực lượng Cảnh sát PCCC Hà Nội cũng khẳng định, có 22 công trình có khả năng khắc phục trong thời gian tới; từ nay đến hết quý I/2018 sẽ khắc phục xong.
Ngoài ra, 26 công trình hiện khó có khả năng khắc phục, UBDN TP cũng đã có chỉ đạo, thành lập Tổ liên ngành kiểm tra, đánh giá thực trạng. Những vấn đề vượt quá thẩm quyền, khả năng của TP sẽ được báo cáo lên Bộ Xây dựng, Bộ Công an để có giải pháp xử lý phù hợp.
Liên quan đến 167 toà nhà chung cư phục vụ tái định cư còn tồn tại vi phạm về PCCC, ông Định thừa nhận tiến độ khắc phục còn chậm; 59 công trình mới chỉ thực hiện xong khảo sát, 47 công trình đã ký hợp đồng sửa chữa, bảo dưỡng hệ thống PCCC.
Ông Định cho biết: “Tổng mức kinh phí khắc phục tồn tại các công trình này lên tới trên 170 tỷ đồng, Sở Xây dựng đã có báo cáo UBND TP xin ý kiến chỉ đạo, có thể kêu gọi xã hội hoá để từng bước khắc phục”.
Lãnh đạo Cảnh sát PCCC TP Hà Nội cũng đề xuất, cần có sự vào cuộc của các cấp, các ngành, đặc biệt là chủ đầu tư và người dân để cùng triển khai thực hiện. “Có những toà nhà, chính người dân đang sinh sống ở đó lại gây khó khăn cho việc khắc phục vi phạm về PCCC” - ông Định bày tỏ.
Để tránh tình trạng tốn nhiều công sức, tiền của khắc phục những vi phạm về an toàn PCCC tại các toà nhà cao tầng, ông Định đề nghị UBND TP chỉ đạo các sở, ngành, địa phương siết chặt quản lý ngay từ khi xây dựng công trình, và chỉ khi nghiệm thu về an toàn PCCC mới cấp điện nước và cho phép đưa công trình vào khai thác.
Bên cạnh đó, ông Định cũng nhìn nhận, công tác khắc phục vi phạm an toàn PCCC tại các cơ sở kinh doanh Karaoke đã có kết quả khá tích cực; nhiều địa phương đã tạm đình chỉ, thậm chí cắt điện, nước để buộc dừng hoạt động những cơ sở chậm giải quyết tồn tại.

Trả lời thêm về vấn đề này, Giám đốc Sở Xây dựng Lê Văn Dục cho biết, trong 133 tòa nhà chung cư tái định cư, Sở Xây dựng đã khảo sát cùng Cảnh sát PCCC, các đơn vị vận hành về tình trạng toàn bộ các tòa nhà. Trong giai đoạn 1, đã triển khai 68 tỷ đồng; giai đoạn 2 là 92 tỷ đồng. Tổng kinh phí nâng cấp các tòa nhà chung cư xây dựng từ năm 2000 đến 2010 với tiêu chuẩn của PCCC cũ là gần 68 tỷ đồng. Kinh phí đối với nâng cấp toàn diện theo tiêu chuẩn mới nhất của PCCC là 92 tỷ đồng cho 132/179 tòa nhà chung cư tái định cư.

Vì vậy, trong bước đột phá để giải quyết theo tiêu chuẩn mới thì phải sử dụng nguồn xây dựng cơ bản. Trách nhiệm này thuộc Sở, Sở Xây dựng cam đoan nếu bố trí đủ kinh phí thì trong 3 tháng sẽ thực hiện xong toàn bộ.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần